Năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số nước. Kinh tế, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tác động nặng nề tới phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân. Xu hướng cắt giảm lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục mở rộng do lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu 2%. Ngày 12/12/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần thứ tư trong năm giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3%/năm. Ngày 18/12/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 4,25%-4,5%/năm. Trong tháng 11/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng 2,2%, trong đó Tây Ban Nha tăng 2,4%, Đức tăng 2,2%, Pháp tăng 1,3%. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2024 của Ấn Độ tăng 5,5%; Nhật Bản tăng 2,9%; Phi-lip-pin tăng 2,5%; In-đô-nê-xi-a tăng 1,6%; Hàn Quốc tăng 1,5%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Bình quân năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

PHẦN I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá nhà ở thuê, giá xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Mười Hai tăng 2,94%. CPI bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

I.   CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 12 NĂM 2024

So với tháng trước, chỉ số CPI chung cả nước tháng 12/2024 tăng 0,29% (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,24%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 09 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 02 nhóm hàng giảm giá.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 12/2024 tăng 2,19%, trong đó chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 2,84% do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng và thời tiết chuyển mùa đông nên nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về đường hô hấp, giảm đau, hạ sốt, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 12/2024 tăng 0,57% tác động làm tăng CPI chung 0,05 điểm phần trăm, chủ yếu nhu cầu của người dân di chuyển tăng vào dịp cuối năm làm cho giá vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 4,03%; vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,06%; vận tải hành khách bằng taxi tăng 1,24%; giá xăng tăng 1,21% theo các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,53%, trong đó giá thuê nhà tăng 0,76% do nhu cầu thuê chung cư, nhà trọ tăng; giá điện sinh hoạt tăng 0,75% do EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10/2024; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,44%; giá dịch vụ khác liên quan đến nhà ở tăng 0,12% do nhu cầu tăng vào dịp cuối năm; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,11%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,16%, trong đó giá dịch vụ giáo dục đại học tăng 0,52% do một số trường đại học tăng học phí. Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,28%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,2%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12/2024 giảm 0,13% so với tháng trước, góp phần làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,3%, góp phần giảm 0,06 điểm phần trăm, chủ yếu do giá nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 3,66%; giá trứng các loại giảm 0,68%; giá quả tươi chế biến giảm 0,48%; giá thịt chế biến khác giảm 0,28%; thịt gia súc đông lạnh giảm 0,05%; giá sữa, bơ, phô mai giảm 0,04%; chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,26%, tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 0,39%; chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%, tác động làm tăng CPI 0,01 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông tháng 12/2024 giảm 0,03% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2024 tăng 2,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 12/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,89%, tác động làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm, trong đó lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 17,23%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 5,98%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 2,82%; dịch vụ về hiếu hỉ tăng 2,85%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,32%, làm CPI chung tăng 0,29 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,97 điểm phần trăm, trong đó nước sinh hoạt tăng 4,78%; điện sinh hoạt tăng 7,51%; nhà ở thuê tăng 5,04%; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 5,33%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3,01%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,87% làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm, trong đó giá nhóm lương thực tăng 4,58%; thực phẩm tăng 3,72%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,95%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,4%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,31%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,16%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giáo dục giảm 1,08%, góp phần làm CPI chung giảm 0,07 điểm phần trăm do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí; nhóm giao thông giảm 0,89%, góp phần làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá xăng, dầu giảm 6,41% và ô tô giảm 0,55%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,61% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Chỉ số giá vàng

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 31/12/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.659,6 USD/ounce, giảm 0,62% so với tháng 11/2024 do chịu áp lực từ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng. Trong tháng 12/2024, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,25% nhưng tín hiệu thận trọng về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 đã tác động tiêu cực đến giá vàng, làm giá vàng hạ xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2024. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước; tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,64%.

Chỉ số giá đô la Mỹ

Tính đến ngày 31/12/2024, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 106,98 điểm, tăng 1,46% so với tháng trước do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao, làm đồng đô la Mỹ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Cùng với đó, chính sách tiền tệ của FED duy trì lãi suất cao và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm đã góp phần đẩy giá trị đồng đô la Mỹ lên. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.488 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,09% so với tháng trước; tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2024 tăng 4,91%.

II.  CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ IV NĂM 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV năm 2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do:

– Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,15%, tác động làm CPI chung tăng 1,39 điểm phần trăm, cụ thể chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,31%, tác động làm CPI tăng 0,23 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 7,52% theo giá gạo xuất khẩu và nguồn cung chịu ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão, tác động làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 3,89%, làm CPI chung tăng 0,83 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,88%, làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.

– Giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi quý IV/2024 tăng 4,58%, tác động làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm do nhu cầu thuê nhà tăng.

– Giá dịch vụ y tế trong quý tăng 7,89% do được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT và Thông tư số 21/2024/TT-BYT của Bộ Y tế, tác động làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm.

– Giá điện sinh hoạt quý IV tăng 6,49% do EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tác động làm tăng CPI chung 0,21 điểm phần trăm.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, quý IV/2024 tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý IV/2024 tăng 3,27% do giá xi măng, giá cát tăng, làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

– Giá đồ uống và thuốc lá trong quý tăng 2,33%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng. Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước bình quân quý IV/2024 giảm 10,85%, góp phần làm CPI chung giảm 0,39 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục giảm 1,08% do một số địa phương thực hiện điều chỉnh học phí năm học 2024-2025, góp phần làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Giá các thiết bị di động giảm ở các mặt hàng mẫu cũ làm cho chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông quý IV/2024 giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm CPI chung 0,02 điểm phần trăm.

III.   CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

1.   Yếu tố làm tăng CPI trong năm 2024

– Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,35 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá:

Nhóm lương thực tăng 12,19%, tác động làm CPI tăng 0,45 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 15,93% theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, làm CPI chung tăng 0,41 điểm phần trăm.

Nhóm thực phẩm tăng 2,7%, làm CPI chung tăng 0,58 điểm phần trăm.

Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,99% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.

– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,2% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 7,68% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm; chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,6% do nhu cầu thuê nhà tăng, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt năm 2024 tăng 8,33% so với năm trước.

– Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,16%, tác động làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT- BYT từ ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT từ ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

– Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 5,37% do trong năm học 2023-2024 và 2024- 2025 một số địa phương đã tăng mức học phí, tác động làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

2.   Yếu tố làm giảm CPI trong năm 2024

Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông năm 2024 giảm 1,02% so với năm 2023 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.

IV.   LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản1 tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

1 CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

PHẦN II. CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT, CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Năm 2024, hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ duy trì theo hướng tăng trưởng ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV và năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.

I.  CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2024 tăng 2,07% so với quý III/2024 và tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,56% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 11,31%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,23%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,02%.

1.   Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan

Quý IV/2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,06% so với quý trước và tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm từ cây hằng năm tăng 2,41% và tăng 6,81%; sản phẩm từ cây lâu năm tăng 2,93% và tăng 33,4%; sản phẩm từ chăn nuôi tăng 1,27% và tăng 7,33%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,14% và tăng 1,97%; sản phẩm từ săn bắt, đánh bẫy và dịch vụ có liên quan giảm 1,98% và giảm 4,26%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 11,31% so với năm trước. Trong đó:

Chỉ số giá sản phẩm từ cây hằng năm tăng 9,69%, trong đó giá thóc khô tăng 15,77% do nhu cầu tiêu dùng và tích trữ đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia tăng; giá nhóm sản phẩm mía cây tươi tăng 2,87% do hoạt động sản xuất tại các vùng trồng mía và thu mua tại các nhà máy mía đường ổn định; giá nhóm sản phẩm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 2,37%; giá rau các loại tăng 3,51%; giá sản phẩm cây gia vị hằng năm tăng 6,75%. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản phẩm cây lấy sợi năm 2024 giảm 11,36% do giá thu mua giảm.

Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm tăng 27,72%, trong đó giá cà phê nhân tăng 79,96% do giá thu mua phục vụ xuất khẩu tăng liên tục xuất phát từ nhu cầu thế giới tăng mạnh và nguồn cung trong nước hạn chế; giá hạt hồ tiêu tăng 69,5% chủ yếu do giá xuất khẩu giữ ở mức cao; giá sản phẩm cây lấy quả chứa dầu tăng 44,91% do nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng; giá mủ cao su khô tăng 20,27%; giá hạt điều khô tăng 10,48% do nhu cầu thị trường và giá thế giới tăng cao, nguồn cung trong nước khan hiếm; giá sản phẩm cây ăn quả tăng 8,55%; giá sản phẩm cây chè tăng 2,18%.

Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi tăng 4,11%, trong đó giá sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn tăng 6,59%; giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng 1,87% do nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước tăng.

2.   Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan quý IV/2024 tăng 1,03% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 0,78% và tăng 1,56%; gỗ khai thác tăng 1,05% và tăng 2,07%; lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ tăng 1,12% và tăng 4,04%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 0,94% và tăng 4,63%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,23% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 1,1% do hiệu quả từ một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp thúc đẩy hoạt động trồng rừng, nhân và chăm sóc cây giống; chỉ số giá gỗ khai thác tăng 0,68%; chỉ số giá lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ tăng 2,4%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 1,44%.

3.   Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng quý IV/2024 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 3,26% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giá nhóm sản phẩm thủy sản khai thác tăng 0,64% và tăng 1,61%; nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 3,35% và tăng 4,44%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,02% so với năm trước, trong đó giá nhóm sản phẩm thủy sản khai thác tăng 1,65%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 0,53%.

II.   CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2024 giảm 0,23% so với quý trước và tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,59% so với năm 2023.

1.   Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý IV/2024 giảm 2,7% so với quý trước và giảm 3,61% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 4,32% so với năm trước, chủ yếu do chỉ số giá nhóm sản phẩm khai khoáng khác tăng 4,03% do sản lượng khai thác giảm trong khi nhu cầu xây dựng tăng; chỉ số giá sản xuất nhóm than cứng và than non tăng 2,71% do điều chỉnh giá sản xuất của các mặt hàng than đá tại một số đơn vị sản xuất và sản lượng khai thác giảm do điều kiện khai thác khó. Ở chiều ngược lại, dịch vụ hỗ trợ khai khoáng giảm 0,96%; chỉ số giá sản xuất quặng kim loại và tinh quặng kim loại giảm 0,79% do ảnh hưởng của giá sắt thép thế giới.

2.   Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2024 giảm 0,24% so với quý trước và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,17% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm dịch vụ in, sao chép bản ghi các loại tăng 2,87% do chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận hành, chi phí nhân công tăng; chỉ số giá sản phẩm thực phẩm chế biến tăng 2,29% do sản xuất dầu mỡ động, thực vật chế biến, sữa và các sản phẩm từ sữa, cà phê, sản phẩm xay xát bột thô tăng; chỉ số giá sản phẩm trang phục tăng 1,45% do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản phẩm kim loại giảm 2,15% theo biến động giá thế giới; chỉ số giá sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,56%.

3.  Chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

Chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý IV/2024 tăng 2,16% so với quý trước và tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,83% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do EVN điều chỉnh tăng giá bán điện nên các công ty điều chỉnh giá dịch vụ truyền tải điện để đảm bảo lợi nhuận. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất điện như giá than trong nước và chi phí nhân công tăng.

4.   Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải

Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải quý IV/2024 tăng 0,18% so với quý trước và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,84% so với năm trước chủ yếu do chi phí nhân công tăng, một số công ty điều chỉnh giá nước tự nhiên khai thác và dịch vụ thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải.

III.   CHỈ SỐ GIÁ SẢN XUẤT DỊCH VỤ

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý IV/2024 tăng 0,72% so với quý trước và tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung năm 2024, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,86% so với năm trước.

1.   Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi

Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý IV/2024 tăng 0,94% so với quý trước và tăng 7,84% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 13,16% so với năm trước. Cụ thể: Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ tăng 1,43%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt tăng 13,78%, chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đồng thời chất lượng các chuyến tàu ngày càng được cải thiện đã thu hút hành khách; dịch vụ vận tải đường bộ khác tăng 1,33%. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng 2,67%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 3,13% do tác động của căng thẳng an ninh và địa chính trị ở khu vực Biển Đỏ, cùng với chi phí nhiên liệu, bảo hiểm ở mức cao. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 96,16% do chịu tác động bởi giá nhiên liệu ở mức cao, tỷ giá tăng, quy mô đội tàu bay khai thác giảm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết và nghỉ hè. Chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ vận tải tăng 3,84% so với năm trước; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 9,27%.

2.   Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống

Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý IV/2024 tăng 0,77% so với quý trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, dịch vụ ăn uống tăng 0,97% và tăng 3,94%; dịch vụ lưu trú giảm 1,17% và tăng 7,94%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,36% so với năm 2023. Trong đó, chỉ số giá dịch vụ lưu trú năm 2024 tăng 7,91% so với năm trước do các hoạt động du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ, chất lượng về cơ sở vật chất, hạ tầng và chất lượng phục vụ ngày càng được cải thiện, cùng với hiệu quả từ các chính sách mang lại lượng khách nội địa và quốc tế tăng mạnh. Chỉ số giá dịch vụ ăn uống năm 2024 tăng 4,01% so với năm trước, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, chi phí sản xuất, vận hành và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch khiến nhu cầu ăn uống tăng cao, đẩy giá dịch vụ lên.

3.  Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo

Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý IV/2024 tăng 2,24% so với quý trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 5,67% so với năm trước, chủ yếu do việc điều chỉnh học phí tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm học 2023-2024 và 2024-2025.

4.  Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội

Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội quý IV/2024 tăng 0,08% so với quý trước và tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 9,17% so với năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do từ ngày 01/7/2024 mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng theo Nghị định số 76/2024/NĐ-CP của Chính phủ và các địa phương tiếp tục triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 và Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

5.   Hoạt động dịch vụ khác

Chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác quý IV/2024 tăng 0,91% so với quý trước và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác tăng 5,56% so với năm 2023, chủ yếu do chi phí nhân công, phí sửa chữa, bảo dưỡng đồ dùng gia đình, các dịch vụ về cưới hỏi và giá các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tăng.

IV.   CHỈ SỐ GIÁ NGUYÊN NHIÊN VẬT LIỆU DÙNG CHO SẢN XUẤT

Trong quý IV/2024, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,01% và giảm 0,67%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,71% và tăng 4,34%; dùng cho xây dựng tăng 1,96% và giảm 3,15%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,26% so với năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,08%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,79%; dùng cho xây dựng tăng 0,31%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2024 tăng so với năm trước chủ yếu do các nhóm nguyên nhiên vật liệu chính trong sản xuất tăng, cụ thể: Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá nhóm sản phẩm chăn nuôi tăng 7,67%; sản phẩm cây lâu năm tăng 3,91%. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số giá nhóm dầu, mỡ động, thực vật chế biến tăng 7,96%; sản phẩm chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 3,13%; cưa xẻ, bào gốc và bảo quản gỗ tăng 3,09%. Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, chỉ số giá nhóm sản phẩm khai khoáng khác tăng 5,19%, nhóm sản phẩm thiết bị điện tăng 4,12% và nhóm dịch vụ xây dựng chuyên dụng tăng 3,52%.

V.    CHỈ SỐ GIÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TỶ GIÁ THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA

1.   Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý IV/2024 giảm 0,87% so với quý trước và tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 6,11% và tăng 20,28%; nhóm nhiên liệu giảm 7,64% và giảm 12,41%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo giảm 1,59% và tăng 3,22%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 1,15% so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 11,42%; nhóm nhiên liệu giảm 3,62%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo tăng 0,06%. Cụ thể: Giá xuất khẩu cà phê tăng 51,71% so với năm trước do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên thế giới tăng cao; giá xuất khẩu hạt tiêu tăng 29,92% so với năm 2023 do sản lượng sụt giảm trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc;

giá xuất khẩu cao su tăng 22,26% so với năm trước; gạo tăng 11,16%; hàng rau quả tăng 4,61%; chè tăng 3,47%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 0,77%. Ở chiều ngược lại, giá thức ăn gia súc và nguyên liệu xuất khẩu giảm 11,21%; phân bón giảm 8,21%; giá xăng dầu giảm 6,88%; giá hàng thủy sản giảm 4,37%.

2.   Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý IV/2024 giảm 0,44% so với quý trước và giảm 1,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 2,32% và tăng 2,39%; nhóm nhiên liệu tăng 0,99% và giảm 4,08%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo giảm 0,61% và giảm 1,22%.

Tính chung năm 2024, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,94% so với năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 3,86%; nhóm nhiên liệu giảm 11,87%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo giảm 1,16%. Cụ thể: Giá nhập khẩu phân bón giảm 12,96%; lúa mì giảm 12,63%; thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 10,22%; sắt, thép giảm 7,83%; hàng thủy sản giảm 7,11%; xăng dầu giảm 1,07%. Ngược lại, giá nhập khẩu cao su nguyên liệu tăng 9,76%; hàng rau quả tăng 2,79%; dây điện và dây cáp điện tăng 1,3%.

3.   Tỷ giá thương mại hàng hóa

Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)2 quý IV/2024 giảm 0,43% so với quý trước và tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng thủy sản tăng 0,82% và tăng 2,7%; hàng rau quả giảm 0,8% và tăng 3,81%; xăng dầu giảm 5,49% và giảm 11,87%; cao su tăng 9,63% và tăng 16,36%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,34% và giảm 2,22%; sắt, thép giảm 0,71% và tăng 3,43%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,29% và tăng 9,49%.

Tính chung năm 2024, TOT tăng 3,15% so với năm trước, trong đó cao su tăng 11,39%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,48%; hàng thủy sản tăng 2,95%; hàng rau quả tăng 1,77%; sắt, thép tăng 1,63%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,3%; xăng dầu giảm 5,86%.

TOT năm 2024 tăng so với năm trước do chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng trong khi chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.


'Thời điểm vàng' để người trẻ sở hữu nhà ở

"Thời điểm vàng" để người trẻ sở hữu căn nhà mơ ước đang mở ra, khi các ngân hàng vào cuộc, có thể vay tới 50 năm với các mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ từ 3,5%. (26/03/2025)

Thủ tướng chỉ thị thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. (25/03/2025)

Bộ Nội vụ: Đề xuất mới về số lượng cấp phó tối đa phù hợp với sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. (24/03/2025)

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 9 bộ, cơ quan Trung ương

Sáng 21/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan Trung ương trong 2 tháng năm 2025 thuộc Tổ công tác số 7. (21/03/2025)

Học tập suốt đời: Chiến lược giúp Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới

Chính sách miễn học phí từ mầm non đến hết cấp ba và tầm quan trọng của học tập suốt đời... đang nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ trong xã hội. PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ sâu sắc về tác động của các chính sách này đối với sự phát triển của đất nước. (20/03/2025)

Thúc đẩy liên kết giao dịch hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN

Sáng 19/3 tại Hà Nội, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tổ chức tập huấn cho các thành viên kinh doanh, thành viên môi giới của MXV, tập trung vào chủ đề “Phương pháp phân tích thị trường và xây dựng ý tưởng giao dịch”. (19/03/2025)

Xem thêm