Vào ngày 15/02/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì 2 Hội nghị quan trọng để bàn về vấn đề phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến đến các điểm cầu Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 sẽ được tổ chức trong buổi sáng và chia thành 02 nội dung tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết Luật Hợp tác xã.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là cơ hội để đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nội dung còn hạn chế, từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo để đạt được mục tiêu phát triển khu vực KTTT, HTX bền vững, làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

Chủ trì Hội nghị

Chủ trì và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu trung ương (tại Trụ sở Chính phủ) là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đồng chủ trì Hội nghị có Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.

Chủ trì tại các điểm cầu Bộ, ngành địa phương là các đồng chí Lãnh đạo Bộ, ngành và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phần tham dự

Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ: khoảng 100 đại biểu.

– Với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái;

– Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng; Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;

– Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Một số chuyên gia, trường đại học, viện nghiên cứu;

– Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Đại diện doanh nghiệp có đầu tư, liên kết trong lĩnh vực KTTT, HTX và các Cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

Tại điểm cầu các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có các đ/c Lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị liên quan; các đồng chí thành viên văn phòng Đổi mới, phát triển KTTT, HTX của Bộ, ngành.

Tại các điểm cầu địa phương có Các đồng chí Bí tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan của các địa phương: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Liên minh hợp tác xã; Lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại diện số hợp tác xã, tổ hợp tác; Một số doanh nghiệp, tập đoàn điển hình liên kết, đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 được tổ chức dựa trên cơ sở và là kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW. Theo đó, Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX chủ trì tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.


QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI TỔNG KẾT 20 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 13-NQ/TW VỀ KINH TẾ TẬP THỂ VÀ TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ phân công, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX) đã chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương và tích cực triển khai các nhiệm vụ tổng kết từ thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề cương tổng kết, triển khai tổng kết rộng khắp và xuyên suốt từ cấp huyện, đến cấp tỉnh và trung ương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo tổng kết, xin ý kiến các Bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo và chuẩn bị kỹ lưỡng công tác tổ chức Hội nghị. Cụ thể quá trình triển khai tổng kết như sau:

1. Về thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổng kết Nghị quyết xây dựng kế hoạch, đề cương tổng kết Luật, Nghị quyết

– Tổng kết Nghị quyết: Thực hiện Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 887/QĐ-TTg ngày 7/6/2021 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quyết định số 77/QĐ-BCĐKTTT ngày 3/8/2021 ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Quyết định số 79/QĐ-BCĐKTTT ngày 9/8/2021 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Quyết định số 80/QĐ-BCĐKTTT ngày 9/8/2021 thành lập Tổ biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

– Tổng kết Luật: Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển KTTT, HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tham mưu trình Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX ban hành Quyết định số 76/QĐ-BCĐĐMPTKTTTHTX ngày 02/8/2021 ban hành Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1078/QĐ-BKHĐT ngày 06/8/2021 về Đề cương và Danh mục Báo cáo chuyên đề tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012.

2. Về triển khai thực hiện tổng kết Nghị quyết, tổng kết Luật của các Bộ, ngành, địa phương

Ngay sau khi các kế hoạch, đề cương tổng kết được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai các hoạt động tổng kết:

– Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chỉ đạo sát sao việc tổng kết nghị quyết tại các Bộ, ngành, địa phương (công văn số 82/BCĐKTTT ngày 20/8/2021 về việc tổ chức tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về KTTT, HTX; công văn số 8085/VPCP-NN ngày 4/11/2021 về thực hiện các nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX). Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc, tham gia dự họp tổng kết tại các tỉnh/thành phố được phân công theo dõi.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) đã ban hành các công văn số 5959/BKHĐT-HTX ngày 7/9/2021; công văn số 7218/BKHĐT-HTX ngày 21/10/2021; công văn số 7732/BKHĐT-HTX ngày 9/11/2021 hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc Tổng kết;

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết của 9 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và toàn bộ 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 của 10 Bộ, ngành, cơ quan trung ương và toàn bộ 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Về xây dựng các báo cáo chuyên đề

– Tổng kết Nghị quyết: Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 77/QĐ-BCĐKTTT ngày 03/8/2021 có 13 Bộ, cơ quan trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng 16 báo cáo chuyên đề chuyên sâu và gửi về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết.

– Tổng kết Luật: Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 76/QĐ-BCĐĐMPTKTTTHTX ngày 02/8/2021 có 08 Bộ, cơ quan trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lao động Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng 20 báo cáo chuyên đề chuyên sâu phục vụ tổng kết Luật Hợp tác xã và phục vụ xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và gửi về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

4. Về tổ chức khảo sát tại các địa phương và nước ngoài

Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì tổ chức 3 đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu một số mô hình thành công và vướng mắc nổi bật, điển hình ở các vùng miền địa phương với cách làm mới, điển hình về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó:

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ;

– Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì tổ chức Đoàn công tác đi khảo sát một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên không tổ chức đoàn khảo sát nước ngoài.

5. Về công tác xây dựng báo cáo tổng kết Luật và Nghị quyết

Thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các bước xây dựng, tổng hợp và hoàn thiện các báo cáo tổng kết Luật và Nghị quyết, cụ thể như sau:

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 12 hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực KTTT, hợp tác xã về rà soát các khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật, Nghị quyết từ tháng 5 đến tháng 10/2021; đồng thời phối hợp với Đại học Luật và các tổ chức quốc tế khẩn trương nghiên cứu, dịch một số tài liệu quốc tế về KTTT, HTX.

– Xây dựng Báo cáo tổng kết Luật và Nghị quyết trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 03 báo cáo khảo sát thực tế, các báo cáo chuyên đề, 12 hội thảo chuyên gia và báo cáo tổng kết Luật, Nghị quyết của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– Ban hành công văn số 8254/BKHĐT-HTX ngày 25/11/2021 gửi xin ý kiến các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về Dự thảo các báo cáo tổng kết, đồng thời tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và thành viên Văn phòng Đổi mới, phát triển KTTT, HTX vào ngày 10/12/2021 tại Hà Nội.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến tham gia của 17/17 Bộ, ban, ngành Trung ương (bao gồm: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên môi trường, Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và góp ý của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tài liệu Hội nghị được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

6. Công tác tổ chức Hội nghị tổng kết tại các địa phương và trong từng lĩnh vực

– Về tổ chức Hội nghị tổng kết tại các địa phương: Phần lớn các địa phương đã tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết và Luật Hợp tác xã; còn một số tỉnh không tổ chức Hội nghị tổng kết do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 19/10/2021.

– Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết trong lĩnh vực phi nông nghiệp ngày 07/12/2021.

7. Công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc tổng kết

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ cùng Văn phòng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đến nay các công tác chuẩn bị đã sẵn sàn để tổ chức Hội nghị. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng Văn phòng chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, các tài liệu, báo cáo phục vụ tại hội nghị, đã xây dựng chương trình chi tiết, kịch bản điều hành; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương chuẩn bị tham luận tại Hội nghị, phối hợp với các điểm cầu địa phương chuẩn bị đường truyền kết nối tại Hội nghị.

Nhân dịp tổ chức, Hội nghị cũng sẽ biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (trong đó có 03 tập thể và 02 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba).


BỨC TRANH KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ

Trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hợp tác xã

Dự kiến đến 31/12/2021, toàn quốc có 27.342 HTX (18.327 HTX nông nghiệp, và 9.015 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên HTX tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001.

Trong giai đoạn 2001-2021, số lượng HTX thành lập mới là 37.810 HTX, giải thể khoảng 21.390 HTX. Trong đó, giai đoạn 2001-2011 thành lập mới 11.640 HTX, giải thể 6.080 HTX; giai đoạn 2012-2021 thành lập mới 26.170 HTX, giải thể 15.310 HTX. Có thể thấy, thời gian trở lại đây, từ khi có Luật HTX năm 2012, số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nếu như giai đoạn 2001-2011 trung bình chỉ có 1.164 HTX thành lập mới mỗi năm thì đến giai đoạn 2012-2021 trung bình có 2.617 HTX thành lập mới mỗi năm (tăng gấp 2,24 lần)

Tính đến 31/12/2021, số lao động làm việc trong HTX là 1.078.000 người, tăng 549.693 người (gấp 2 lần) so với thời điểm 31/12/2001.

Tổ hợp tác

Ước đến cuối năm 2021, cả nước có 69.294 THT (34.871 THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 34.423 THT phi nông nghiệp), giảm 24.506 THT (khoảng 26%) so với cuối năm 2001, thu hút 1.096.700 thành viên tham gia (bình quân một THT có khoảng 15 thành viên), giảm khoảng 9% so với năm 2001.

Doanh thu bình quân của 1 THT là 294,85 triệu đồng/năm, tăng 6,5 lần so với năm 2001. Lãi bình quân của 1 THT là 49 triệu đồng/năm, tăng 6,8 lần so với năm 2001.

Trong tổng số THT cả nước, có 34.871 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (giảm 37.177 THT so với năm 2001), trong đó số THT nông nghiệp có đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác khoảng 25.489 tổ; tổng số thành viên THT nông nghiệp là 627.789 người (giảm 236.844 người so với năm 2001); doanh thu bình quân một THT nông nghiệp là 143,3 triệu đồng/năm (tăng 136 triệu đồng so với năm 2001); lãi bình quân một THT nông nghiệp là 32,6 triệu đồng/năm (tăng 31 triệu đồng so với năm 2001).

Liên hiệp hợp tác xã

Đến năm 2021, cả nước có 103 LH HTX (79 LH HTX nông nghiệp và 24 LH HTX phi nông nghiệp), tăng gấp 9,3 lần so với năm 2001. Số LH HTX tăng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 77 LH HTX). Các LH HTX thành lập chủ yếu ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Các LH HTX thu hút 668 HTX thành viên, tạo việc làm cho 17.928 lao động với thu nhập bình quân khoảng 60-80 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân 01 LH HTX là 1,5 tỷ đồng/năm và lãi bình quân 01 LH HTX khoảng 128 triệu đồng/năm.

Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể được nâng cao đã góp phần thúc đẩy phát triển KTTT, trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng lên, đội ngũ cán bộ quản lý từng bước được trẻ hóa. Tính cuối năm 2021, tỷ lệ cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp trong tổng số cán bộ quản lý HTX chiếm 48,7% (tăng 20,84% so với cuối năm 2001); tỷ lệ cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 22,7% (tăng 15,77% so với cuối năm 2001).

Khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KTTT thời gian tới phù hợp xu hướng phát triển mới và tình hình thực tế, phục vụ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về KTTT.

– Tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp và có xu hướng giảm, chỉ bằng khoảng hơn ½ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể: năm 2003 là 4,92%, năm 2005 là 3,98%, năm 2010 là 3,32%, năm 2020 là 2,4%. Đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001, 6,65% năm 2005, 3,99% năm 2010 và 3,62% năm 2020. Kết quả phát triển của khu vực KTTT so với mục tiêu đến 2010 mà Nghị quyết đề ra là “đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỷ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế”, là không đạt được.

– Số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên HTX có xu hướng giảm

Giai đoạn 2013-2021, số lượng thành viên HTX giảm dần qua các năm. Năm 2021, HTX thu hút 5,7 triệu thành viên tham gia, giảm 28% so với mức 8 triệu thành viên của năm 2013. Trung bình tỷ lệ số thành viên trên một HTX là 208 thành viên/HTX; tỷ lệ thành viên HTX trên dân số nước ta hiện nay khoảng 5,7%, thấp hơn so mức trung bình khoảng 12% của thế giới[1].

Về THT, giai đoạn 2013-2021, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 THT hoạt động với khoảng 1 triệu thành viên tham gia. Số lượng THT có xu hướng giảm dần từ năm 2016 đến nay.

– Nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Số lượng HTX không hoạt động còn khá lớn, số HTX yếu kém giảm chậm, tỷ lệ HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi tăng nhưng mức lãi thấp và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động cầm chừng, nguồn thu không đáng kể, không đủ chi phí cho bộ máy quản lý HTX hoạt động. Nhiều HTX còn lúng túng trong việc xác định phương hướng hoạt động, chưa xác định được rõ hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với sự cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

– Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên kết, liên doanh trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các HTX với nhau còn ít, nội dung hạn chế. Liên hiệp HTX có số lượng ít, tăng chậm, quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, lúng túng trong tổ chức phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết giữa các HTX thành viên với nhau và với liên hiệp chưa chặt chẽ; vai trò hỗ trợ HTX thành viên của liên hiệp HTX hạn chế; một số liên hiệp HTX không hoạt động, thậm chí có nguy cơ giải thể. Các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước liên kết với khu vực HTX còn ít.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với HTX hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa toàn diện, chậm triển khai thực hiện, chưa có tính khả thi cao và chưa tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Mặt khác, các chính sách này chưa có sự gắn kết với các chính sách phát triển kinh tế – xã hội khác và chưa đưa vào một cách nhuần nhuyễn trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và của cả nước.

– Bộ máy quản lý Nhà nước về KTTT, HTX chưa được kiện toàn: Nghị quyết đã yêu cầu có bộ máy quản lý chuyên trách thích hợp (các bộ có vụ, sở có phòng quản lý KTTT) để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ đối với khu vực KTTT, tuy nhiên cho đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp trung ương và địa phương. Bộ máy quản lý nhà nước đối với KTTT từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã về cơ bản chưa được kiện toàn về mọi mặt, chưa nắm chắc tình hình phát triển KTTT, chưa đủ năng lực tham mưu giúp Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Sự yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước về KTTT là nguyên nhân quan trọng làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được triển khai trong thực tiễn./.

[1] ICA, 2021 từ https://www.ica.coop/en/cooperatives/facts-and-figures, tiếp cận ngày 01/12/2021