Sáng ngày 06/10/2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2022. Ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có đại diện các Bộ, Ngành; đại diện các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí. Buổi Họp báo được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng TCTK chủ trì Hội nghị

Tại buổi Họp báo, TCTK đã công bố số liệu lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2022; báo cáo sự phục hồi của thị trường lao động việc làm sau đại dịch Covid-19 quý III năm 2022.

Theo báo cáo lao động, việc làm, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội quý III năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Nhờ đó, thị trường lao động việc làm nước ta trong quý III năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Theo đó, quý III/2022, cả nước chỉ còn hơn 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm gần một nửa (3,6 triệu người) so với quý trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước và tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước – thời điểm dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đối với thị trường lao động trong nước. Tính chung 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,2 triệu người, chiếm 37,2 phần trăm; lực lượng lao động nữ là 24,1 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý III/2022 là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với 9 tháng năm 2021. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người và ở nam giới là 26,8 triệu người, tăng 806,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp quý III năm 2022 là 54,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp của cả nước trong 9 tháng năm 2022 là 55,3%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý III năm 2022 là 4,3 triệu người, giảm không đáng kể so với quý trước (giảm gần 60 nghìn người) và giảm mạnh gần 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4,5 triệu người, cao hơn 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,92%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,54 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,29%, giảm 0,77 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2022 là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng năm 2022 là 7,86%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng,  tăng 143 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693 nghìn đồng.

Toàn cảnh hội nghị

Khái quát lại, nhờ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 đã góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh. Số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh. Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện. Đời sống an sinh xã hội dần được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiếp tục đối mặt với một số khó khăn thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao. Đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:

 – Tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”. Chủ động ứng phó kịp thời với các biến chủng mới của dịch Covid-19 và các bệnh dịch khác. Bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch để đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân, trong đó có người lao động.

– Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động – việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

– Ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

TIN KHÁC

Thị trường trong nước ổn định, không có sự tăng giá đột biến

Nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao, nên giá các mặt hàng này sẽ không có sự tăng giá đột biến trong những tháng tới. (31/03/2023)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II/2023 Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I/2023. (29/03/2023)

Hướng dẫn cơ chế đặc thù về chỉ định thầu gói thầu thuộc Chương trình phục hồi, phát triển KTXH

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. (29/03/2023)

Ngành Hải quan lên kế hoạch chủ động kiểm soát hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phát hiện phương thức, thủ đoạn trong hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển, quá cảnh hàng giả; hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. (29/03/2023)

Còn gần 1,2 triệu ha đất chưa sử dụng trên cả nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Quyết định số 719/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2021 (tính đến ngày 31/12/2021). Trong đó, có gần 1,2 triệu ha thuộc nhóm đất chưa sử dụng. (28/03/2023)

Bloomberg: Việt Nam - mảnh đất hấp dẫn các công ty khởi nghiệp

Nguồn nhân lực kỹ sư dồi dào cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp. (27/03/2023)

Xem thêm