- Khái quát về cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004
Ngày 12/12/2003, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có quyết định số 697/QĐ-TCTK- XHMT về việc tiến hành Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004. Đây là cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình lần 2 của Tổng cục Thống kê (TCTK) tiến hành 2 năm một lần từ 2002 đến 2010 nhằm theo dõi và giám sát một cách có hệ thống mức sống các tầng lớp dân cư Việt Nam, đồng thời nhằm thực hiện trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo được quy định trong Văn kiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, cuộc khảo sát này còn góp phần đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các Mục tiêu phát triển mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra.
Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004 được cải tiến trên cơ sở những nội dung của cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002, có bổ sung 2 nội dung mới là “ Đất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản” và “Các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản” để phục vụ phân tích sâu theo chuyên đề. Cuộc khảo sát đã được chuyên gia của Cơ quan Thống kê LHQ và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn chuẩn bị, gồm thiết kế phiếu điều tra và chọn mẫu.
Khảo sát mức sống 2004 sử dụng 2 loại phiếu điều tra: Phiếu phỏng vấn hộ gia đình và Phiếu phỏng vấn xã. Các phiếu hỏi được thiết kế đảm bảo tính khoa học, có tính khả thi và đã được thử nghiệm qua điều tra thí điểm đợt 1 ở Vĩnh Phúc, Cần Thơ, đợt 2 ở Yên Bái, An Giang, Bình Định và thành phố Hồ Chí Minh.
Để kịp thời cung cấp một số thông tin chủ yếu đánh giá mức sống các tầng lớp dân cư trong năm 2003-2004, TCTK công bố kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004. Kết quả chính thức của cuộc khảo sát sẽ được công bố sau.
- Kết quả sơ bộ:
- Về thu nhập của dân cư:
Trong năm 2003- 2004, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước theo giá hiện hành đạt 484 nghìn đồng, tăng 36% so với năm 2001-2002. Trong thời kỳ 2002-2004 thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành tăng bình quân 16,6%, cao hơn mức tăng 6% mỗi năm của thời kỳ 1999-2001 và mức tăng 8,8% mỗi năm của thời kỳ 1996-1999. Nguyên nhân chủ yếu làm tăng thu nhập của năm 2003-2004 là do: Đầu năm 2003, Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu của khu vực hành chính, sự nghiệp và của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, do đó tiền công thuê ngoài xã hội cũng tăng; Sản lượng cây trồng, đặc biệt sản lượng lúa tăng; Giá nông sản, thuỷ sản như thóc, cà phê, cao su, điều, lợn hơi, tôm, cá đều tăng so các thời kỳ trước.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì thu nhập thực tế thời kỳ 2002-2004 tăng 11%, cao hơn mức tăng thu nhập thực tế 5,8% của thời kỳ 1999-2001 và mức tăng 4,6% của thời kỳ 1996-1999.
Thu nhập ở khu vực thành thị và nông thôn đều tăng. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng ở khu vực thành thị đạt 795 nghìn đồng, tăng 27,8%, khu vực nông thôn đạt 377 nghìn đồng, tăng 36,9% so với năm 2001-2002 và tăng nhanh hơn khu vực thành thị. Tuy nhiên thu nhập của hộ gia đình thành thị vẫn cao hơn nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 1999; 2001- 2002; 2003 – 2004 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 2,30; 2,26 và 2,11 lần tương ứng các năm và có xu hướng thu hẹp dần.
Theo giá hiện hành, năm 2003-2004, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của các vùng đều tăng khá so năm 2001-2002 nhưng cũng có sự khác biệt đáng kể: 4 vùng có tốc độ tăng nhanh hơn mức bình quân chung cả nước là Đồng bằng sông Hồng (+ 38%); Đông Bắc (+ 42,5%), Tây Bắc (+37,1); riêng Tây Nguyên tăng cao nhất trong các vùng (+ 60,1%) do giá cà phê và một số hàng nông sản tăng khá so với năm 2002 và do tác động của các chính sách của Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, đặc biệt việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ, nhà nước cấp nhà ở, cấp vật liệu làm nhà, bao cấp về y tế, giáo dục. Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng có sự chênh lệch. Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ gấp 3,04 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Tây Bắc, tỷ lệ này của năm 2001- 2002 là 2,5 lần.
Do thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng khá, đời sống các tầng lớp dân cư ở các vùng, đặc biệt tầng lớp nghèo tiếp tục được cải thiện nên số hộ nghèo tiếp tục giảm. Theo chuẩn nghèo về lương thực, phẩm được tính theo thu nhập bình quân đầu người 1 tháng của hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo năm 2003- 2004 như sau:
Tỷ lệ hộ nghèo lương thực, thực phẩm (%)
Năm 2001-2002 | Năm 2003- 2004 | |
Cả nước | 9,9 | 7,8 |
Chia theo khu vực | ||
Thành thị | 3,9 | 3,5 |
Nông thôn | 11,9 | 8,9 |
Chia theo vùng | ||
Đồng bằng sông Hồng | 6,5 | 4,3 |
Đông Bắc | 14,1 | 10,6 |
Tây Bắc | 28,1 | 25,4 |
Bắc Trung Bộ | 17,3 | 12,0 |
Duyên hải Nam Trung Bộ | 10,7 | 7,3 |
Tây Nguyên | 17,0 | 14,9 |
Đông Nam Bộ | 3,2 | 2,7 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 7,6 | 5,1 |
- Về chi tiêu của dân cư
Tính chung cả nước, chi tiêu cho đời sống năm 2003-2004 bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 370 nghìn đồng, tăng 37,5% so năm 2001- 2002 bình quân mỗi năm tăng 17,2%, cao hơn thời kỳ 1999-2002 (+10,3%) và thời kỳ 1996-1999 (+6,6%). Nếu tính theo giá so sánh, năm 2002 là gốc, chi tiêu thực tế năm 2003-2004 đạt 328 nghìn đồng tăng 12,1%. Ở các vùng, chi tiêu cho đời sống bình quân 1 người 1 tháng tăng khá so năm 2001-2002.
Mức sống tiếp tục có chuyển biến tích cực thông qua số liệu chi tiêu cho đời sống. Theo chuẩn nghèo chung của Ngân hàng Thế giới, gồm chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và phi lương thực thực phẩm (tức là chuẩn nghèo chung cao hơn chuẩn nghèo lương thực, thực phẩm của Tổng cục Thống kê) và tính theo số liệu chi tiêu của Khảo sát mức sống hộ gia đình 2004 thì tỷ lệ nghèo chung cả nước giảm từ 28,9% năm 2001-2002 xuống còn 24,1% năm 2003-2004.
Tỷ lệ nghèo chung (%)
Năm 1997-1998 | Năm 2001-2002 | Năm 2003-2004 | |
Cả nước | 37,4 | 28,9 | 24,1 |
Chia theo vùng | |||
Đồng bằng sông Hồng | 28,7 | 22,6 | 21,1 |
Đông Bắc | } 58,6 | 38,0 | 31,7 |
Tây Bắc | 68,7 | 54,4 | |
Bắc Trung Bộ | 48,1 | 44,4 | 41,4 |
Duyên hải Nam Trung Bộ | 35,2 | 25,2 | 21,3 |
Tây Nguyên | 52,4 | 51,8 | 32,7 |
Đông Nam Bộ | 7,6 | 10,7 | 6,7 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 36,9 | 23,2 | 19,5 |
- Về sự chênh lệch thu nhập và phân hoá giầu nghèo trong dân cư
Kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống 2004 cho thấy hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người 1 tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất trong thời kỳ 2003-2004 tăng so với các năm trước.
So sánh 10% số hộ có mức thu nhập cao nhất với 10% số hộ có mức thu nhập thấp nhất thì hệ số chênh lệch năm 2003-2004 là 13,5 lần (hệ số này năm 1996: 10,6 lần; 1999: 12 lần; năm 2001-2002: 12,5 lần). Một số vùng có hệ số này ở mức cao gồm: Đông Nam Bộ 14,4 lần (lớn hơn mức bình quân chung cả nước), Đồng bằng sông Hồng 11,3 lần, Đông Bắc 10,4 lần, Tây Nguyên 12,5 lần, Đồng bằng sông Cửu Long 10,5 lần.
Chênh lệch thu nhập và phân hoá giầu nghèo trong dân cư còn được nhận biết qua hệ số GINI hoặc tiêu chuẩn “40%’’. Hệ số GINI là hệ số nhận giá trị từ 0 đến 1. Hệ số GINI bằng 0 là không có sự chênh lệch. Hệ số GINI càng tiến dần đến 1 thì sự chênh lệch càng tăng, và bằng 1 khi có sự chênh lệch tuyệt đối.
Kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống hộ gia đình 2004 cho thấy hệ số GINI về thu nhập tính chung cả nuớc trong năm 2003-2004 là 0,413, tăng hơn năm 1999 và giảm không đáng kể so với năm 2001-2002. Hệ số này năm 1999 là 0,390, năm 2001-2002 là 0,42. Như vậy, sự bất bình đẳng về thu nhập ở mức rất thấp nhưng vẫn có xu hướng tăng.
Tiêu chuẩn “40%’’ của Ngân hàng Thế giới đưa ra nhằm đánh giá phân bố thu nhập của dân cư. Tiêu chuẩn này xét tỷ trọng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất trong tổng thu nhập của toàn bộ dân cư. Tỷ trọng này nhỏ hơn 12% là có sự bất bình đẳng cao về thu nhập, nằm trong khoảng từ 12%- 17% là có sự bất bình đẳng vừa và lớn hơn 17% là có sự tương đối bình đẳng. Tỷ trọng này ở nước ta tính theo số hộ là 18,7% năm 1999; 17,98% năm 2001- 2002; 17,8% năm 2003- 2004. Theo tiêu chuẩn này thì Việt Nam có phân bố thu nhập trong dân cư ở mức tương đối bình đẳng nhưng đang có xu hướng tăng lên mức bất bình đẳng vừa.
- Nhận xét chung
Cùng với tăng trưởng của nền kinh tế và những nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, thu nhập năm 2003-2004 của dân cư tăng khá so năm 2001-2002, tỷ lệ nghèo giảm, mức độ phân hoá giàu nghèo cũng có xu hướng giảm, đời sống của các tầng lớp dân cư có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Theo ý kiến tự đánh giá của 44068 hộ được điều tra ở 64 tỉnh thành phố về mức sống gia đình năm 2003-2004 so năm 1999 cho thấy 84% hộ trả lời cuộc sống gia đình được cải thiện hơn, 11,2% hộ trả lời như cũ, 4,8% hộ trả lời giảm đi. Điều này khẳng định mặc dù trong năm 2003-2004 chúng ta có gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng có đường lối đúng, có biện pháp chỉ đạo hiệu quả của Đảng và chính quyền các cấp nên đời sống dân cư tiếp tục phát triển và ổn định.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ