Là cơ quan giám sát của Chỉ số SDG 16.4.1 về dòng tài chính bất hợp pháp (IFF), vào năm 2020, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cùng với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), đã ban hành Dự án Tài khoản Phát triển mới có tên “Thống kê và dữ liệu để đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Dự án nhằm mục đích củng cố và thử nghiệm các hướng dẫn phương pháp luận mới để đo lường Chỉ số này, cũng như xây dựng năng lực thống kê thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cho các quốc gia tham gia dự án thí điểm để đo lường chỉ số đó bằng cách sử dụng các phương pháp chuẩn mực và khái niệm do UNCTAD và UNODC phát triển. 6 quốc gia của Châu Á đã được chọn tham gia dự án thí điểm, đó là: Việt Nam, Bangladesh, Maldives, Nepal, Kyrgyzstan và Uzbekistan. Trong đó, 4 quốc gia đầu tiên sẽ bắt đầu các hoạt động tập trung vào các dòng tài chính bất hợp pháp, trong khi 2 quốc gia: Kyrgyzstan và Uzbekistan sẽ tập trung vào các hoạt động thương mại liên quan đến thuế bất hợp pháp.

Thực hiện Quyết định số 2025/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương tham gia dự án “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương” do Văn phòng Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tài trợ, ngày 6 tháng 4 năm 2022, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với UNODC và UNESCAP tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về các hoạt động Thí điểm Đo lường dòng tài chính bất hợp pháp ở Việt Nam liên quan đến buôn bán động vật hoang dã theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo, về phía TCTK có bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, chủ trì hội thảo; ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Cục, Vụ, Viện thuộc TCTK. Về phía UNODC có sự tham dự của ông Inshik Sim, Chuyên gia về kiểm soát ma túy và phòng ngừa tội phạm, UNODC khu vực châu Á – Thái Bình Dương; bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam; các chuyên gia UNODC tại Viena (Áo) và Băng cốc (Thái Lan). Về phía khách mời có sự tham dự của các Bộ, ngành, cơ quan trong nước: Tổng cục Lâm nghiệp, Thanh tra Tổng cục Thuế, các đơn vị thuộc Bộ Công an, cơ quan Thanh tra giám sát – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương. Khách mời là các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam: Tổ chức Lương thực thế giới (Food and Agriculture Organization) (FAO); VP khu vực ĐNA và TBD tại Băng Cốc (Regional Office for Southeast Asia and the Pacific Bangkok ROSEAP); Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã tại VN (Wildlife Conservation Society Viet Nam) WCS; Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã Việt Nam (Save Viet Nam Wildlife) SVW; Tổ Chức Bảo Tồn Động, Thực Vật Quốc Tế tại VN (Fauna and Flora International Việt Nam) FFI; Trung tâm nghiên cứu rừng quốc tế tại VN CIFOR (Viet Nam Center for International Forestry Research) CIFOR.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng đây là diễn đàn rất tốt để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quý báu đối với các phương pháp cũng như tính khả thi trong việc xây dựng nguồn thông tin để đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Để đạt được hiệu quả này, Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Mục tiêu các hoạt động thí điểm và các cơ quan liên quan tham gia Dự án. Kế hoạch triển khai thực hiện dự án, cũng như Cơ chế Điều phối Quốc gia. Giới thiệu biểu mẫu đánh giá tính sẵn có của dữ liệu để thực hiện Dự án sao cho đáp ứng được tính sẵn có của dữ liệu. Thảo luận về kế hoạch thực hiện các hoạt động cũng như các công việc có liên quan khác. Đây là cơ hội tốt cho TCTK và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là học tập kinh nghiệm của các chuyên gia từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC). Đồng thời, cũng là cơ hội để hướng tới xây dựng phương  pháp luận, nguồn thông tin đầy đủ hơn đo lường hoạt động bất hợp pháp buôn bán động vật hoang dã nói riêng, động vật bất hợp pháp nói chung. Từ đó, chúng ta có bức tranh trung thực, chính xác về quy mô khu vực này đối với nền kinh tế của Việt Nam và khu vực trong thời gian tới. Việc tính toán hoạt động này không phải để đo lường, bổ sung vào quy mô GDP làm quy mô GDP lớn lên mà để chúng ta nhìn rõ tác động trái chiều của nó đối với hoạt động kinh tế, xã hội cũng như các hoạt động khác trong nền kinh tế.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam

 Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam  đã bày tỏ kỳ vọng vào hiệu quả tác động lâu dài, bền vững có được từ việc thực hiện Dự án đối với công tác thống kê và hoạt động phòng chống dòng tài chính bất hợp pháp tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong nội dung chương trình, các đại biểu được nghe đại diện từ Tổng cục Lâm nghiệp giới thiệu về hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam; Ông David Ravaux, Chuyên gia tư vấn khu vực (UNODC Regional Consultant) trình bày Kế hoạch triển khai thực hiện dự án và Cơ chế điều phối quốc gia; Bà Diana Camerini, Chuyên gia điều phối dự án UNODC trình bày về Biểu mẫu đánh giá tính sẵn có dữ liệu. Các đại biểu tham dự cùng thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện và các vấn đề có liên quan cũng như đưa ra nhiều ý kiến tích cực nhằm triển khai Dự án hiệu quả trong thời gian tới. Dự kiến tháng 10/2022 sẽ sản xuất số liệu ước tính và thời gian tổng kết Dự án vào tháng 12/2022.