Ngày 11/12/2020 Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu các UBND/Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị trực tiếp tại Hà Nội có các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Thống kê; Lãnh đạo và Thống kê viên chính của đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện các Bộ, ngành liên quan. Các đồng chí lãnh đạo UBND cấp tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên các Sở, ban, ngành địa phương; lãnh đạo và chuyên viên các Cục Thống kê tham dự trực tuyến tại 63 điểm cầu. Mục đích của Hội nghị nhằm tổng kết các nội dung, hoạt động đã được triển khai, hoàn thành trong giai đoạn vừa qua; kết quả đạt được cũng như những bất cập, hạn chế còn tồn tại; đồng thời xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ thực hiện Đề án trong giai đoạn tới của các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành Thống kê.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hương cho biết ngày 22/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đề án ra đời xuất phát từ những hạn chế, bất cập của số liệu GRDP trong thời gian gần đây, đồng thời do yêu cầu cập nhật đổi mới từ SNA 1993 sang SNA 2008 cũng như vai trò và tầm quan trọng của chỉ tiêu GDP, GRDP trong việc lập kế hoạch, quản lý và điều hành của các cấp Lãnh đạo.
Theo Tổng cục trưởng, kết quả tích cực của việc thực hiện Đề án đã góp phần quan trọng trong xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam; phục vụ kịp thời các hoạt động quản lý, điều hành hoạt động kinh tế – xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia đã trình bày Báo cáo Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nội dung: (1) Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án trong 5 năm (2015-2020); (2) phương hướng thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Báo cáo nêu rõ, sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả chính như sau: Quy trình biên soạn và công bố GRDP được đổi mới; số liệu GRDP biên soạn và công bố theo Quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế – xã hội của các địa phương, được tin cậy sử dụng; biên soạn GRDP và GDP tiến hành đồng thời tại Tổng cục Thống kê tạo khả năng đối chiếu, so sánh, nâng cao chất lượng số liệu của cả hai chỉ tiêu. Mặc dù còn nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện 5 năm qua, nhưng Tổng cục Thống kê đã đề ra phương hướng thực hiện Đề án trong thời gian tới để nâng cao chất lượng số liệu, bảo đảm việc thực hiện Đề án đạt mục tiêu, yêu cầu và nội dung, bao gồm: (i) Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện Quy trình và các quy định về biên soạn, công bố GRDP; (ii) Hoàn thiện công cụ tính toán; (iii) Nâng cao số lượng và chất lượng nguồn thông tin đầu vào; (iv) Nghiên cứu điều chỉnh thời gian công bố số liệu GRDP. Báo cáo cũng đề xuất những kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương.
Các đại biểu đã trình bày tham luận về thực hiện Đề án của Cục Tin học và Thống kê (Bộ Tài chính); Cục Thống kê thành phố Cần Thơ; Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng. Hội nghị cũng đã thảo luận về quá trình triển khai Đề án và những vướng mắc trong quá trình thực hiện; các đại biểu đánh giá cao về kết quả Đề án đã đạt được đồng thời đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nêu thành công của Đề án là rất rõ nhưng trước mắt vẫn còn nhiều công việc cần giải quyết để tiếp tục hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng số liệu GRDP và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương./.