Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Nghị quyết số 01/2024/NQ-CP với nhiều nhóm giải pháp hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay từ đầu năm, các Bộ ngành và địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại NQ số 01 của Chính phủ, hướng đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư phục hồi, phát triển tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024, theo giá hiện hành ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước (quý IV/2024 ước đạt 1.274,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%), đã phản ánh sự phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay so với năm trước, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 1.019,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn và tăng 5,3%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 2.064,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% và tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 608,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% và tăng 10,6%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 661,3 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm và tăng 3,3% so với năm trước. Theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 112,8 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với năm trước; vốn địa phương đạt 548,5 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% và tăng 4,1%.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố quý IV năm 2024 ước thực hiện 124,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với quý trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Phân theo nguồn vốn: Vốn Nhà nước ước đạt 30.369,8 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 83.156,7 tỷ đồng, chiếm 66,9%, tăng 6,7%; vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10.875,9 tỷ đồng, chiếm 8,7%, giảm 0,8%.
Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 75.613,5 tỷ đồng, chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản ước đạt 33.376,1 tỷ đồng, chiếm 26,8%, tăng 0,4%; vốn đầu tư sửa chữa lớn ước đạt 7.854,7 tỷ đồng, chiếm 6,3%, tăng 12,4%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 5.550,9 tỷ đồng, chiếm 4,5%, tăng 4,6%; vốn đầu tư khác ước đạt 2.007,2 tỷ đồng, chiếm 1,6%, giảm 2,7%.
Tính chung cả năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố ước thực hiện 395.464 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Trong đó:
Phân theo nguồn vốn: Vốn Nhà nước ước đạt 88.266,2 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, tăng 1,0% so với năm 2023; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 267.938,8 tỷ đồng, chiếm 67,8%, tăng 8,1%; vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 39.259 tỷ đồng, chiếm 9,9%, tăng 8,3%.
Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 235.850 tỷ đồng, chiếm 59,6% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, tăng 5,7% so với năm 2023; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản ước đạt 112.222,1 tỷ đồng, chiếm 28,4%, tăng 7,1%; vốn đầu tư sửa chữa lớn ước đạt 23.301,9 tỷ đồng, chiếm 5,9%, tăng 5,6%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 18.415 tỷ đồng, chiếm 4,7%, tăng 15,3%; vốn đầu tư khác ước đạt 5.675 tỷ đồng, chiếm 1,4%, tăng 2,4 %.
Vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước: Năm 2024, ghi nhận nhiều dự án giao thông lớn của Thành phố đã hoàn thành. Điển hình là tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành mở ra chương mới cho giao thông đô thị hiện đại của Thành phố; các công trình xây dựng tạm ngừng nhiều năm được hồi sinh như cầu Long Kiểng (Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (Cần Giờ), cầu Long Đại (Thành phố Thủ Đức), tuyến đường Dương Quảng Hàm, Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa…; các dự án giao thông lớn đã tăng tốc như đường Vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; chỉnh trang công viên bờ sông Sài Gòn, cánh đồng hoa hướng dương ở thành phố Thủ Đức tạo nên những điểm sáng cho bộ mặt đô thị Thành phố.
Vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 12 năm 2024 đạt 8.019,6 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 8.009,6 tỷ đồng, tăng 10%; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 10 tỷ đồng, chỉ bằng 22,1% (do Kế hoạch vốn từ ngân sách cấp huyện năm 2024 chỉ bằng 16,8% so với năm 2023).
Tính chung cả năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện 54.585,1 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 54.493,9 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2023, đạt 68,8% Kế hoạch ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 91,2 tỷ đồng, bằng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81,1% Kế hoạch cấp huyện.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 53.631,5 tỷ đồng, đạt 68% so với Kế hoạch vốn năm 2024.
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã vận hành thương mại vào 10 giờ ngày 22/12/2024, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thành phố. Trong tháng đầu tiên vận hành, hành khách được miễn vé đi Metro số 1 cùng với 17 tuyến buýt điện kết nối. Metro Bến Thành – Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu ba toa, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Giai đoạn đầu, bình quân mỗi ngày có 9 tàu vận hành, chạy từ 5h đến 22h với khoảng 200 chuyến. Tần suất giãn cách mỗi chuyến 8-12 phút; hành trình từ ga Suối Tiên (Thủ Đức) đến Bến Thành (Quận 1) khoảng 30 phút, tàu dừng 30 giây ở mỗi ga trên tuyến. Metro số 1 không chỉ là một dự án giao thông mà còn được nhìn nhận như một biểu tượng về sự phát triển của Thành phố.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100%. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga với tiến độ chỉ đạt khoảng 30% Kế hoạch, dự kiến toàn bộ hạ tầng kỹ thuật sẽ hoàn thành vào quý II năm 2025 để phục vụ giai đoạn xây dựng nhà ga ngầm, đường hầm và đoạn trên cao vào cuối năm 2025. Thành phố thống nhất chủ trương dùng vốn ngân sách Thành phố để triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án tuyến tàu Metro số 2.
Dự án Thành phần 1 (đường Vành đai 3 Thành phố) được chia làm 14 gói thầu xây lắp (10 gói thầu xây lắp chính và 04 gói thầu phục vụ vận hành). Trong đó, 10 gói thầu xây lắp chính đang được tăng tốc thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến, xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm với tỷ lệ chung đạt khoảng 26%. Tuy đã tìm được nguồn cát nhưng tiến độ khai thác của các mỏ cát chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án; tổng nhu cầu cát của dự án là khoảng 7,1 triệu m³, mới đưa về công trường khoảng 1,3 triệu m³. Thành phố yêu cầu các nhà thầu tích cực hỗ trợ để đẩy nhanh các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ. Chủ đầu tư cần phối hợp nhà thầu điều chỉnh lại kế hoạch thi công, điều kiện thi công,… để tăng tốc, rút ngắn tiến độ phấn đấu thông xe tuyến chính cao tốc khu vực thành phố Thủ Đức vào ngày 30/01/2026; khu vực các huyện Bình Chánh – Hóc Môn – Củ Chi vào ngày 30/4/2026.
Dự án Thành phần 2 (đường Vành đai 3 Thành phố) đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hiện tỷ lệ giải phóng mặt bằng đã đạt 99,8%, 03 trường hợp chưa đồng ý bàn giao (thành phố Thủ Đức 01 trường hợp, huyện Bình Chánh 02 trường hợp). Các địa phương đang tổ chức vận động và lên kế hoạch cưỡng chế để giải phóng mặt bằng đạt 100%.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ có tiến độ thực hiện đạt hơn 90% khối lượng. Gói thầu xây lắp số 2 (nhánh hầm chui HC2) đã thông xe trong tháng 9 năm 2024 và nhánh hầm chui HC1 vẫn đảm bảo tiến độ, thông xe toàn tuyến vào tháng 12 năm 2024. Dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Trạm biến áp để đảm bảo việc cung cấp nguồn điện ổn định, lâu dài phục vụ cho việc vận hành hệ thống trạm bơm, chiếu sáng và camera của dự án, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa công trình vào khai thác theo kế hoạch.
Dự án nút giao An Phú có tiến độ thi công tương đối tích cực, đạt gần 60% tổng khối lượng, trong đó hạng mục nhánh hầm từ HC1-01 (hướng từ Hầm Thủ Thiêm đi cao tốc Long Thành – Dầu Giây) đạt hơn 65% khối lượng xây dựng, nhánh hầm HC1-02 (hướng từ cao tốc Long Thành – Dầu Giây về Hầm Thủ Thiêm) đạt gần 60% khối lượng xây dựng; nhánh hầm HC1 dự kiến thông xe vào cuối năm 2024. Trong đó, hầm chui phía đường Lương Đình Của chuẩn bị đổ bê tông thêm một đoạn nắp hầm và sàn hầm chui, trên cầu vượt phía đường Mai Chí Thọ, dự án đang được tăng tốc thi công dầm và cọc khoan nhồi phục vụ hoàn thành trục cầu vượt. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa có tổng vốn 4.800 tỷ đồng, dự án có 5 gói thầu xây lắp, tiến độ chung đạt hơn 68% khối lượng. Dự án đã thông xe tại 02 điểm hầm chui Phan Thúc Duyệt và đoạn nối đường Thăng Long – 18E – Cộng Hòa (cửa ngõ Tân Sơn Nhất); phần còn lại đoạn 18E – C12 và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám. Gói thầu mở rộng đường Hoàng Hoa Thám tiến độ chỉ đạt 55% khối lượng do vướng giải phóng mặt bằng. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào ngày 30/4/2025.
Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết
(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)
Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu
(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)
Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%
(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)
Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi
Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)
Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ
Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)
Nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) nhà ở năm 2025 dự kiến sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. 2 (28/03/2025)