Tình hình lao động, việc làm quý IV/2024 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động[1] tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2024 ước tính là 53,2 triệu người, tăng 390,1 nghìn người so với quý trước và tăng 625,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV/2024 là 69,0%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung  năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53,0 triệu người, tăng 575,4 nghìn người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không đổi so với năm trước.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV/2024 là 28,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm.

2. Lao động có việc làm

Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,1 triệu người, tăng 126,3 nghìn người so với quý trước và tăng 995,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,0 triệu người, tăng 288,5 nghìn người và giảm 356,4 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý IV/2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,5 triệu người, chiếm 26,0%, giảm 152,2 nghìn người so với quý trước và giảm 260,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,5 triệu người, chiếm 33,7%, tăng 458,6 nghìn người và tăng 353,4 nghìn người; khu vực dịch vụ là 21 triệu người, chiếm 40,3%, tăng 108,5 nghìn người và tăng 546,5 nghìn người.

Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,9 triệu người, tăng 831,2 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32,0 triệu người, giảm 246,1 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5% và giảm 79,7 nghìn người so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,4 triệu người, chiếm 33,4% và tăng 167,0 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,8 triệu người, chiếm 40,1% và tăng 497,8 nghìn người.

Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[2] quý IV/2024 là 33,2 triệu người, chiếm 63,6% trong tổng số lao động có việc làm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,2%, giảm 0,5 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nam là 67,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm và nữ là 61,0%, giảm 0,5 điểm phần trăm.

3. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[3]

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 764,6 nghìn người, giảm 98,8 nghìn người so với quý trước và giảm 142,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 1,65%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 1,27%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,34 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 1,91%, giảm 0,48 điểm phần trăm và giảm 0,30 điểm phần trăm.

Trong quý IV/2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 381,5 nghìn người, chiếm 49,9%, giảm 61,1 nghìn người so với quý trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 140,5 nghìn người, chiếm 18,4%, giảm 29,4 nghìn người; khu vực dịch vụ là 242,6 nghìn người, chiếm 31,7%, giảm 8,2 nghìn người.

Tính chung năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 846,8 nghìn người, giảm 74,4 nghìn người so với năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,84%, giảm 0,18 điểm phần trăm so với năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,20%, giảm 0,07 điểm phần trăm.

4. Thu nhập bình quân của lao động

Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550 nghìn đồng so với quý III/2024 và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,0 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,8 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.

Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.

5. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động[4]

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 2,22%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,37%; khu vực nông thôn là 2,11%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2024 là 2,24%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,53%; khu vực nông thôn là 2,05%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý IV/2024 là 7,96%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,34 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,02%; khu vực nông thôn là 7,40%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 1,3 triệu thanh niên, chiếm 10,0% tổng số thanh niên, giảm 110,4 nghìn người so với quý trước và giảm 202,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực thành thị là 7,4%; khu vực nông thôn là 11,6%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,4%; nam là 8,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2024 là 7,83%, tăng 0,30 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,35%, giảm 0,45 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,97%, tăng 0,61 điểm phần trăm.

6. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[5]

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý IV/2024 là 3,8%, đều giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của khu vực thành thị là 3,5%; khu vực nông thôn là 4,0%. Có gần một nửa lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (47,5%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 3,7% và khu vực nông thôn là 4,3%.

7. Lao động làm công việc tự sản, tự tiêu

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý IV/2024 là 3,7 triệu người, giảm 204,8 nghìn người so với quý trước và tăng 206,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với 87,0% và tập trung ở nữ giới, chiếm 64,4%. Trong tổng số 3,7 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có gần 2,2 triệu người trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên (chiếm 59,2%).

Tính chung năm 2024, lao động làm công việc tự sản tự tiêu là 3,8 triệu người, tăng 78,6 nghìn người so với năm 2023. Lao động tự sản tự tiêu là nữ giới chiếm 63,8%.

[1] Điều tra thu nhập của người lao động được tính trễ 01 tháng. Thu nhập của người lao động là số tiền công/tiền lương hoặc lợi nhuận nhận được từ công việc (bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp nghề và tiền phúc lợi khác) trong tháng trước thời điểm điều tra. Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc là tổng thu nhập của tất cả lao động đang làm việc so với tổng số lao động đang làm việc.

[2]  Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

[3] Người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gồm những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.

[4] Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.

[5] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.


Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)

Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)

Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%

(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)

Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)

Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ

Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)

Nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) nhà ở năm 2025 dự kiến sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. 2 (28/03/2025)

Xem thêm