Ngày 8/7/2021, Đoàn công tác do Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tiến độ triển khai Tổng điều tra kinh tế 2021. Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh, Trưởng BCĐ Tổng điều tra kinh tế 2021 tỉnh Hà Giang, lãnh đạo Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang.
Tổng điều tra kinh tế 2021 được thực hiện theo Luật Thống kê và Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đây là cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ sáu tại Việt Nam (Lần thứ nhất vào năm 1995, lần gần đây nhất vào năm 2017) giúp cung cấp thông tin phục vụ: (i) đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương; (ii) xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; (iii) là cơ sở quan trọng để rà soát, bổ sung thông tin chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê khác.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Đối với cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Ban chỉ đạo TĐT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, công tác giám sát kiểm tra quá trình triển khai cuộc điều tra, nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ điều tra. Xác định Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong ba cuộc tổng điều tra hết sức quan trọng, là cuộc Tổng điều tra có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, do đó Cục thống kê tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra. Các điều tra viên, giám sát viên được tập huấn bài bản, có tinh thần trách nhiệm cao sử dụng thiết bị công nghệ thuần thục. Quá trình rà soát cập nhật danh sách điều tra cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về số lượng, tình trạng hoạt động, ngành, đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, tổ chức thực hiện đúng quy trình, quy định và bám sát tiến độ công việc, tiến hành nghiệm thu kịp thời ở các cấp. Kết quả, đối với cuộc Tổng điều tra kinh tế giai đoạn I, toàn tỉnh có 805 đơn vị sự nghiệp và 70 đơn vị hiệp hội, trên 2 nghìn doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 100% số đơn vị kê khai. Giai đoạn II, toàn tỉnh có 25.409 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và 38 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đến hết ngày 6/7, đối với phiếu mẫu toàn tỉnh đã thực hiện được 232 phiếu, đạt 17,44%; đối với phiếu toàn bộ thực hiện được gần 3900 phiếu đạt 16%; đối với phiếu cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thự hiện được 3/38 đạt gần 8%.
Để tiếp tục triển khai cuộc Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II đáp ứng tiến độ, chất lượng đề ra, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh mong muốn Tổng cục Thống kê sẽ là đơn vị kết nối tỉnh Hà Giang với các bộ, ngành Trung ương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên cập nhật hệ thống phần mềm, tổ chức tập huấn, chuyển giao kiến thức nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ điều tra viên, giám sát viên của tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, đó cũng là khó khăn chung của các địa phương trên toàn quốc. Bà khẳng định Tổng cục sẽ sớm có giải pháp để khắc phục những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Tổng cục trưởng cũng đề nghị Ban chỉ đạo TĐT tỉnh Hà Giang cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với tinh thần “chủ động kết nối và thích ứng”; đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoàn thành phiếu điều tra chính xác, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả mục đích cuộc điều tra đề ra. Từ đó, làm tiền đề quan trọng nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế để định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển, góp phần xây dựng kế hoạch định hướng phù hợp và chính xác với tình hình thực tiễn./.