BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA NÔNG THÔN NÔNG NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN TRUNG ƯƠNG

_______________________________

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

___________________________________________

 Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2011

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011

 

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1785/ QĐ – TTg về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 vào thời điểm 01 tháng 7 năm 2011 trên phạm vi cả nước.

  1. Mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng điều tra:Thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản nhằm phục vụ: (i) Đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương; (ii) đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn; ( iii) xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực nông nghiệp và nông thôn, phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ của các năm tiếp theo.
  2. Nội dung Tổng điều tra:gồm các nhóm thông tin cơ bản sau:
  3. a) Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp (số đơn vị sản xuất, lao động; tư liệu sản xuất; hoạt động trợ giúp…)
  4. b) Nhóm thông tin về nông thôn và dân cư nông thôn (hộ, lao động và đời sống cư dân nông thôn; kết cấu hạ tầng nông thôn; làng nghề; đào tạo nghề ở nông thôn…)
  5. c) Nhóm thông tin phục vụ nghiên cứu về giới trong khu vực nông nghiệp và nông thôn (vai trò phụ nữ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tuổi, giới tính, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của một số chức vụ lãnh đạo xã,…)

So với cuộc Tổng điều tra được tiến hành lần trước vào năm 2006, nội dung cuộc Tổng điều tra lần này có nhiều nét mới như: bổ sung điều tra các thông tin về kết cấu hạ tầng thôn, ấp, bản; về hoạt động trợ giúp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Đồng thời trong lần tổng điều tra này không thu thập các thông tin về nhà ở của khu vực nông thôn vì đã có trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009; thông tin về vốn đầu tư sản xuất ở nông thôn vì đã có trong cuộc điều tra về Vốn đầu tư do Tổng cục Thống kê tiến hành 01/4/2011.

  1. Đối tượng và đơn vị điều tra:Các hộ ở nông thôn; các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở thành thị; các trang trại; các UBND xã.
  2. Thời điểm điều tra, thời gian điều tra:Thời điểm tổng điều tra là ngày 01/7/2011 và kết thúc vào ngày 30/7/2011.
  3. Phương pháp thu thập và xử lý thông tin:Phỏng vấn trực tiếp tại các đơn vị để thu thập thông tin;sử dụng công nghệ quét để xử lý số liệu của phiếu điều tra hộ toàn bộ, nhập tin bằng bàn phím để đối với các loại phiếu còn lại.
  4. Các mốc tiến độ chủ yếu
  5. a) Công tác chuẩn bị: từ năm 2010 đến hết tháng 6 năm 2011
  6. b) Thu thập thông tin tại địa bàn (bao gồm cả hoạt động phúc tra): bắt đầu từ ngày 01/7/2011 và kết thúc chậm nhất vào ngày 30/7/2011
  7. c) Công bố kết quả: Kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra được công bố vào tháng 12 năm 2011. Kết quả chính chức công bố vào quý III năm 2012.
  8. Tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị

Thực hiện Quyết định số 1785/ QĐ – TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trung ương cuộc Tổng điều tra chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tích cực chủ động triển khai các công tác chuẩn bị. Đến nay các công việc cơ bản đã hoàn thành bao gồm: xây dựng Phương án Tổng điều tra; thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp; hoàn thiện các phiếu, qui trình, biểu mẫu và các tài liệu nghiệp vụ sử dụng trong Tổng điều tra; lập bảng kê các đơn vị điều tra; chọn mẫu; tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ cho gần 18 vạn điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên các cấp; xây dựng kế hoạch tuyên truyền; chuẩn bị xử lý thông tin bằng công nghệ quét (hệ thống phần mềm, thiết bị quét); dự toán kinh phí và chuẩn bị hậu cần vật tư, văn phòng phẩm phục vụ cuộc Tổng điều tra;…

  1. Những công tác trọng tâm còn lại
  2. a) Tuyên truyền: Công tác tuyên truyền cần được tập trung vào chiến dịch tuyên truyền từ ngày 15/6 đến ngày 15/72011, trong đó cao điểm tuyên truyền là một tuần trước ngày 1/7/2011. Công tác tuyên truyền phải huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức và phải phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương.
  3. b) Thu thập thông tin tại địa bàn: Điều tra viên và tổ trưởng phải trực tiếp đến các đơn vị điều tra để thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 01/7/2011, phúc tra từ ngày 15/7/2011 và kết thúc khâu thu thập thông tin vào ngày 30/7/3011. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp phải tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đồng thời cử các giám sát viên để giám sát ngay từ ngày đầu hoạt động thu thập thông tin tại địa bàn, phát hiện sớm những sai sót để kịp thời uốn nắn, bảo đảm thông tin được thu thập theo đúng qui trình nghiệp vụ.

đ) Nghiệm thu, bàn giao phiếu điều tra và các tài liệu có liên quan: Căn cứ Qui trình nghiệm thu và bàn giao tài liệu, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tổ chức nghiệm thu và hoàn thành trong tháng 9 năm 2011.

  1. e) Xử lý, tổng hợp, phân tích và công bố kết quả tổng điều tra:

– Trong tháng 7-8 năm 2011 phải hoàn thiện thiết kế hệ thống phần mềm và mua sắm thiết bị, phụ tùng thay thế cho hệ thống xử lý phiếu điều tra bằng công nghệ quét. Việc xử lý bắt đầu từ cuối tháng 9/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012.

– Công bố kết quả sơ bộ vào tháng 12 năm 2011, kết quả toàn bộ vào quí III năm 2012. Kết quả Tổng điều tra được phổ biến qua những hình thức chủ yếu sau: (i) Ấn phẩm: Các báo cáo kết quả sơ bộ, các biểu số liệu tổng hợp chính thức, các báo cáo phân tích chuyên đề và các báo cáo khác; (ii) đĩa CD hoặc trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê; (iii) file số liệu vi mô để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.

– Phân tích chuyên đề sẽ được thực hiện trong quí IV/2012 – quí I/2013.

  1. g) Tổng kết, thi đua – khen thưởng: Ban Chỉ đạo cấp huyện tổ chức hội nghị tổng kết vào Quí IV năm 2011; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết vào Quí I năm 2012 và Ban Chỉ đạo cấp Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết vào Quí III năm 2012.

Để tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp cần chỉ đạo thực hiện tốt các khâu công tác còn lại theo đúng phương án, quy trình và kế hoạch đã đề ra, đặc biệt cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thu thập thông tin tại địa bàn. Bên cạnh đó cần quản lý việc sử dụng kinh phí của cuộc Tổng điều tra đúng chế độ, có hiệu quả, góp phần vào thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2011.

Cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn do tình hình thế giới hiện đang diễn biến phức tạp, trong nước lạm phát tăng cao, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống. Song dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính quyền các cấp cùng sự giúp đỡ ủng hộ, hưởng ứng của cả cộng đồng, nhất định cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và Thuỷ sản năm 2011 sẽ hoàn thành thắng lợi./.