Chiều ngày 15 tháng 4 năm 2021, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội thảo Chia sẻ kiến thức đo lường kinh tế số. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì hội thảo. Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ của World Bank.

Tham dự Hội thảo có bà Judy Yang, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank và các đồng nghiệp. Về phía các Bộ, Ngành có các đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và 2 trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương. Về phía Tổng cục Thống kê tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo và chuyên viên các Vụ và đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số; xây dựng phương pháp mới trong thu thập dữ liệu nhằm đo lường tác động của chuyển đổi số lên các mặt kinh tế – xã hội và người dân; định kỳ công bố. Tổng cục trưởng nhấn mạnh vai trò của của việc đo lường kinh tế số và cho rằng Hội thảo lần này là rất hữu ích đối với Tổng cục Thống kê. Bà gửi lời cảm ơn đến World Bank đã hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong thời gian qua.

Tại Hội thảo, ông Shawn Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ban Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo của World Bank đã có bài  trình bày Hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số, đổi mới, sáng tạo và áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Tan đã nhấn mạnh sự chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế có thu nhập vừa sang nền kinh tế có thu nhập cao đòi hỏi tăng trưởng phải dựa trên năng suất lao động, trong đó công nghệ kỹ thuật số mà một công cụ để tăng tốc độ tăng năng suất lao động của doanh nghiệp, tăng khả năng thích ứng và phát triển hoạt động kinh doanh mới. Công nghệ kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng đồng thời có những rủi ro. Các nội dung chính của bài trình bày là: Khung số hóa doanh nghiệp và chuyển đổi kinh tế; tầm quan trọng của kinh tế kỹ thuật số trong bối cảnh dịch Covid-19; báo cáo Phát triển Thế giới 2016 về Công nghệ Kỹ thuật số; các hoạt động đổi mới, sáng tạo và số hóa trong doanh nghiệp tại Việt Nam; phân tích về chính phủ kỹ thuật số. World Bank đã hỗ trợ Tổng cục Thống kê khảo sát về việc áp dụng công nghệ ở Việt Nam với 1.500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trên toàn quốc. Dữ liệu thu thập từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020. Cấu trúc cuộc khảo sát bao gồm nhiều mô đun dành riêng cho các ngành.

Tiếp theo, ông Jaffar Al- Rikabi, chuyên gia kinh tế của World Bank đã có bài trình bày trực tuyến tại Tổng cục Thống kê về Kinh tế vĩ mô của nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó nội dung chủ yếu là các phương pháp đo lường các ngành và những điểm hạn chế. Mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh kinh tế vĩ mô của nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cách đo lường, và tác động đến tăng trưởng, năng suất và phúc lợi nhưng có một thực tế là số hóa đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu và cả ở Đông Á. Việc đo lường quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức ví dụ như về định nghĩa; chất lượng dữ liệu; mức tiêu thụ sản phẩm kỹ thuật số… Tuy nhiên nền kinh tế kỹ thuật số có thể được đo lường từ phía “sản xuất” hoặc phía áp dụng/”sử dụng”. Bài trình bày đã đưa ra ví dụ về Nền kinh tế kỹ thuật số ở In-đô-nê-xi-a và đánh giá rất cao vai trò của kinh tế kỹ thuật số đối với tăng trưởng kinh tế. Từ đó, World Bank đưa ra những câu hỏi dành cho Việt Nam: (1) Định nghĩa nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào; (2) Tổng cục Thống kê hiện đang thu thập những dữ liệu gì về nền kinh tế số; (3) Việt Nam có kế hoạch thực hiện các cuộc khảo sát chuyên về các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế số hóa không; (4) Có đang xem xét các phương pháp thay thế khác để đo lường mức tiêu thụ các sản phẩm kỹ thuật số, chẳng hạn như ước tính chi phí cơ hội của các sản phẩm kỹ thuật số thông qua các cuộc khảo sát về thời gian sử dụng không; (5) Hiện đang / dự định đo lường giá trị của dữ liệu và cơ sở dữ liệu như thế nào; (6) Đã thực hiện những thay đổi nào trong các cuộc khảo sát về lực lượng lao động và doanh nghiệp để nắm bắt tốt hơn tác động của nền kinh tế chia sẻ chưa; (7) Để thiết lập đường cơ sở, đo lường nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách sử dụng phương pháp sản lượng, phương pháp thu nhập hay phương pháp chi tiêu; Có quan tâm đến việc phân tích nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam từ cả phía sản xuất và phía sử dụng không?

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận về những câu hỏi mà World Bank đặt ra. Các đại biểu cũng đã đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia kinh tế của WB, đồng thời tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến rất hữu ích tại Hội thảo.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao kết quả buổi Hội thảo. Bà nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của việc đo lường kinh tế số và vai trò của Tổng cục Thống kê trong việc xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế số nhằm đo lường việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749-TTg ngày 3/6/2020. Tổng cục trưởng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế cũng như World Bank tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số quốc gia.