Sáng ngày 6/1/2021, thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 752/QĐ-TTG ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương để thống nhất kế hoạch và triển khai thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự hội thảo, về phía Tổng cục Thống kê có Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương; các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực; đại diện lãnh đạo các vụ của Tổng cục Thống kê. Tham dự hội thảo còn có đại biểu là đại diện các Bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh do nội dung Tổng điều tra liên quan đến yêu cầu thông tin của nhiều Bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương tổ chức cuộc họp này để nghe ý kiến đóng góp của các thành viên về việc triển khai phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và công tác tổ chức của từng Bộ ngành để triển khai chính thức bắt đầu từ tháng 1 năm 2021.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong 3 cuộc Tổng điều tra hết sức quan trọng do ngành thống kê thực hiện sẽ cung cấp số liệu toàn bộ các ngành kinh tế; giúp chúng ta nắm được quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của mỗi địa phương. Điều đó có ý nghĩa hết to lớn đối với công tác tham mưu chiến lược của các Bộ, ngành và địa phương giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương, để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Bộ trưởng chỉ đạo đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau bao gồm tất cả các đơn vị kinh tế: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Do đó việc đổi mới theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, cải tiến về nội dung, quy trình, cách thức triển khai là rất cần thiết vừa nhằm đảm bảo chất lượng nguồn thông tin vừa giảm kinh phí thực hiện. Các nội dung chính cần thảo luận trong buổi họp bao gồm: (1) Kế hoạch chi tiết thực hiện; (2) Nội dung thực hiện; (3) Kinh phí đảm bảo thực hiện; (4) Sự phối hợp giữa các Bộ ngành; (5) Công tác tuyên truyền.
Thay mặt cho Ban Chỉ đạo, Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương đã báo cáo công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra và kế hoạch công tác trong thời gian tiếp theo. Báo cáo nêu rõ những công việc đã thực hiện về công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch Tổng điều tra cũng như phương án, phiếu điều tra, các quy trình nghiệp vụ. Cho đến nay tất cả các công việc chuẩn bị liên quan đến cuộc Tổng điều tra đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cơ bản hoàn thành. Theo báo cáo, cuộc Tổng điều tra năm 2021 có một số điểm mới như sau: (1) Bổ sung thu thập thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phản ánh kinh tế số ở Việt Nam; (2) Xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; (3) Cải tiến cơ bản Phiếu điều tra; (4) Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin; (5) Điều tra đơn vị Hành chính và đơn vị Sự nghiệp; (6) Xây dựng bài giảng điện tử. Báo cáo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu sẽ gặp trong quá trình thực hiện cuộc Tổng điều tra.
Trong thời gian tiếp theo, cần triển khai một số công việc trọng tâm, bao gồm: (1) Hoàn thiện Phương án điều tra; (2) Chuẩn bị các tài liệu phục vụ Tổng điều tra; (3) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ các cấp; (4) Xây dựng danh sách đơn vị điều tra; (5) Xây dựng công văn hướng dẫn sử dụng kinh phí Tổng điều tra; (6) Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền cho Tổng điều tra; Kế hoạch kiểm tra, giám sát tập huấn và thu thập thông tin Tổng điều tra; Kế hoạch xử lý kết quả Tổng điều tra.
Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Thành viên Tổ Thường trực tổng điều tra kinh tế Trung ương đã trình bày Một số nội dung đề xuất sửa đổi Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Các đại biểu là thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Thường trực, đại diện các Bộ, ngành tham dự cuộc họp đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến về quá trình chuẩn bị cũng như kế hoạch triển khai Tổng điều tra trong thời gian tới. Các đại biểu đánh giá cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có tầm quan trọng rất lớn đối với việc đánh giá, tính toán các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo. Cuối cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất được các vấn đề quan trọng về nội dung, kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của Tổng cục Thống kê (cơ quan thường trực Tổng điều tra) và sự phối hợp tốt giữa các Bộ ngành trong việc hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, phiếu điều tra, kế hoạch triển khai… Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thống kê, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Thương trực và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung công việc tiếp theo nhằm đảm bảo cuộc Tổng điều tra diễn ra đúng kế hoạch, đạt kết quả như đã đề ra.