Trong 9 tháng năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số nước, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, hàng hóa, vận tải thế giới biến động mạnh, liên tục… Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tác động nặng nề tới phát triển kinh tế – xã hội. Ngày 12/9/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần thứ hai trong năm giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%/năm. Ngày 18/9/2024, lần đầu tiên sau hơn 4 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống còn 4,75%-5%/năm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh bức tranh việc làm và lạm phát của Mỹ suy giảm. Tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9/2024 tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 8/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%. Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2024 của Ấn Độ tăng 3,7%; Phi-lip-pin tăng 3,3%; Nhật Bản tăng 3%; In-đô-nê-xi-a tăng 2,1% và Hàn Quốc tăng 2%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 9/2024 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Đặc biệt, trong bối cảnh bão Yagi gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống Nhân dân, tại một số nơi có những thời điểm khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm dẫn đến tăng giá cục bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm chỉ đạo[1] các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá cả hàng hóa nhanh chóng theo xu hướng trở về mức trước bão. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, diễn biến CPI các tháng và các yếu tố làm tăng, giảm CPI 9 tháng năm 2024 được phân tích chi tiết trong các mục dưới đây.
1. Diễn biến giá tiêu dùng 9 tháng năm 2024
1.1. Diễn biến CPI 9 tháng năm 2024 so với tháng trước
So với tháng trước, CPI tháng 01/2024 tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. Sang tháng 02/2024, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Từ tháng 4/2024 đến tháng 7/2024, CPI liên tục tăng lần lượt so với tháng trước là 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48%, chủ yếu do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng. Sang tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng trước. Tháng 9/2024, CPI tăng 0,29% do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3, số 4, hoàn lưu bão và một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học 2024-2025. Trong 9 tháng năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,24% so với tháng trước.
1.2. Diễn biến CPI 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
Trái ngược với xu hướng các tháng trong năm 2023, CPI 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước có xu hướng tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng Một lên mức cao nhất 4,44% vào tháng Năm. Từ tháng Sáu đến nay, mức tăng CPI có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,34% của tháng 6/2024 xuống còn tăng 2,63% vào tháng 9/2024.
Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá khi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, thiên tai bão lũ và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết cùng với giá thịt lợn tăng; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng; trong năm học 2023-2024 và 2024-2025, một số địa phương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế và bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở.
2. Yếu tố làm tăng CPI 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
– Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá:
Nhóm lương thực tăng 14,23%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 18,87% theo giá gạo xuất khẩu khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, bão lũ làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm;
Nhóm thực phẩm tăng 2,31%, làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm;
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
– Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61%, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 9 tháng tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước.
– Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
– Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
– Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.
3. Yếu tố làm giảm CPI 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước
Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 9 tháng năm 2024 giảm 1,19% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
4. Nguyên nhân kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua
Thứ nhất, sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9/2024 chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 8/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%. Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2024 của Ấn Độ tăng 3,7%; Phi-lip-pin tăng 3,3%; Nhật Bản tăng 3%; In-đô-nê-xi-a tăng 2,1% và Hàn Quốc tăng 2%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 9/2024 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát thế giới hạ nhiệt đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng năm 2024 giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt phải kể đến mặt hàng xăng dầu, là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam và giá mặt hàng này lại phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới. Do đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.
Thứ hai, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như:
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ. Đặc biệt, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão trong tháng chín đã làm cho tại một số nơi, một số thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống… dẫn đến tăng giá cục bộ. Nhưng để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ phía Nam, Đà Lạt nhằm giữ giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có các Công điện chỉ đạo khẩn trương cung ứng hàng hóa, khắc phục hậu quả của bão số 3. Nhờ đó, hoạt động thương mại của các địa phương bị ảnh hưởng của bão đã sớm trở lại bình thường và giá cả hàng hóa có xu hướng trở về mức trước bão.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
5. Một số các yếu tố cần được theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm nay
– Rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
– Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng gây áp lực lên lạm phát.
– Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá.
– Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
– Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.
[1] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2024 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2024 về việc tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Saigon Co.op xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ
Ngày 23/10, Công ty TNHH MTV phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina tiến hành bàn giao hàng hoá sản xuất tại Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (24/10/2024)
Thái Nguyên hướng đến chuyển đổi xanh
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. (23/10/2024)
De Heus góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững để hướng tới Net Zero
Phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp không chỉ ở việc cải thiện các yếu tố môi trường, mà còn là việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tối ưu hóa tài nguyên, cũng như xây dựng năng lực và lợi nhuận bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị. Hiểu được nhu cầu của mỗi phân khúc chăn nuôi, Tập đoàn De Heus luôn linh hoạt xây dựng các giải pháp để mỗi khách hàng đều có thể phát triển trang trại của mình trên toàn cầu một cách bền vững. (22/10/2024)
PV GAS tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp
Tại Hội nghị kinh doanh và phát triển thị trường khí được tổ chức tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong khẳng định nhanh chóng tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí mới ban hành, với mục tiêu cao nhất là đưa PV GAS tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. (21/10/2024)
Diễn đàn Đa phương MSF 2024: Lần đầu tiên vinh danh sáng kiến công nghệ số vì nhóm yếu thế
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024. (19/10/2024)
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ TBA 500kV Chơn Thành
Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công 4 mạch của nhánh rẽ 220kV Chơn Thành thuộc dự án TBA 500kV Chơn Thành và đấu nối. (18/10/2024)