Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó, phát triển kinh tế số vừa là cơ hội, vừa là thách thức để Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế, từ đó phát triển bứt phá trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra về phát triển kinh tế số, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

1. Lý luận về kinh tế số

1.1. Khái niệm

Kinh tế số được đề cập từ những năm 1990 nhằm phản ánh bản chất thay đổi nhanh chóng của công nghệ và việc sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sau đó có nhiều quan điểu khác nhau về kinh tế số như: (1) Quan điểm về nguồn lực, Tapscott, 1996, “kinh tế số được xác định dựa trên quan điểm về công nghệ, công cụ xử lý dữ liệu hoặc thông tin và quan điểm về nguồn lực con người kết hợp trí tuệ, sáng tạo hoặc kỹ năng được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin[1]; (2) Quan điểm quy trình, Kling & Lamb 2000, Mesenbourg 2001 “kinh tế số là sử dụng công nghệ để hỗ trợ các quy trình sản xuất kinh doanh như giao dịch/thương mại”[2]; (3) Quan điểm về cấu trúc: Brynjolfsson & Kahin 2000b, G20 DETF 2016 “chuyển đổi kinh tế” và DBCDE 2013, Nghị viện Châu Âu 2015 “một phần của kinh tế số là xác định cấu trúc dựa trên Web hay mạng mới”[3]. Gần đây nhất, năm 2020 Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa mang tính toàn diện hơn nhằm tạo sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên G20 trong xác định khái niệm thống nhất và đo lường kinh tế số:

Kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu”[4].

Với khái niệm này, nền kinh tế số đề cập đến tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng, kể cả chính phủ đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số trong các hoạt động kinh tế. Với cách tiếp cận này, hoạt động thuộc phạm vi kinh tế số được xác định dựa trên việc xem xét mức độ ứng dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số tạo ra sản phẩm. Khái niệm kinh tế số do OECD đưa ra nhằm hỗ trợ các cơ quan thống kê đo lường chính xác và đảm bảo tính so sánh của kinh tế số, đồng thời phản ánh đầy đủ hơn các tương tác số hóa không được ghi nhận là hoạt động kinh tế, vượt ra ngoài phạm vi đo lường của chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP). Như vậy, các hoạt động kỹ thuật số không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

1.2. Phương pháp biên soạn kinh tế số

Theo nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ (ICRIER)- Học viện Ngân hàng phát triển Châu Á tháng 6/2023[5] về “Hướng tới khung chung và khả năng so sánh cho đo lường kinh tế số” chỉ ra rằng, các nghiên cứu hiện nay có hai phương pháp tiếp cận đo lường kinh tế số đó là phương pháp tiếp cận từ trên xuống và phương pháp tiếp cận từ dưới lên:

Phương pháp tiếp cận từ trên xuống: Đo lường dựa vào tất cả các ngành được hưởng lợi từ việc áp dụng công nghệ số và năng suất đạt được do áp dụng công nghệ số (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp), nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phương pháp này trong đó có Trung Quốc.

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Đo lường từng thành phần của kinh tế số, xác định khái niệm, phạm vi từ phần cứng đến hoạt động thương mại điện tử để tổng hợp và đi đến một ước tính ở tầm vĩ mô như OECD/BEA- Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ, Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) và đo lường GDP-B của Brynjolfsson và các đồng nghiệp năm 2019[6].

Theo các phương pháp tiếp cận từ dưới lên, hướng dẫn đo lường kinh tế số được quan tâm nhiều nhất trên thế giới hiện nay là của OECD và ADB.

Hướng dẫn về đo lường kinh tế số của OECD

Theo hướng dẫn của OECD[7], nền kinh tế số được tiếp cận đa chiều theo cả giao dịch số, ngành số sản phẩm số, đồng thời có khuyến nghị các quốc gia xây dựng bảng nguồn và sử dụng số (D.SUTs) dựa trên cấu trúc của bảng nguồn và sử dụng (SUTs) tiêu chuẩn để đo lường nền kinh tế số thông qua việc thêm 07 ngành kinh tế mới và 04 sản phẩm số mới và Tháng 11 năm 2023 tổ chức này đã ban hành Sổ tay biên soạn D.SUTs[8] để làm rõ hơn các khái niệm cũng như hướng dẫn chi tiết phương pháp và đề xuất khung D.SUTs để áp dụng chung, thống nhất.

Ngành số gồm: (1) Ngành hỗ trợ kỹ thuật số; (2) Ngành cung cấp dịch vụ tài chính bảo hiểm hoạt động trên môi trường số; (3) Nền tảng trung gian tính phí; (4) Ngành hoạt động phụ thuộc vào nền tảng trung gian; (5) Ngành hoạt động nền tảng kỹ thuật số định hướng dữ liệu và quảng cáo; (6) Ngành bán lẻ trực tuyến; (7) Ngành sản xuất khác chỉ hoạt động trên môi trường số.

Sản phẩm số gồm: (1) Hàng hóa công nghệ thông tin- truyền thông ICT; (2) Dịch vụ kỹ thuật số; (3) Dịch vụ điện toán đám mây; (4) Dịch vụ trung gian kỹ thuật số.

Giao dịch số gồm: Đặt hàng kỹ thuật số và giao hàng kỹ thuật số.

Theo cách tiếp cận của OECD, nền kinh tế số sẽ được nhìn nhận đa chiều, cung cấp một lượng lớn thông tin, giúp các nhà quản lý đưa ra các chính sách phát triển kinh tế số đa dạng từ góc độ giao dịch, sản phẩm và ngành kinh tế số. Tuy nhiên việc phân định các ngành kinh tế và ngành sản phẩm theo 07 ngành kỹ thuật số là khó khăn; đồng thời xây dựng D.SUTs thường tốn nhiều thời gian và nguồn lực, việc thiếu thông tin chi tiết để phân chia thành các sản phẩm số, ngành số đòi hỏi phải sử dụng mô hình hóa để xử lý. Do đó chưa thể tính toán được tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP một cách tổng quan nhất theo ngành kinh tế.

Hướng dẫn về đo lường kinh tế số của ADB[9], ước tính đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP dựa trên bảng cân đối liên ngành (IO), theo đó “Nền kinh tế số là sự đóng góp của bất kỳ giao dịch kinh tế nào liên quan đến cả sản phẩm kinh tế số và ngành kinh tế số trong GDP”, đồng thời đo lường đóng góp của ngành kinh tế số trong GDP dựa vào ảnh hưởng của ngành kinh tế số (ngành lõi) bởi tiêu dùng cuối cùng của chính nó và tiêu dùng cuối cùng của các ngành khác (ngành phi số) có sử dụng hoặc phụ thuộc vào các ngành kinh tế số lõi qua liên kết xuôi (ngành kinh tế được số hóa).

Theo hướng dẫn của ADB, đóng góp của kinh tế số trong GDP trên phạm vi toàn quốc được thể hiện từ cả phía cung và phía cầu. Tuy nhiên, việc tính toán chỉ tiêu này hằng năm và tính cho các địa phương là khó khả thi vì ở Việt Nam bảng IO thường được biên soạn theo chu kỳ 5 năm/lần cho phạm vi cả nước.

1.3. Công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP của một số quốc gia

Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước nghiên cứu và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị tăng thêm hoặc tỷ trọng kinh tế số trong GDP như:

          Năm 2022, cơ quan Thống kê Quốc gia Anh công bố nghiên cứu kinh tế số của nước Anh năm 2019[10] dựa trên bảng D.SUTs theo khung hướng dẫn của OECD, báo cáo đưa ra phương pháp ước tính tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số theo hai khái niệm khác nhau, đó là kinh tế số lõi và kinh tế số mở rộng. Nghiên cứu chỉ ra kinh tế số lõi bình quân giai đoạn 2016-2019 chiếm khoảng 4,6% tổng giá trị tăng thêm và kinh tế số mở rộng là 26,6%.

Theo báo cáo nghiên cứu của Đại học Alberta Trung Quốc năm 2022 “Kinh tế số Trung Quốc, tác động, ảnh hưởng và chính sách”[11], Trung Quốc hiện là nền kinh tế số lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với ước tính trị giá 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng 16,2% so với năm 2020 và chiếm 39,8% trong tổng GDP. Bên cạnh đó, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cũng đưa ra ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2019 và 2021 lần lượt là khoảng 30% và 40%.

Cục phân tích kinh tế của Mỹ (BEA) đang phát triển các công cụ nhằm đo lường tốt hơn đóng góp của nền kinh tế số trong GDP, cải thiện các thước đo về hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao, đồng thời đưa ra một bức tranh toàn cảnh hơn về thương mại quốc tế. Từ đó tiến tới đo lường toàn diện Tài khoản vệ tinh kinh tế số dựa trên bảng SUTs.  Một báo cáo mới với các số liệu thống kê kinh tế số của Mỹ trong giai đoạn từ 2005 – 2021[12] đã được BEA phát hành vào tháng 11 năm 2022. Báo cáo đưa ra các ước tính cập nhật về nền kinh tế số và thay thế các ước tính trước đó. Theo báo cáo, kinh tế số của Mỹ năm 2021 ước đạt 10,3% GDP.

Tháng 4 năm 2021, Cơ quan thống kê Ca-na-đa đã phát hành ấn phẩm Bảng D.SUTs 2017-2019[13]. Kết quả cho thấy đóng góp của nền kinh tế số vào GDP của Ca-na-đa có xu hướng tăng từ 5,2% (103 tỷ USD) trong năm 2017 lên 5,4% (111 tỷ USD) vào năm 2018 và 5,5% (118 tỷ USD) vào năm 2019.

Ngày 27 tháng 10 năm 2023, Cơ quan Thống kê Úc đã công bố báo cáo cập nhật về quy mô, tốc độ tăng trưởng của hoạt động số ở Úc năm 2021-2022[14] thông qua việc sử dụng dữ liệu bảng SUTs 2021-2022 theo cách tiếp cận của BEA. Theo báo cáo, Cơ quan Thống kê Úc đo lường hoạt động số gồm: (i) Hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật số, như: phần cứng máy tính, phần mềm, thiết bị viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng mạng máy tính; (ii) Phương tiện kỹ thuật số, bao gồm các dịch vụ phát sóng âm thanh, video và quảng cáo kỹ thuật số có thể được tạo, truy cập, lưu trữ hoặc xem trên các thiết bị kỹ thuật số; và (iii) Hoạt động thương mại điện tử, kết hợp các dịch vụ bán lẻ, bán buôn và lợi nhuận từ các giao dịch trực tuyến được đặt hàng kỹ thuật số hoặc hỗ trợ nền tảng. Báo cáo chỉ ra rằng, đóng góp giá trị tăng thêm của hoạt động số trong tổng giá trị tăng thêm của Úc giai đoạn 2021-2022 là 6,3%, 2020-2021 là 6,4% và giai đoạn 2019-2020 là 6,3% và bốn ngành chính có đóng góp lớn nhất trong tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số của Úc (chiếm hơn 92%) gồm: Thông tin, truyền thông và viễn thông; Dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật; Thương mại bán buôn và Thương mại bán lẻ.

Theo Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số Quốc gia (ONDE-Thái Lan) đã đề cập tại Trang web Nationthailand.com ngày 16/8/2023[15], tỷ trọng kinh tế số của Thái Lan trong GDP năm 2021 là 12,66% và năm 2022 là 12,1%.

Theo Trung tâm kỹ thuật số của Ma-lai-xi-a ngày 18/01/2023[16], tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Ma-lai-xi-a năm 2021 là 23,1%.

Theo báo cáo kinh tế số của Xinh-ga-po năm 2023 do Đại học quốc gia Xinh-ga-po công bố, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Xing-ga-po năm 2022 là 17,3%.

2. Cơ sở pháp lý và phương pháp biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP ở Việt Nam

2.1. Cơ sở pháp lý

Chỉ tiêu số 0517Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước” được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021. Ngày 07/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước.

Chỉ tiêu số T0507 “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn” được quy định tại Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg, ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Chỉ tiêu số 0101 “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước” được quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số.

Tại Nghị định, Quyết định và Thông tư này đã quy định chi tiết về: (1) Khái niệm, phương pháp tính; (2) Phân tổ chủ yếu; (3) Kỳ công bố; (4) Nguồn số liệu và (5) Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp đối với hai chỉ tiêu trên. Chi tiết khái niệm và phương pháp tính theo các quy định như sau:

“Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước trong kỳ báo cáo”.

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số bao gồm:

– Kinh tế số ICT là hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông và hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông.

– Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung, cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng.

Kinh tế số bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ sau: hạ tầng số, nền tảng số và ứng dụng số:

+ Hạ tầng số là hạ tầng kỹ thuật vật lý (hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin) để truyền đưa thông tin số, dữ liệu số và để cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ ứng dụng số, như dịch vụ viễn thông cố định, dịch vụ viễn thông di động, dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet,…

+ Nền tảng số là dịch vụ được phát triển dựa trên hạ tầng số nhằm tạo ra môi trường cho dịch vụ ứng dụng số, như dịch vụ sàn thương mại điện tử hàng hóa (Shopee, Sendo, Amazon, Alibaba,..), sàn giao dịch chứng khoán, dịch vụ mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Tik Tok, Chotot …), các ứng dụng trên nền tảng di động để cung cấp dịch vụ (Grab, Bee…).

+ Ứng dụng số là các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung – được phát triển, vận hành dựa trên hạ tầng số hoặc nền tảng số để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dựa vào đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

          Theo các quy định hiện nay, Tổng cục Thống kê được phân công chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố chỉ tiêu này.

2.2. Phương pháp biên soạn

Để đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nghiên cứu của Bùi Trinh và Nguyễn Việt Phong (2022)[17]… với mục đích xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu này phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế nguồn thông tin hiện có của Việt Nam. Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu dựa trên nguồn thông tin sẵn có là bảng cân đối liên ngành (bảng IO), đồng thời dựa trên thông tin về chi phí ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được thu thập từ các cuộc điều tra thống kê như Tổng điều tra kinh tế, điều tra doanh nghiệp, điều tra cá thể, điều tra lập bảng cân đối liên ngành và xây dựng hệ số chi phí trung gian. Chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP được biên soạn theo giá hiện hành. Để đo lường chỉ tiêu này, Tổng cục Thống kê xác định khái niệm, phạm vi và phương pháp tính cụ thể như sau:

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu họat động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa). Như vậy kinh tế số bao gồm ngành kinh tế số lõi và ngành kinh tế được số hóa.

(1) Các ngành kinh tế số lõi

Các ngành kinh tế số lõi bao gồm 7 ngành cấp 2: (1) Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; (2) Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; (3) Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; (4) bản phần mềm; (5) Viễn thông: Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; (6) Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; (7) Cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; và sửa chữa máy tính và thiết bị liên lạc. (Danh mục các ngành kinh tế số lõi theo Bảng phân ngành kinh tế Việt Nam chi tiết đến ngành cấp 5 tại Phụ lục 1).

(2) Các ngành kinh tế được số hóa

Ngành được số hóa là ngành sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Mỗi ngành sẽ có mức độ sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào khác nhau nên có tỷ lệ số hóa khác nhau.

          Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số (VA KTS) trong GDP, GRDP là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước hoặc tổng sản phẩm trên địa bàn trong kỳ báo cáo theo công thức sau:

          Trong công thức (1), mẫu số (chỉ tiêu GDP và GRDP) đã được Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố hằng quý, năm chủ yếu dựa trên phương pháp sản xuất. Do đó, để tính được tỷ trọng kinh tế số trong GDP, GRDP cần phải xác định được VAKTS.

          Giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra trong nền kinh tế gồm giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế số lõi (VAKTS) và giá trị tăng thêm của các ngành được số hóa (VAsố hóa).

Như vậy, công thức (1) được viết lại như sau:

(i) Đối với các ngành kinh tế số lõi

Toàn bộ giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế số lõi được tính vào giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra.

Phương pháp biên soạn Giá trị tăng thêm (VA) của các ngành kinh tế số lõi được tính thống nhất cho cả nước và cho địa phương theo công thức sau:

Trong đó, hệ số chi phí trung gian được tính cho cả nước và theo 6 vùng kinh tế dựa trên kết quả biên soạn từ điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian. Hệ số chi phí trung gian hiện đang sử dụng là hệ số được biên soạn từ cuộc điều tra năm 2012 và được cập nhật hằng năm theo vùng kinh tế.

 

(ii) Đối với ngành kinh tế được số hóa

Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế được số hóa còn được gọi là “giá trị số hóa” là giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế khác được tạo ra khi sử dụng các ngành kinh tế số làm yếu tố đầu vào

Trên toàn bộ nền kinh tế: Giá trị số hóa là giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế được tạo ra khi sử dụng các ngành kinh tế số làm yếu tố đầu và được tính dựa vào hệ số của bảng IO dạng cạnh tranh.

Tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Do không thể lập bảng IO cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên giá trị số hóa trong GRDP của tỉnh, thành phố sẽ được ước tính từ tỷ lệ số hóa của các ngành.

Tỷ lệ số hóa của các tỉnh, thành phố được ước tính dựa vào tỷ lệ chi phí ứng dụng công nghệ tin, truyền thông so với giá trị sản xuất từ kết quả điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian của Tổng cục Thống kê năm 2021.

Cách tiếp cận đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số ở Việt Nam có ưu điểm sau:

          – Đảm bảo chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP được công bố hằng năm.

          – Chất lượng số liệu kịp thời, phản ánh sát xu hướng và mức độ biến động đóng góp của kinh tế số trong toàn nền kinh tế và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

          – Tiết kiệm kinh phí và nguồn nhân lực, sử dụng các dữ liệu sẵn có từ các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra Thống kê quốc gia và các cuộc điều tra thống kê khác do Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện, thông tin từ các dữ liệu hành chính có liên quan đến kinh tế số của các Bộ, ngành và các địa phương.

3. Kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP

3.1. Toàn nền kinh tế

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Trung bình tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020-2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%). Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hưởng giảm do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 6,65% năm 2023.


Nguồn:
Tổng cục Thống kê[18]

Bên cạnh các ngành kinh tế số lõi, một số ngành có giá trị tăng thêm kinh tế số trung bình các năm 2020-2023 cao như: Thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trung bình các năm từ 2020-2023 ước chiếm khoảng 4%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%. Một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác… (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).

3.2. Theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Hoạt động của ngành kinh tế số lõi đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nền kinh tế số cũng như kinh tế nói chung ở Việt Nam, một số tỉnh, thành phố có hoạt động kinh tế số lõi phát triển như Thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, do đặc thù kinh tế của mỗi địa phương nên tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP ở các tỉnh/thành phố là khác nhau. Năm 2023, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 5 tỉnh, thành phố có tỷ trọng trên 20%; 8 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 10-20%; 48 tỉnh, thành phố có tỷ trọng từ 5-10% và chỉ có 2 tỉnh, thành phố có tỷ trọng này dưới 5%.

         

Nhìn chung, kinh tế số ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động số hóa của các ngành, các lĩnh vực có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý điều hành, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam.

3.3. Giải pháp hoàn thiện đo lường kinh tế số

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngày càng phát triển mạnh mẽ, sẽ đóng góp nhiều hơn vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng; kết hợp xu thế số hóa đã tạo cơ hội cho các quốc gia trên thế giới chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn trương và quyết liệt trong việc tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Để đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong nền kinh tế phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, ngoài các nguồn thông tin sẵn có từ các cuộc điều tra thống kê hiện nay, hằng năm cần phải tiến hành thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh quản lý điều hành làm căn cứ cập nhật hệ số ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành, các lĩnh vực. Hơn nữa, để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế

 Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta hiện nay.

Hai là, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với Bộ, ngành, địa phương

Các bộ, ngành, địa phương và các bên có liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê tiếp tục nghiên cứu cập nhật phương pháp đo lường nền kinh tế số của quốc tế từ đó hoàn thiện đo lường nền kinh tế số của Việt Nam một cách toàn diện đầy đủ theo các khía cạnh khác nhau từ giao dịch số, ngành số và sản phẩm số.

Ba là, quan tâm xây dựng thể chế để bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và quản lý, điều hành

Các bộ, ban, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để huy động và sử dụng các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế số đạt được mục tiêu đã đề ra.

Các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử. Thực hiện các điều tra chuyên sâu để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hóa và xây dựng các hệ số kỹ thuật phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế số phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế -xã hội của nước ta./.

[1] https://archive.org/details/digitaleconomy00dont

[2] https://books.google.com.vn/books?id=tgw8EAAAQBAJ&pg=PT83&lpg=PT83&dq=Kling+%26+Lamb+ 2000,+Mesenbourg+2001&source=bl&ots=GnUnpBlL5S&sig=ACfU3U1gyYkNHHPqzX_aamogmQPyrZLh3w&hl=vi&sa=X&ved=2ahUKEwi6r__14fKAAxXasVYBHZXjCc0Q6AF6BAgWEAM#v=onepage&q=Kling%20%26%20Lamb%202000%2C%20Mesenbourg%202001&f=false

[3] http://www.g20.utoronto.ca/2016/g20digital- economy- development- and- cooperation.pdf.

[4] https://one.oecd.org/document/SDD/CSSP/WPNA(2019)1/REV1/En/pdf

[5]https://www.adb.org/sites/default/files/publication/887046/adbi-toward-common-and-comparable-framework-measuring-digital-economy.pdf

[6] https://www.nber.org/system/files/working_papers/w25695/w25695.pdf

[7] https://one.oecd.org/document/SDD/CSSP/WPNA(2019)1/REV1/En/pdf

[8] https://www.oecd.org/publications/oecd-handbook-on-compiling-digital-supply-and-use-tables-11a0db02-en.htm

[9] https://www.adb.org/publications/capturing-digital-economy-measurement-framework

[10]https://www.ons.gov.uk/economy/economicoutputandproductivity/output/methodologies/ukdigitaleconomyresearch2019

[11] https://www.ualberta.ca/china-institute/media-library/media-gallery/research/analysis-briefs/2022/2022_chinasdigitaleconomy.pdf

[12] https://www.bea.gov/system/files/2022-11/new-and-revised-statistics-of-the-us-digital-economy-2005-2021.pdf

[13]https://www150.statcan.gc.ca/n1/daily-quotidien/210420/dq210420a-eng.htm

[14]https://www.abs.gov.au/articles/digital-activity-australian-economy-2021-22

[15] https://www.nationthailand.com/thailand/economy/40030245.

[16]https://www.scmp.com/presented/business/topics/malaysias-burgeoning-digital-hub/article/3206934/why-malaysia-location-choice-digital-and-tech-companies-land-and-expand-asean.

[17] https://www.researchgate.net/publication/359871747_Measure_Value_Digital_in_Economy_Case_of_Vietnam

[18] Giá trị số hóa được tính dựa trên hệ số của bảng IO cập nhật 2020 theo 88 ngành kinh tế và kết quả điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian của Tổng cục Thống kê năm 2021 và thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công quản lý điều hành trong các quốc điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện.


Tăng trưởng nông nghiệp quý III và 9 tháng năm 2024 sụt giảm

Tháng Chín vừa qua, các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, dẫn đến sụt giảm tăng trưởng nông nghiệp ở các tỉnh này. Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Nam, sản xuất vẫn phát triển ổn định, một số vùng trọng điểm về chăn nuôi, thủy sản tăng khá đã góp phần giảm thiệt hại cho sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng đầu năm. (07/10/2024)

Để TPHCM chuyển đổi hiệu quả công nghiệp theo hướng xanh, bền vững

TPHCM đã, đang và sẽ triển khai nhiều chính sách chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; cấu trúc lại và nâng cấp các ngành, phát triển công nghiệp theo chiều sâu ưu tiên các ngành ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường (26/09/2024)

Giá cà phê phá vỡ kỷ lục mới

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong ngày 25/9. (26/09/2024)

HorecFex Việt Nam 2024-Mang đến công nghệ mới nhất cho ngành khách sạn

Chiều 24/9, với chủ đề “Dẫn dắt tương lai Ngành khách sạn, Triển lãm và Diễn đàn Công nghệ, Đổi mới sáng tạo ngành khách sạn “HorecFex 2024, Đà Nẵng -Việt Nam” đã khép lại tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng. Trong hai ngày sự kiện, HorecFex Việt Nam 2024 nhận được sự quan tâm rất lớn, thu hút hơn 2.500 khách trong nước và quốc tế tham dự. (26/09/2024)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". (03/09/2024)

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có đề xuất các hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (26/08/2024)

Xem thêm