Sáng ngày 13/7/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội thảo Sổ tay hướng dẫn áp dụng Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (VSCO 2020). Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); các đại biểu đến từ các Bộ, ngành: Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung tâm Quốc gia về Lao động việc làm; Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; Trung tâm việc làm Hà Nội và đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc TCTK.
Danh mục nghề nghiệp Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phục vụ công tác quản lý nói chung, công tác thống kê về lao động Việt Nam, làm cơ sở quản lý lao động theo nghề và so sánh quốc tế về nghề nghiệp nói riêng.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương có đề cập VSCO 2020 được xây dựng trên cơ sở thống nhất hoàn toàn đến cấp 4 của Phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 2008) phiên bản 2012 của ILO và hợp tác quốc tế về công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng nghề và dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế sử dụng Danh mục nghề nghiệp 2008 và nhu cầu điều tra thống kê, TCTK đã cập nhật và phát triển theo nhu cầu thực tế, chi tiết thêm mã cấp 5 ở một số nghề phổ biến.
Để áp dụng thống nhất VSCO 2020 trong hoạt động thống kê cũng như các hoạt động khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. TCTK đã phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo “Sổ tay hướng dẫn áp dụng Danh mục nghề nghiệp Việt Nam”, trong đó hướng dẫn chi tiết các khái niệm về nghề nghiệp, quy trình xác định mã nghề nghiệp, các lưu ý khi xác định mã nghề để tránh nhầm lẫn, trùng tréo, các bảng chuyển đổi từ VSCO 2008 sang VSCO 2020 và ngược lại.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã đánh giá cao kết quả buổi Hội thảo và nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của Sổ tay hướng dẫn áp dụng Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, đồng thời yêu cầu đơn vị chủ trì cần tập trung vào một số nội dung: (1) Có phương án để tuyên truyền và gửi cho các Bộ, ngành bằng nhiều hình thức khác nhau để phổ biến rộng hơn, tạo sự thống nhất đồng thuận và đồng bộ trong so sánh giữa các Bộ, ngành với nhau, cũng như so sánh giữa các tỉnh, thành phố với nhau tiến tới theo so sánh chuẩn quốc tế; (2) Xem xét, bổ sung và đưa ra điểm khác biệt, nội dung đổi mới, khác biệt so với danh mục cũ; (3) Đề xuất, nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn thiện Sổ tay.