Trong hai tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; căng thẳng thương mại gia tăng, việc thay đổi chính sách của một số nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong nước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoạt động sản xuất kinh doanh trên khắp cả nước đã ổn định trở lại. Các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ; Chỉ thị 03/CT-TTg về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tạo động lực tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu đề ra. Một số nét chính về tình hình kinh tế – xã hội tháng Hai và hai tháng đầu năm 2025 của nước ta như sau:

1. Điểm sáng và khởi sắc

(1) Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển tốt nhờ giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, nuôi trồng thủy sản gặp thuận lợi khi giá các sản phẩm nuôi trồng tăng cao, đặc biệt là giá cá tra.

Tính đến ngày 20/02/2025, cả nước gieo cấy được 2.756,1 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 852,4 nghìn ha, tăng 12%. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt nhờ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Tính đến cuối tháng 02/2025, tổng số lợn cả nước tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 3,4%.

Hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ phát triển tốt. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 02/2025 ước đạt 11,4 nghìn ha, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.338,8 nghìn m3, tăng 18,2%. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, diện tích rừng trồng mới cả nước ước tính đạt 20,1 nghìn ha, tăng 8,8%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 2.620,7 nghìn m3, tăng 18,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 362,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra đạt 121,7 nghìn tấn, tăng 4,6%. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, sản lượng nuôi trồng đạt 692,2 nghìn tấn, tăng 4,9%, trong đó cá tra đạt 224,7 nghìn tấn, tăng 5,4%. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang dao động ở mức 31.500-31.800 đồng/kg[1], tăng khoảng 3.000-3.500 đồng/kg so với mức giá bán cùng kỳ năm trước.

(2) Sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực và đạt mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai ước tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung hai tháng đầu năm 2025 tăng 7,2%, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025[2], trong đó, chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,6%).

(3) Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 13,8% và luân chuyển tăng 16,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,5% và luân chuyển tăng 11,8%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2025 đạt 127,07 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 8,4%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,47 tỷ USD.

(4) Đầu tư từ ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện hai tháng đầu năm 2025 ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 bằng 7,7% và tăng 2,6%).

(5) Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Hai đạt gần 1,9 triệu lượt người, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; tính chung hai tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,96 triệu lượt người, tăng 30,2%.

(6) Những tín hiệu khởi sắc từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, thương mại đã tạo động lực nâng cao nguồn thu ngân sách nhà nước. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 499,8 nghìn tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán năm và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

2. Hạn chế, tồn tại

(1) Tình trạng thiếu hụt thiếu hụt lao động những tháng đầu năm 2025 vẫn xuất hiện trong một bộ phận doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong hai tháng đầu năm 2025, tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là gần 140,7 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 có 154,3 nghìn người, tăng 29,0%).

(2) Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2025 chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023[3] trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai tháng đầu năm các năm 2021-2025 so với cùng kỳ năm trước tăng/giảm lần lượt như sau: 22,1%; 15,2%; -13,3%; 18,2%; 12,0%.

(3) Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Trong hai tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 67,0 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (49,8 nghìn doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025[4].

(4) Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm giảm do diện tích bị thu hẹp, hiệu quả kinh tế thấp, khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Khoai lang giảm 5,0% so với cùng kỳ năm 2024; đậu tương giảm 4,1%; đậu các loại giảm 1,7%.

(5) Thiệt hại về rừng trong hai tháng đầu năm 2025 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng bị thiệt hại là 145,4 ha, tăng 64,0%, trong đó diện tích rừng bị cháy là 19,4 ha, gấp 27 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 126 ha, tăng 43,3%.

3. Thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng quý I năm 2025

Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế, trong đó quý I tăng 7,7%; quý II tăng 8,1%; quý III tăng 8%; quý IV tăng 8,2%.

Trong hai tháng đầu năm 2025, kinh tế – xã hội nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, một số thách thức đặt ra đối với mục tiêu tăng trưởng 7,7% của quý I năm nay như sau:

a) Ngành khai khoáng

Chỉ số IIP ngành khai khoáng hai tháng đầu năm 2025 giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm nhiều nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Sản lượng một số sản phẩm ngành khai khoáng hai tháng đầu năm giảm nhiều như dầu mỏ thô khai thác giảm 12,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 21,9%; khí hóa lỏng LPG giảm 7,9%. Mục tiêu tăng trưởng của ngành khai khoáng quý I/2025 (theo kịch bản 8%) là giảm 1,2%. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng 2 tháng đầu năm 2025 giảm nhiều dẫn đến khả năng đạt mục tiêu đặt ra của Quý I năm nay là khó khăn.

b) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2025 tăng 9,3%, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (9,4%), trong khi đó mục tiêu đặt ra trong quý I năm nay là giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo tăng 9,8%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I, tốc độ tăng IIP của ngành CBCT phải tăng ít nhất trên 10%, đây là một thách thức lớn đối với sản xuất công nghiệp trong quý I.

c) Ngành điện

Chỉ số sản xuất ngành điện 2 tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 2,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm trước. Mục tiêu tăng trưởng của ngành điện trong quý I là 10,9%. Vì vậy trong quý I chỉ số IIP của ngành điện phải tăng trên 2 chữ số để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra.

d) Vốn đầu tư nước ngoài

Trong hai tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng vốn FDI thực hiện chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 (hai tháng đầu năm 2023 giảm 4,9%) trong 5 năm qua. Vốn FDI thực hiện tăng thấp (chiếm khoảng 16-20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) sẽ là thách thức không nhỏ để đóng góp thực hiện mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay.

e) Một số hoạt động dịch vụ

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2025 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%) nhưng chưa đạt mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (cùng kỳ năm 2018 và 2019 tăng lần lượt tăng 9,8% và 12,6%). Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 8,7% (cùng kỳ năm 2018 và 2019 lần lượt tăng 10,3% và 13,8%).

Tốc độ tăng của bán lẻ hàng hóa chưa đạt mức tăng trước dịch, cùng với đó tăng trưởng của dịch vụ du lịch lữ hành có xu hướng giảm (cùng kỳ các năm 2023 – 2025 lần lượt tăng 169,9%; 25,9% và 16,4%).

– Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa của hai tháng đầu năm 2025 lần lượt đạt 8,4% và 15,9%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2023 trong 5 năm qua (tương ứng giảm 9,9% và giảm 16,7%).

Thặng dư thương mại hai tháng đầu năm 2025 đạt 1,47 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2023 (3,48 tỷ USD) và năm 2014 (5,13 tỷ USD).

Như vậy xét về góc độ sử dụng thì cầu tiêu dùng của nền kinh tế còn ở mức thấp hơn cùng kỳ các năm trước, là một thách thức lớn để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng của quý I năm nay.

Để đạt mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 12%; phấn đấu 14% (Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 08/01/2025), trong khi 2 tháng đầu năm 2025 tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2024 ) đây là thách thức lớn trong thời gian đến cuối năm 2025, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

4. Kiến nghị

Trước những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế nêu trên, để tạo đà tăng trưởng cho các tháng tiếp theo và hướng đến thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, Cục Thống kê đề xuất một số kiến nghị, giải pháp sau:

Một là, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách; trong đó điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực; chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện các biện pháp thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; có các giải pháp xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động, công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động.

Ba là, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực; tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi. Thúc đẩy các chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, nhất là các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Bốn là, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Năm là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.

[1] Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

[2] Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm các năm 2021-2025 so với cùng kỳ năm trước lần lượt tăng/giảm là: 6,8%; 5,6%; -2,9%; 6,5%; 7,2%.

[3] Năm 2023 bị ảnh hưởng bởi xung đột quân sự giữa Nga – U-crai-na và kinh tế thế giới chưa phục hồi sau dịch Covid-19.

[4] Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong hai tháng đầu năm các năm 2021-2025 lần lượt là (đơn vị tính là nghìn doanh nghiệp): 3,6; 3,3; 3,2; 3,7; 3,8.


Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)

Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)

Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%

(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)

Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)

Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ

Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)

Nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) nhà ở năm 2025 dự kiến sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. 2 (28/03/2025)

Xem thêm