Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng Một tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 01/2024 tăng 2,72%.
I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 01/2024
So với tháng trước, CPI tháng 01/2024 tăng 0,31% (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,29%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 09 nhóm hàng tăng giá, 02 nhóm hàng giảm giá.
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 01/2024 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:
1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,21%)
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 01/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 1,74%, tác động tăng 0,06 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,3%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm; riêng nhóm thực phẩm giảm 0,09%, tác động giảm 0,02 điểm phần trăm.
1.1. Lương thực (+1,74%)
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 01/2024 tăng 1,74% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 2,36% (Gạo tẻ thường tăng 2,49%; gạo tẻ ngon tăng 2% và gạo nếp tăng 1,66%). Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc, trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng khi dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.800-18.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 20.100-23.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 21.900-23.800 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.700-40.800 đồng/kg.
Giá gạo tăng và nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cao đã tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực khác như giá bún, bánh phở, bánh đa tháng Một tăng 1,44% so với tháng trước; miến tăng 0,8%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,53%; bột mì tăng 0,4%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,35%.
1.2. Thực phẩm (-0,09%)
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 01/2024 giảm 0,09% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng sau:
– Chỉ số giá rau tươi, khô và chế biến giảm 2,25%, trong đó giá cà chua giảm 12,79%; su hào giảm 6,76%; bắp cải giảm 6,34%; đỗ quả tươi giảm 3,05%; khoai tây giảm 1,99%; rau gia vị tươi khô các loại giảm 1,94%; rau tươi khác giảm 1,63% do đang là thời điểm thu hoạch vụ rau đông xuân, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau củ dồi dào và phong phú.
– Chỉ số giá nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,09%, chủ yếu do giá dầu thực vật giảm.
Ở chiều ngược lại, có một số mặt hàng tăng giá:
– Chỉ số giá thủy sản chế biến tăng 0,38% so với tháng trước; thủy sản tươi sống tăng 0,18% do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng.
– Chỉ số giá thịt lợn tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Giá thịt lợn tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg trong những ngày gần đến Tết Giáp Thìn. Tính đến ngày 25/01/2024, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 52.000-57.000 đồng/kg. Theo đó, mỡ động vật tăng 0,11% so với tháng trước; nội tạng động vật tăng 0,06%.
– Chỉ số giá đường tăng 0,85% so với tháng trước; các loại đậu và hạt tăng 0,49%; quả tươi, chế biến tăng 0,46%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,41%; bánh mứt, kẹo tăng 0,39%; đồ gia vị tăng 0,23% và sữa, bơ, pho mát tăng 0,23%.
1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,3%)
Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 01/2024 tăng 0,3% so với tháng trước, chủ yếu do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao, điện và chi phí nhân công tăng, trong đó giá ăn ngoài gia đình tăng 0,28%; uống ngoài gia đình tăng 0,45%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,31%.
2. Đồ uống và thuốc lá (+0,38%)
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 01/2024 tăng 0,38% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới khiến giá rượu bia tăng 0,54%; thuốc hút tăng 0,32%; đồ uống không cồn tăng 0,06%.
3. May mặc, mũ nón, giày dép (+0,22%)
Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 01/2024 tăng 0,22% so với tháng trước do chi phí nhân công, chi phí vật liệu, nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông và chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng. Trong đó, quần áo may sẵn tăng 0,24% so với tháng trước; vải các loại tăng 0,23%; may mặc khác tăng 0,25%; dịch vụ may mặc tăng 0,43%; mũ nón tăng 0,1%; giày dép tăng 0,13%; dịch vụ giày dép tăng 0,93%.
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,56%)
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 01/2024 tăng 0,56% so với tháng trước tác động làm tăng CPI chung 0,11 điểm phần trăm, một số mặt hàng tăng giá:
– Giá điện sinh hoạt tháng Một tăng 1,29% so với tháng trước[1] do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 09/11/2023, cùng với đó nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh.
– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,53% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,33%, chủ yếu do giá cát tăng khi thiếu nguồn cung, giá thép tăng do giá phôi thép, thép thành phẩm tăng và chi phí nhân công cùng nhu cầu sửa chữa nhà ở của người dân tăng cao vào dịp cuối năm.
– Giá gas tăng 1,69% so với tháng trước do từ ngày 01/01/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 10 USD/tấn (từ mức 615 USD/tấn lên mức 625 USD/tấn).
Riêng giá dầu hỏa tháng 01/2024 giảm 1,24% so với tháng 12/2023 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 04/01/2024, 11/01/2024, 18/01/2024 và 25/01/2024.
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,14%)
Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 01/2024 tăng 0,14% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm. Giá một số mặt hàng tăng do nhu cầu tăng để phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới như: Giá máy xay sinh tố, máy ép hoa quả tăng 0,58%; trang thiết bị nhà bếp tăng 0,3%; hàng thủy tinh, sành sứ tăng 0,2%; đèn điện thắp sáng tăng 0,19%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,15%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,09%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,23%; dịch vụ sửa chữa thiết bị trong gia đình tăng 0,39%.
6. Thuốc và dịch vụ y tế (+1,02%)
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 01/2024 tăng 1,02% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0,09%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,89%; dịch vụ khám chữa bệnh nội trú tăng 1,67%. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
7. Giao thông (+0,41%)
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 01/2024 tăng 0,41% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm, trong đó:
– Chỉ số giá xăng tăng 0,79% so với tháng trước, chỉ số giá dầu diezen tăng 1,39% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
– Chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,64% do nhu cầu đi lại tăng, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 16,7%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,18%.
– Giá phụ tùng ô tô tăng 0,06%; lốp, săm xe máy tăng 0,12%; phụ tùng khác của xe đạp tăng 0,47%.
– Dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,38%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 0,63% do chi phí nhân công và nhu cầu tăng trong dịp cuối năm; phí cầu đường tăng 1,54%.
– Ở chiều ngược lại, có một số mặt hàng giảm giá so với tháng trước: Giá xe ô tô mới, xe máy và xe ô tô đã qua sử dụng lần lượt giảm 0,33%, 0,04% và 0,4% do các hãng xe áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
8. Bưu chính viễn thông (-0,05%)
Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 01/2024 giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động.
9. Giáo dục (-0,12%)
Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 01/2024 giảm 0,12% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,15%[2]. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
10. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,11%)
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Một tăng 0,11% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng sau: Du lịch trọn gói tăng 0,7% (du lịch trong nước tăng 0,63%; du lịch ngoài nước tăng 0,91%) do nhu cầu đi du lịch của người dân và chi phí dịch vụ tăng; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,43%; khách sạn, nhà khách tăng 0,13%.
11. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,4%)
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 01/2024 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Giá nhóm đồ trang sức tăng 2,48%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,9%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 1,16%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,47%. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,39% so với tháng trước.
12. Chỉ số giá vàng (+2,55%)
Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/01/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.014,85 USD/ounce, giảm 1,23% so với tháng 12/2023 do đồng USD mạnh lên và thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khó dự đoán. Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.
13. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,52%)
Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng tăng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng bạc xanh với kỳ vọng FED sẽ không sớm cắt giảm lãi suất. Tính đến ngày 25/01/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,18 điểm, tăng 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.555 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2024 tăng 0,52% so với tháng 12/2023 và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
Bảng 1. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Một từ năm 2020 đến năm 2024
Đơn vị tính: %
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2024 tăng 3,37%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá và 01 nhóm giảm giá.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 01/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước:
– Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 8,39% làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm, do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí.
– Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,52%, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,39%, làm CPI chung tăng 1,2 điểm phần trăm do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở và giá nhà ở thuê tăng.
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,31%, tác động làm CPI chung tăng 0,77 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 15,63%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,6%; riêng thực phẩm giảm 0,34%.
– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,7% làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và giá nguyên liệu sản xuất đồ uống, chi phí vận chuyển tăng.
– Nhóm giao thông tăng 1,58% làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm, trong đó phụ tùng tăng 1,95%, bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 3,4%; xăng dầu tăng 0,52%.
– Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng Một tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,14%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,9%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,79%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng 01/2024 giảm 1,41% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
II. LẠM PHÁT CƠ BẢN
Lạm phát cơ bản[3] tháng 01/2024 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,37%) chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
[1] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 01/2024 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 12/2023.
[2] Một số địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 01/2024 giảm so với tháng trước: Yên Bái giảm 40,21%; Lai Châu giảm 35,95%; Lào Cai giảm 9,37%; Bắc Ninh giảm 0,13%.
[3] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024; Kế hoạch số 182-KH/ĐUK ngày 29/7/2024 và Kế hoạch số 273-KH/ĐUBKHĐT ngày 16/9/2024, BCH Đảng bộ TCTK ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030. (08/11/2024)
Saigon Co.op xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ
Ngày 23/10, Công ty TNHH MTV phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina tiến hành bàn giao hàng hoá sản xuất tại Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (24/10/2024)
Thái Nguyên hướng đến chuyển đổi xanh
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. (23/10/2024)
De Heus góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững để hướng tới Net Zero
Phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp không chỉ ở việc cải thiện các yếu tố môi trường, mà còn là việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tối ưu hóa tài nguyên, cũng như xây dựng năng lực và lợi nhuận bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị. Hiểu được nhu cầu của mỗi phân khúc chăn nuôi, Tập đoàn De Heus luôn linh hoạt xây dựng các giải pháp để mỗi khách hàng đều có thể phát triển trang trại của mình trên toàn cầu một cách bền vững. (22/10/2024)
PV GAS tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp
Tại Hội nghị kinh doanh và phát triển thị trường khí được tổ chức tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong khẳng định nhanh chóng tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí mới ban hành, với mục tiêu cao nhất là đưa PV GAS tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. (21/10/2024)
Diễn đàn Đa phương MSF 2024: Lần đầu tiên vinh danh sáng kiến công nghệ số vì nhóm yếu thế
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024. (19/10/2024)