Từ số liệu thống kê kinh tế tháng 10 và 10 tháng của năm 2023, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế 2 tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động theo chu kỳ, bởi đây là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho toàn nền kinh tế phải đạt được mục tiêu GDP 2023 ở mức 6% – đây là kịch bản cao nhất trong số 3 kịch bản tăng trưởng cập nhật, được Bộ KH&ĐT tham mưu, trình Chính phủ từ cuối tháng 9/2023.
Theo tính toán, để tiến tới con số mục tiêu 6%, GDP quý IV cần tăng được 10,6% – đây là thách thức rất lớn, trong bối cảnh kinh tế quốc tế phức tạp – xám màu. Qua số liệu thống kê tháng 10 và 10 tháng 2023; từ góc nhìn của các chuyên gia, doanh nhân, phân tích, góp phần nhận diện động lực chính của tăng trưởng:

10 tháng qua, kinh tế đất nước có những điểm tích cực, thuận lợi cần nhận diện: Tiến độ thu hoạch lúa mùa khá, chăn nuôi ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh, lượng thuỷ sản chủ lực tăng; Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng cao so với các tháng tính từ đầu năm, tương tự là thương mại dịch vụ; Xuất siêu hơn 24,6 tỉ USD trong vòng 10 tháng, cùng kỳ năm trước là 9,56 tỷ USD; 10 tháng đạt 10 triệu lượt khách, gấp 4,2 lần cùng kỳ trước và vượt mục tiêu cả năm; Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, tăng gần 23% cùng kỳ trước; Vốn FDI đăng ký cấp mới và thực hiện trong 10 tháng đạt lần lượt 15,3 tỷ và 18 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ kể từ 2019; Đăng ký doanh nghiệp tháng 10 khởi sắc hơn – số doanh nghiệp và số vốn đăng ký đều tăng; Lạm phát bình quân 10 tháng tăng 3,2% – thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5%.

Bên cạnh những điểm sáng đó, bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và Phố biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê nêu những hạn chế, thách thức trong nỗ lực đạt mục tiêu GDP 6% khi toàn nền kinh tế chỉ còn 2 tháng để phấn đấu.

Theo bà Ngọc: “Tháng 10, giá thịt lợn hơi giảm do dịch phức tạp, chi phí phòng dich và đầu vào tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp dù tháng 10 tăng cao nhưng 10 tháng so với cùng kỳ là mức tăng thấp nhiều năm trở lại đây… Thứ 3, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hoá tiêu dung vừa rồi có tăng cao nhưng suốt quá trình từ đầu năm lại có xu hướng giảm dần – thể hiện nhu cầu tiêu dùng không ổn định.

Hoạt động XNK tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi XK 10 tháng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 12,3%. Số DN rút khỏi thị trường vẫn tăng nhanh hơn số gia nhập. Vốn FDI đăng ký đạt 5,3 tỷ USD thấp nhất cùng kỳ 2019-2022, phản ánh khó khăn toàn cầu. Lạm phát 10 tháng 4,38% vẫn cao hơn lạm phát chung 3,2% cho thấy thách thức điều hành c/s tiền tệ”.

Không chỉ từ số liệu kinh tế tháng 10 và 10 tháng, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu phân tích chỉ rõ những thách thức cần nhận diện – kể cả thách thức truyền thống lẫn bối cảnh quốc tế khôn lường: “Khó khăn truyền thống ví dụ hiệu quả, tốc độ của việc giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Thứ hai, khác trước, chúng ta phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho chúng ta như chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu; cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng trở nên gay gắt, dẫn đến những thách thức đối với các doanh nghiệp, rất khó tìm ra giải pháp. Và doanh nghiệp hay phàn nàn về cải cách thể chế – thể chế phải cải cách phù hợp, bởi nếu cải cách không phù hợp, đặt điều kiện, yêu cầu quá cao doanh nghiệp không thể thực hiện sẽ không đạt hiệu quả như chúng ta mong muốn”.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6%. Có nghĩa, GDP Quý này phải nỗ lực đạt mức 10,6%. Đây là một thách thức lớn, “phải có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hoá có tốc độ tăng khá cao – niềm tin người tiêu dùng đã phục hồi sau khi giảm sâu – đây là động lực cho những tháng cuối năm. Thứ 2, đầu tư khu vực ngoài nhà nước phục hồi đóng vai trò quan trọng. Thứ 3, thu hút FDI, phải đẩy tốc độ tăng cao hơn dù so với 2022 đã tăng cao nhưng vẫn chưa như mong muốn dù chúng ta tận dụng xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ tư là chi tiêu chính phủ, đầu tư công vẫn cần phải tăng cả số lượng và chất lượng giải ngân. Cuối cùng, phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu cũng là động lực. Từ phía cung, chúng ta duy trì được thành tích về nông nghiệp và du lịch, cần phục hồi chế biến, chế tạo để không chỉ góp phần năm nay mà hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, cần sự nỗ lực của tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, mà cộng đồng doanh nghiệp thì đang gặp những khó khăn cả cố hữu – chưa thể phục hồi, lẫn những thách thức của bối cảnh mới, rất cần sự hỗ trợ, kiến tạo chính sách từ Chính phủ.

Theo ông Hùng: “Chúng ta đã dùng nhiều chính sách tiền tệ, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để dùng các chính sách tài khoá để có thể tiếp tục cắt thêm hoặc giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, hoặc mạnh dạn giãn, giảm, cắt thuế doanh nghiệp với 1 số mặt hàng chiến lược. Chúng ta cần những giải pháp để có thể tác dộng nhanh trong vòng tháng 11 và tháng 12 thì chính sách thuế là chính sách có thể tác động nhanh nhất. Đơn cử khi giảm 2% VAT thì CPI và giá trị gia tăng đã được cải thiện rõ ràng”.

Nền kinh tế 2 tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động theo chu kỳ, bởi đây là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế; cũng là 2 tháng nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao… Tuy nhiên, như phân tích của các chuyên gia thì động lực không thể chỉ đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá và tiêu dùng, rất cần sự nỗ lực của tất cả các thành phần kinh tế – không vì 2 tháng còn lại trong năm, không chỉ vì mục tiêu GDP 6%, mà cho cả năm sau và giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, có những giải pháp nội lực có thể làm chủ được như kích thích tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng… Cũng có những vấn đề rất khó đoán định, nhận diện, nhưng có thể cần quan tâm định hướng chính sách để vững vàng hơn trong tương lai như chính sách phát triển kinh tế số, kinh tế xanh – tăng trưởng bền vững…Những chủ trương, chính sách này nếu có thông tin định hướng sớm thì những doanh nhân-doanh nghiệp tích cực với các hoạt động đổi mới sáng tạo cũng có thể xoay chuyển tình thế, định hướng ngay trong những tháng còn lại của năm – vì những mục tiêu xa hơn, góp phần phát triển kinh tế nước nhà.

Nguồn: Thu Trang/VOV1


Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". (03/09/2024)

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có đề xuất các hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (26/08/2024)

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch qua (19-25/8) đẩy chỉ số MXV-Index tăng 1,4% lên 2.135 điểm. (26/08/2024)

Ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất mục tiêu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển. (24/08/2024)

Du lịch bứt tốc, kỳ vọng đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, các chuyên gia cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. (23/08/2024)

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. (23/08/2024)

Xem thêm