THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Tổng điều tra nông thôn nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016
Thực hiện Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác chuẩn bị để tổ chức cuộc Tổng điều tra theo đúng hạn định. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành: ban hành Phương án Tổng điều tra; thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp; hoàn thiện các tài liệu nghiệp vụ sử dụng trong Tổng điều tra; tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên; dự toán và chuẩn bị hậu cần,…
Mục đích Tổng điều tra
Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế – xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;
Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế – xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn;
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
Đơn vị và phạm vi Tổng điều tra
Đơn vị điều tra, bao gồm: (1) hộ nông thôn; (2) hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; (3) trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản; (4) ủy ban nhân dân xã; (5) ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn; (6) văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (7) sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (8) tổ chức cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP và tương đương do các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định; (9) Các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Quốc phòng quản lý.
Phạm vi điều tra: Cuộc Tổng điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra.
Thời điểm và thời gian Tổng điều tra
– Thời điểm Tổng điều tra là ngày 01/7/2016.
– Thời gian thu thập thông tin tối đa 30 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/7/2016. Cụ thể đối với các đơn vị điều tra như sau:
+ Đối với đơn vị điều tra là hộ không thuộc địa bàn mẫu: Thời gian thu thập thông tin tối đa 20 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 20/7/2016;
+ Đối với đơn vị điều tra là hộ thuộc địa bàn mẫu và các đơn vị điều tra còn lại: Thời gian thu thập thông tin tối đa 30 ngày, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/7/2016.
Nội dung Tổng điều tra
– Thu thập thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp, bao gồm các nội dung chính: Đơn vị sản xuất và lao động, tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc, thiết bị, gia súc, gia cầm, khoa học công nghệ,…), hoạt động trợ giúp cho sản xuất và các thông tin cần thiết khác như là: thông tin về liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuất nông nghiệp tới môi trường,…
– Thu thập thông tin về nông thôn, bao gồm các nội dung chính: thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn, thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn (điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, chợ nông thôn, mạng lưới khuyến nông, thuỷ lợi,…), thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vệ sinh môi trường nông thôn và các thông tin cần thiết khác (tổ hợp tác, làng nghề, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã;…)
– Thu thập thông tin về cư dân nông thôn, bao gồm các nội dung chính: thông tin phản ánh điều kiện sống của cư dân nông thôn, thông tin về tích luỹ và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn, thông tin về đào tạo nghề, nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề nghiệp của lao động nông thôn, thông tin cơ bản về trình độ chuyên môn kỹ thuật của một số cán bộ, công chức xã,…
Phương pháp thu thập thông tin
– Thực hiện phương pháp phỏng vấn trực tiếp đối với các đơn vị điều tra: (1) hộ nông thôn; (2) hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; (3) trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản; (4) ủy ban nhân dân xã;
– Thực hiện phương pháp thu thập thông tin gián tiếp đối với các đơn vị: (1) ban quản lý khu nhà ở cho công nhân ở khu vực nông thôn; (2) văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (4) tổ chức cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP và tương đương do các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định; (5) Các đơn vị có hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Quốc phòng quản lý.
Xử lý thông tin:
– Sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự thông minh (công nghệ quét) đối với phiếu thu thập thông tin hộ nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị;
– Nhập tin bằng bàn phím đối với các loại phiếu còn lại.
Công bố kết quả: Kết quả sơ bộ (tổng hợp nhanh) cuộc Tổng điều tra được công bố vào tháng 12 năm 2016; kết quả chính thức và các báo cáo phân tích được công bố vào tháng 8 năm 2017.
Kinh phí
Kinh phí Tổng điều tra do ngân sách Nhà nước bảo đảm
Công tác tuyên truyền: Hoạt động tuyên truyền cần tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung chính và kế hoạch thực hiện Tổng điều tra đến các cấp, các ngành và toàn bộ cộng đồng dân cư nhằm khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin cho điều tra viên.
Các hình thức tuyên truyền chủ yếu: (i) Trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm: Đài phát thanh, truyền hình, báo viết, báo điện tử ở Trung ương và địa phương; (ii) phát thanh đĩa CD hỏi đáp về cuộc Tổng điều tra trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (cấp xã, thôn/ấp/bản); (iii) sử dụng các hình thức cổ động như: dựng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng như trụ sở làm việc, trung tâm văn hoá, trung tâm thương mại và đầu mối giao thông,… và cổ động thông qua các đội tuyên truyền văn hoá lưu động.
Lộ trình thực hiện: Hoạt động tuyên truyền triển khai trong tháng 6 và tháng 7 năm 2016, trong đó tập trung cao điểm từ ngày 25/6 đến 05/7/2016, gần với thời điểm bắt đầu và những ngày đầu ra quân thực hiện thu thập thông tin.
Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp tích cực và hiệu quả cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông. Mọi thông tin chi tiết về công tác truyền thông xin liên hệ:
Tạp chí Con số và Sự kiện – Tổng cục Thống kê
Địa chỉ: 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (84.4) 37344921; (84.4) 37344970; (84.4) 37344971;
Fax: (84.4) 37344969; Email: consosukien@gso.gov.vn.
Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 diễn ra trong bối cảnh năm 2016 được dự báo là năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững, cạnh tranh cả trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt, môi trường sinh thái có bất lợi, đời sống nhân dân còn nghèo… Điều đó tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Thống kê cần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ mọi sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để triển khai cuộc Tổng điều tra thành công./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ