Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, học phí tại một số địa phương được điều chỉnh theo Nghị quyết số 165/NQ-CP là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tháng Tư tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,9%.

I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 4/2023

So với tháng trước, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% (khu vực thành thị giảm 0,41%; khu vực nông thôn giảm 0,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 4/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,38%)

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4/2023 giảm 0,38% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,3%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm giảm 0,71%, tác động giảm 0,15 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,13%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm.

1.1. Lương thực (+0,3%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 4/2023 tăng 0,3% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,24% (Gạo tẻ thường tăng 0,29%; gạo tẻ ngon giảm 0,02%; gạo nếp tăng 0,3%). Giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức cao.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000-16.600 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.500-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.000-21.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-35.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng lương thực chế biến khác như giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tháng Tư tăng 0,78% so với tháng trước; bột mì tăng 0,96%; bột ngô tăng 0,41% và bánh mì tăng 0,46%.

1.2. Thực phẩm (-0,71%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 4/2023 giảm 0,71% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau:

– Giá thịt lợn tháng Tư giảm 1,62% so với tháng Ba (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm), trong đó khu vực thành thị giảm 1,29%; khu vực nông thôn giảm 1,83% do nguồn cung đảm bảo trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Tư giảm 0,4% so với tháng trước; mỡ động vật giảm 2,75%; dầu thực vật giảm 0,11%.

– Nguồn cung đảm bảo khiến cho giá thịt bò giảm 0,09% so tháng trước; giá thịt gia cầm giảm 0,28%; giá trứng các loại giảm 1,55%. Giá thủy sản tươi sống giảm 0,42% do thời tiết trong tháng thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân.

– Rau củ được mùa, vườn rau tại các địa phương phía Bắc đang vào mùa thu hoạch làm cho giá rau tháng 4/2023 giảm 3,29% so với tháng trước. Trong đó, giá cà chua giảm 13,34%; rau muống giảm 5,94%; rau dạng quả, củ giảm 5,73%; đỗ quả tươi giảm 4,06%.

– Nhu cầu tiêu dùng thấp nên giá bánh, mứt, kẹo giảm 0,05% so với tháng trước. Trong đó, giá bánh quy, bánh nướng các loại giảm 0,15%; sô-cô-la giảm 0,07%; mứt các loại giảm 0,41%.

Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, một số mặt hàng trong tháng có giá tăng so với tháng trước:

– Giá quả tươi và chế biến tăng 0,26%; giá sữa, bơ, phô mai tăng 0,29%; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,07% do giá nguyên liệu sản xuất tăng.

– Giá quả có múi tăng 0,57%; giá chuối tăng 0,25%; giá táo tăng 0,71% do một số địa phương đang vào thời điểm giáp vụ.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,13%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước do giá nhân công phục vụ và chi phí thuê mặt bằng tăng. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,48%; giá ăn ngoài gia đình tăng 0,11%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,03%.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,12%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 4/2023 tăng 0,12% so với tháng trước do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, cụ thể: Giá nước khoáng tăng 0,12%; nước uống tăng lực đóng chai, lon tăng 0,04%. Rượu vang và thuốc lá lần lượt tăng 0,29% và 0,36% so với tháng trước.

3. May mặc, mũ nón và giày dép (-0,08%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,08% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong đó, giá quần áo may sẵn giảm 0,16%; mũ nón giảm 0,11%; giày dép giảm 0,02%. Ở chiều ngược lại, dịch vụ may mặc tăng 0,9%; dịch vụ giày dép tăng 0,11%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,83%)

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4/2023 giảm 0,83% so với tháng trước chủ yếu do các nguyên nhân sau:

– Giá gas trong tháng giảm 12,36% so với tháng trước do từ ngày 01/4/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 62.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 180 USD/tấn (từ mức 730 USD/tấn xuống mức 550 USD/tấn).

– Giá điện sinh hoạt tháng Tư giảm 0,98% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt giảm 0,77%[1].

– Giá dầu hỏa giảm 3,82% so với tháng trước do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 03/4/2023, 11/4/2023 và 21/4/2023.

Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, có một số mặt hàng tăng giá như sau:

– Giá thuê nhà tăng 0,65% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà ở tăng.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,22% do giá một số sản phẩm vật liệu xây dựng như sơn tường, gạch lát nền tăng.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,08%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 4/2023 giảm 0,08% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do các trung tâm điện máy, siêu thị giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Trong đó, giá điều hòa giảm 0,02% so với tháng trước; tủ lạnh giảm 0,9%; máy giặt giảm 0,27%; máy hút bụi giảm 0,43%; máy in, máy chiếu, máy quét giảm 0,22%; bình nước nóng nhà tắm giảm 0,41%. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng tăng giá so với tháng trước như: Máy xay sinh tố, máy ép hoa quả tăng 0,18%; giá quạt điện tăng 0,33%; máy đánh trứng, máy đa năng tăng 0,11%.

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02%)

Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tháng Tư tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nên người dân tập trung mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch. Trong đó, giá nhóm thuốc vitamin, khoáng chất tăng 0,33%; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc tim mạch tăng 0,11%; giá nhóm thuốc về đường tiêu hóa tăng 0,06%.

7. Giao thông (+0,43%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 4/2023 tăng 0,43% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm, chủ yếu do:

– Giá xăng trong nước tăng 1,09% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phẩn trăm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 03/4/2023, 11/4/2023 và 21/4/2023.

– Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,26%; đường thủy tăng 1,3%; xe buýt tăng 0,71% và taxi tăng 0,09%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,7%.

– Phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,03%; phí học bằng lái xe tăng 0,11% do nhu cầu cao.

– Riêng giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại giảm 0,3%, trong đó giá sửa chữa xe máy giảm 0,29% và sửa chữa xe đạp giảm 0,58%.

8. Giáo dục (-1,3%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 giảm 1,3% so với tháng trước, tác động CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

9. Văn hóa, giải trí và du lịch (0,45%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Tư giảm 0,45% so với tháng trước, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 1,95%; nhà khách, khách sạn giảm 1,38% do một số công ty du lịch giảm giá để kích cầu. Thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa hoa khiến giá hoa tươi giảm mạnh, giá nhóm hoa, cây cảnh giảm 1,89%.

10. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,35%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4/2023 tăng 0,35% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,64% (dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 0,35%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,46%); dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,32%.

11. Chỉ số giá vàng (+2,04%)

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.004,16 USD/ounce, tăng 5,35% so với tháng 3/2023 do căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến nhu cầu vàng dự trữ tại các các ngân hàng tăng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2023 tăng 2,04% so với tháng trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2022; giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 0,66%.

Chỉ số giá đô la Mỹ (-0,89%)

Trên thế giới, đồng đô la Mỹ giảm giá do ảnh hưởng bởi các yếu tố của thị trường tài chính và kinh tế, các nhà đầu tư đang quan tâm đặc biệt đến chính sách tiền tệ của FED và tâm lý thị trường. Tính đến ngày 25/4/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 101,49 điểm, giảm 2,35% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.649 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2023 giảm 0,89% so với tháng trước; giảm 2,26% so với tháng 12/2022; tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,21%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2023 tăng 2,81%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá:

– Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương trong năm học 2022-2023 tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,2% do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,63% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,62%, trong đó nhóm lương thực tăng 3,84%; thực phẩm tăng 2,89%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,35%.

– Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4/2023 tăng 3,33% so với cùng kỳ năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,99%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,31%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%.

Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm giao thông tháng 4/2023 giảm 3,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,38 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 15,5% do từ tháng 5/2022 đến nay giá xăng A95 giảm 4.360 đồng/lít; xăng E5 giảm 4.450 đồng/lít và dầu diezen giảm 5.960 đồng/lít.

– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,33% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

So với tháng 12/2022, CPI tháng Tư tăng 0,39%, trong đó có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm giảm giá.

Trong các nhóm tăng giá:

– Nhóm giao thông tháng 4/2023 tăng cao nhất với 3,81% so với tháng 12/2022, trong đó giá xăng dầu tăng 8,89% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 12 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 2.930 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.710 đồng/lít.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,21% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,06% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,32% so với tháng 12/2022 do giá thực phẩm giảm 1,25%, trong đó chủ yếu giảm ở giá thịt lợn.

– Nhóm giáo dục giảm 3,69% do trong 4 tháng đầu năm 2023 một số địa phương thực hiện theo Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021.

– Nhóm bưu chính, viễn thông tháng Tư giảm 0,26% so với tháng 12/2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2023

– Chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,56 điểm phần trăm.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 1,26 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

– Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.

– Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,02% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,86 điểm phần trăm.

– Giá điện sinh hoạt tăng 2,39% do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,08 điểm phần trăm.

– Giá gạo trong nước tăng 2,32% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong 4 tháng đầu năm 2023

– Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu trong nước giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,44 điểm phần trăm.

– Giá gas trong nước giảm 6,73% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,28% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.

III. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[2] tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).  Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

[1] Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tháng 4/2023 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng từ ngày
01-31/3/2023, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[2] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.


Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)

Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)

Giá xăng dầu giảm sâu, tác động đến ngành nào?

(Chinhphu.vn) - Việc giá xăng dầu giảm mạnh sẽ đem lại lợi ích cho rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dân. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu giảm lại không hẳn là tin tốt. (10/04/2025)

Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%

(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)

Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)

Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ

Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)

Xem thêm