Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc sửa đổi quy định về số lượng cấp phó đối với các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo Bộ Nội vụ, ngày 18/02/2025, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, trong đó tại điểm đ khoản 8 Điều 10 quy định Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn: “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”.
Do đó, cần thiết phải sửa đổi quy định về số lượng cấp phó đối với các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.
Đồng thời, thực hiện Kết luận số 09-KL/TW ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024 và Văn bản số 05/CV-BCĐTKNQ18 ngày 12/01/2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trên cơ sở kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hiện nay, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ đã thay đổi; không còn mô hình tổng cục trong cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa, tổ chức triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và thực hiện định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm không có khoảng trống pháp lý trong quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và số lượng cấp phó đối với các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết.
Đây sẽ là cơ sở để các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc, phù hợp với bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 15), trên cơ sở kế thừa quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), dự thảo Nghị định quy định như sau: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.
Đối với số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, hiện nay, mô hình tổng cục được tổ chức lại thành mô hình cục thuộc bộ, theo đó, cấp tỉnh sẽ tổ chức thành chi cục khu vực thuộc cục (trước đây là cục thuộc tổng cục), do vậy, dự thảo Nghị định biên tập theo hướng bỏ quy định về tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ đang được quy định tại khoản 5 Điều 18a đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
Về quy định tổ chức thanh tra trong cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện Công văn số 13438-CV/VPTW ngày 18/02/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng Đề án và báo cáo Bộ Chính trị về phương án tổ chức lại hệ thống thanh tra cấp trung ương và địa phương.
Sau khi Bộ Chính trị có kết luận về việc sắp xếp tổ chức lại hệ thống các cơ quan thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ thì tổ chức thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Do đó, trong thời gian trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và Luật Thanh tra chưa sửa đổi, tại dự thảo Nghị định tiếp tục quy định nội dung này, bảo đảm không có khoảng trống pháp lý, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việctrong đơn vị sự nghiệp công lập; về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; về hội, tổ chức phi chính phủ; về cán bộ, công chức, viên chức…
Đối với quy định điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Nghị định quy định sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải theo đúng quy định.
Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp tổ chức lại thanh tra bộ, thanh tra chuyên ngành thì tổ chức thanh tra và chức năng, nhiệm vụ về thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và cơ cấu tổ chức của bộ, chức năng, nhiệm vụ về thanh tra quy định tại Nghị định này được điều chỉnh tương ứng.
Hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định Hồ sơ dự thảo Nghị định này, trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành.
Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết
(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)
Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu
(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)
Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%
(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)
Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi
Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)
Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ
Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)
Nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) nhà ở năm 2025 dự kiến sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. 2 (28/03/2025)