Sáng ngày 10/7/2021, Đoàn công tác do Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 và tiến độ triển khai Tổng điều tra kinh tế 2021. Dự buổi làm việc có bà Phạm Thị Phương Cục trưởng Cục Thống kê Cao Bằng, Phó Trưởng BCĐ Tổng điều tra kinh tế tỉnh Cao Bằng, cùng các đồng chí lãnh đạo Cục Thống kê, lãnh đạo và chuyên viên các phòng của Cục Thống kê.

Tổng điều tra kinh tế 2021 được thực hiện theo Luật Thống kê và Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đây là cuộc Tổng điều tra được tiến hành nhằm cung cấp thông tin phục vụ: (i) đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và các địa phương; (ii) xây dựng chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; (iii) là cơ sở quan trọng để rà soát, bổ sung thông tin chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê khác.

Tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Phương, đã báo cáo với đoàn công tác của Tổng cục về Kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bà Phương đã nêu bật những kết quả đạt được của Cục Thống kê Cao Bằng trong 6 tháng đầu năm và báo cáo với Tổng cục trưởng về phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của cục. Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn, thuận lợi trong công tác thống kê của tỉnh và đề xuất một số kiến nghị với Tổng cục Thống kê để công tác Thống kê Cao Bằng đạt kết quả tốt hơn.

Đối với cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Cục Thống kê Cao Bằng xác định đây là cuộc tổng điều tra hết sức quan trọng, có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Cục Thống kê đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực các cấp, tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Tổng điều tra kinh tế 2021; Kế hoạch tuyên truyền TĐT; phối hợp với các cơ quan rà soát, lập danh sách điều tra; tuyển chọn lực lượng điều tra viên, giám sát viên các cấp; chuẩn bị tài liệu, nội dung tập huấn, hướng dẫn phần mềm xử lý thông tin; hướng dẫn quy trình thu thập thông tin; triển khai thu thập thông tin; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện giai đoạn I của cuộc Tổng điều tra kinh tế 2021, đến ngày 30/4/2021 toàn tỉnh hoàn thành 650/650 đơn vị sự nghiệp và 55/55 đơn vị hiệp hội, 1.627/1.627 đơn vị doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 100% số đơn vị kê khai. Giai đoạn II, toàn tỉnh có 18.829 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và 36 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đến hết ngày 9/7, đối với phiếu mẫu toàn tỉnh đã thực hiện được 299/1.098 phiếu, đạt 27,2%; đối với phiếu toàn bộ thực hiện được gần 4671/17.731 phiếu đạt 26,3%; đối với phiếu cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thực hiện được 2/36 đạt gần 5,6%.

Để tiếp tục triển khai cuộc Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, Cục trưởng Phạm Thị Phương đã báo cáo với Tổng cục trưởng những khó khăn, thuận lợi của Cục Thống kê Cao Bằng trong quá trình triển khai điều tra và đề xuất một số kiến nghị. Bà Phương mong muốn Tổng cục Thống kê kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thường xuyên cập nhật hệ thống phần mềm để đảm bảo tiến độ điều tra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, động viên lãnh đạo, công chức Cục Thống kê Cao Bằng cùng vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà khẳng định Tổng cục sẽ sớm có giải pháp để khắc phục những vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ. Tổng cục trưởng cũng đề nghị Ban chỉ đạo TĐT, Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động đề ra nhiều giải pháp tích cực để hoàn thành phiếu điều tra chính xác, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả cuộc điều tra. Từ đó, làm cơ sở cho các cấp, các ngành trung ương và địa phương nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế, góp phần xây dựng kế hoạch định hướng phù hợp và chính xác với tình hình thực tiễn./.