Kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước, khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Sản lượng một số cây lâu năm trọng điểm tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, năm 2017 và năm 2018[1], đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Tính chung 9 tháng năm 2022 khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022[2]. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ[3] với mức tăng 41,7%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,65%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 2,67%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát[4].
Những kết quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế đã lan tỏa mạnh mẽ đến các mặt của đời sống xã hội. Lực lượng lao động, số người đang làm việc và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Đời sống của người dân được cải thiện và an sinh xã hội được đảm bảo.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2022 đạt 51,6 triệu người, đạt tỷ lệ 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước tương ứng với 1,2 triệu người. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 9 tháng năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,6%), giảm 162,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,9 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 726,8 nghìn người; khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số có việc làm với tỷ trọng 39,0%, tương ứng là 19,7 triệu người, tăng 895,6 nghìn người. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29%, giảm 0,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm.
Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế. Đời sống hộ dân cư đã ổn định trở lại sau đại dịch và ngày càng được cải thiện trong năm 2022, đặc biệt trong quý III và 9 tháng năm 2022, điều này thể hiện qua đánh giá của hộ về thu nhập so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2022, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập tăng lên và không thay đổi là 83,2%, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm là 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. So với báo cáo 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập tăng và không đổi cao hơn 4,7 điểm phần trăm. Trong đó, các vùng có tỷ lệ hộ gia đình đánh giá thu nhập tăng lên đạt trên 40% gồm: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
[1] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng các năm 2011-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 12,06%; 8,1%; 5,91%; 6,21%; 8,78%; 10,49%; 10,76%; 11,51%; 9,91%; 3,2%; 5,02%; 10,69%.
[2] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng các năm 2011-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,43%; 6,8%; 6,59%; 7,21%; 6,97%; 7,29%; 6,97%; 7,25%; 7,52%; 1,87%; -0,05%; 10,57%.
[3] Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm 25,52%.
[4] Giá trị tăng thêm ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 21,08%.
TIN KHÁC
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II/2023 Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I/2023. (29/03/2023)
Sự cởi mở và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ
Bất chấp những khó khăn và thách thức dự kiến mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm nay, cộng đồng DN Hoa Kỳ vẫn rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam. (22/03/2023)
Tạo đòn bẩy thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp
Tham gia chương trình thỏa thuận tự nguyện thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn được phương án tối ưu trong quá trình triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện của doanh nghiệp. (22/03/2023)
Mỗi lít xăng RON 95-III và E5 RON 92 giảm 780 đồng, các mặt hàng dầu cũng giảm 800-1.250 đồng từ 15h hôm nay. (21/03/2023)
Tạo hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng
Chiều tối 20/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) (21/03/2023)
Đối thoại, gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi trao đổi với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp với tinh thần khẩn trương nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện. (21/03/2023)