Kỳ họp lần thứ 52 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSC) diễn ra từ ngày 01-03/3 và 05/3/2021 được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến với khoảng 159 điểm cầu trong buổi khai mạc đầu tiên. Đoàn Tổng cục thống kê Việt Nam tham dự kỳ họp có Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng, các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê.
Theo chương trình nghị sự dự kiến, Kỳ họp lần thứ 52 sẽ thảo luận và quyết nghị 13 nội dung, bao gồm: (1) Dữ liệu và chỉ tiêu về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; (2) Điều phối các chương trình thống kê; (3) Thống kê kinh tế; (4) Tài khoản quốc gia; (5) Thống kê kinh doanh và thương mại; (6) Hạch toán kinh tế – môi trường; (7) Thống kê di cư; (8) Phát triển thống kê khu vực; (9) Quản lý và hiện đại hóa hệ thống thống kê; (10) Dữ liệu lớn; (11) Phân ngành thống kê quốc tế; (12) Điều tra hộ gia đình; (13) Trình bày và phổ biến dữ liệu và dữ liệu đặc tả. Ngoài ra, Kỳ họp cũng sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác như: Thống kê nhân khẩu học; Thống kê văn hóa; Thống kê biến đổi khí hậu; Thống kê thiên tai; Chương trình so sánh quốc tế; v.v. Đây là những nội dung quan trọng và mang tính thời sự cao trong giai đoạn thế giới đang đối mặt với những diễn biến bất thường như hiện nay.
Tổng cục Thống kê tham gia góp ý vào ba tài liệu của Kỳ họp lần thứ 52, gồm: (1) Báo cáo của Nhóm công tác cấp cao về Quan hệ đối tác, điều phối và tăng cường năng lực thống kê phục vụ chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững; (2) Báo cáo của Nhóm công tác về Thống kê Tài khoản quốc gia; (3) Báo cáo của Nhóm chuyên gia về thống kê kinh doanh và thương mại.
Kết quả của kỳ họp sẽ được trình lên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc dưới hình thức dự thảo Nghị quyết, các khuyến nghị đề xuất đối với các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc, với Tổng Thư ký Liên hợp quốc hoặc các cơ quan chuyên môn khác của Liên hợp quốc. Có thể nói, kỳ họp của UNSC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng Thống kê thế giới, đưa ra định hướng phát triển cho thống kê toàn cầu trong từng năm cũng như trong cả giai đoạn.
Ngoài ra, Kỳ họp lần thứ 52 của UNSC cũng tổ chức hơn 50 sự kiện bên lề theo hình thức trực tuyến trong khoảng thời gian từ 20/01 đến 11/3/2021. Tổng cục Thống kê tham dự hầu hết các cuộc họp bên lề để nắm bắt các thông tin phục vụ cho triển khai hoạt động công tác thống kê trong năm.
Sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động thống kê của Liên hợp quốc
Sau gần 75 năm kể từ những ngày đầu mới thành lập (1946), hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục Thống kê luôn được chú trọng và ngày càng phát triển. Kể từ thời kỳ đổi mới đến nay, Thống kê Việt Nam đã ngày càng hội nhập sâu, rộng vào hoạt động của Thống kê thế giới, góp phần vào thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước.
Thống kê Việt Nam đã từng bước đáp ứng các nhu cầu thông tin thống kê của quốc tế và góp phần để Chính phủ Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên Liên hợp quốc. Các số liệu thống kê của Việt Nam phục vụ giám sát thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc được các tổ chức quốc tế sử dụng, đánh giá cao.
Với chủ trương tăng cường hội nhập để phát triển, Tổng cục Thống kê đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ thống kê Liên hợp quốc. Nhận thức được tầm quan trọng của các Kỳ họp UNSC, kể từ đầu những năm 2000 đến nay, hàng năm Tổng cục Thống kê đều cử đoàn cấp cao tham dự các kỳ họp của UNSC, cũng như các khóa họp thường niên của Liên hợp quốc được tổ chức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc tham gia vào Kỳ họp lần thứ 52 của UNSC năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Thống kê Việt Nam. Những nội dung được trao đổi tại Kỳ họp là nguồn thông tin quý báu để Thống kê Việt Nam hoàn thiện Hệ thống thống kê quốc gia, phục vụ thực hiện các chủ trương, đường lối đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần định hướng quá trình xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với các xu hướng phát triển của thế giới.