Sáng ngày 29/12/2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc Họp báo. Tại buổi Họp báo, Bà Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý IV và năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì cuộc Họp báo

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019[1]. Tính chung năm 2022, GDP năm 2022 tăng 8,02%[2] so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022[3] do nền kinh tế khôi phục trở lại.

          Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2022 như sau:

          – Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 8,02%

          – Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 7,8%

          – Số doanh nghiệp thành lập mới: 148.533 doanh nghiệp

          – Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện: + 11,2%

          – Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,15%

          – Lạm phát cơ bản: + 2,59%

          – Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 19,8%

          – Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 10,6%

          – Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 8,4%

          – Xuất siêu: 11,2 tỷ USD

          – Khách quốc tế đến Việt Nam: 2228%

          – Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 51,7 triệu người

          – Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc: 50,6 triệu người

          – Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,32%

          – Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,21%.

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động kinh tế – xã hội năm 2022 của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Kinh tế nước ta ước đạt mức tăng trưởng 8,02%, đây là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng trưởng ổn định khẳng định chương trình tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ ổn định đời sống của nhân dân và gia tăng xuất khẩu. Hoạt động sản xuất Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang năm 2023, kinh tế – xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh thiên tai khó dự báo trước. Để kịp thời có giải pháp khắc phục, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm đạt kết quả cao  nhất mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo. Cùng với việc giữ ổn định môi trường phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:

Một, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới.

Hai , chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ. Cân đối cung cầu, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Ba là, Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế – xã hội cũng như các địa phương trong vùng.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Năm, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng. Tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Toàn cảnh Họp báo


[1] Tốc độ tăng GDP quý IV các năm 2011-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 7,04%; 5,99%; 6,38%; 7,29%; 7,38%; 7,50%; 8,18%; 7,78%; 7,52%.

[2] GDP quý I tăng 5,05% so với cùng kỳ năm trước; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%.

[3] Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2022 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.


Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". (03/09/2024)

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có đề xuất các hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (26/08/2024)

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch qua (19-25/8) đẩy chỉ số MXV-Index tăng 1,4% lên 2.135 điểm. (26/08/2024)

Ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất mục tiêu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển. (24/08/2024)

Du lịch bứt tốc, kỳ vọng đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, các chuyên gia cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. (23/08/2024)

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. (23/08/2024)

Xem thêm