Sáng ngày 5/10/2020, Tổng cục Thống kê tổ chức Tập huấn điều tra thí điểm Tổng điều tra kinh tế năm 2021 tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Tiền Giang. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã trực tiếp tham dự và chỉ đạo Tập huấn tại Cục Thống kê Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trực tiếp tham dự và chỉ đạo Tập huấn tại Cục Thống kê Hà Nội.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là cuộc tổng điều tra quan trọng của ngành Thống kê, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin cơ bản về các đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, hiệp hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nhằm phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, làm cơ sở đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước.

Để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc Tổng điều tra, Tổng cục Thống kê đã ban hành Quyết định số 1245/QĐ-TCTK ngày 05/8/2020 về điều tra thí điểm Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đối với 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Tiền Giang.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Phát biểu trong buổi tập huấn tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh đây là cuộc Tổng điều tra khó, phức tạp và có nhiều thay đổi so với cuộc Tổng điều tra trước, vì vậy đội ngũ cán bộ tham gia điều tra thí điểm cần tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, Đoàn công tác và Cục Thống kê bám sát hướng dẫn, quy định trong phương án hướng dẫn, phân công công việc cụ thể cho từng nhóm phụ trách theo loại đơn vị điều tra để tiến hành thu thập thông tin tại cơ sở, từ đó có những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy trình, các bảng hỏi, phần mềm…để Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện tốt nhất cuộc Tổng điều tra;

Thứ hai, các cán bộ trong Đoàn công tác trao đổi kỹ các nội dung nghiệp vụ, làm rõ đơn vị điều tra, đối tượng điều tra đối với từng lĩnh vực để điều tra viên xác định đúng đơn vị, đối tượng thu thập thông tin;

Thứ ba, Các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin hướng dẫn chi tiết các bước trong việc quản lý luồng thông tin, phân quyền, giám sát, kiểm soát và các phần mềm áp dụng trong thu thập thông tin;

Thứ tư, các điều tra viên nghiên cứu kỹ tài liệu, xác định đơn vị, đối tượng điều tra, hướng dẫn đơn vị điều tra cung cấp thông tin qua Webform theo đúng nội dung yêu cầu. Đồng thời, hàng ngày ghi chép đầy đủ các nội dung vướng mắc phát sinh trong quá trình thu thập thông tin tại cơ sở vào mẫu “Nhật ký thu thập thông tin tại cơ sở” theo quy định;

Thứ năm, Đoàn công tác và Cục Thống kê hoàn thành đầy đủ các nội dung yêu cầu của Phương án thí điểm và báo cáo kết quả điều tra thí điểm về Tổng cục Thống kê theo đúng thời gian quy định.