Thị trường lao động, việc làm trong quý III/2024 tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động[1] tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người; thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng; tỷ lệ thất nghiệp là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm.

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2024 ước tính là 52,7 triệu người, tăng 114,1 nghìn người so với quý trước và tăng 238,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2024 là 68,5%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III/2024 là 28,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

2. Lao động có việc làm

Lao động có việc làm quý III/2024 ước tính là 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 20,0 triệu người, tăng 233,8 nghìn người so với quý trước và tăng 884,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,6 triệu người, giảm 119,1 nghìn người và giảm 640,2 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm quý III/2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,0%; khu vực dịch vụ là 20,9 triệu người, chiếm 40,5%.

Tính chung chín tháng năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 753,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 541,5 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm chín tháng năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,6% và giảm 126,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1% và giảm 151,5 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,3% và tăng 490,2 nghìn người.

Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[2] quý III/2024 là 33,0 triệu người, chiếm 63,9% trong tổng số lao động có việc làm và giảm 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung chín tháng năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 49,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 74,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm; nam là 67,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm và nữ là 60,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm.

3. Thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[3]

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 861,4 nghìn người, giảm 86,7 nghìn người so với quý trước và giảm 79,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 1,87%, cùng giảm 0,19 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 1,09%, giảm 0,44 điểm phần trăm và giảm 0,74 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 2,39%, giảm 0,02 điểm phần trăm và tăng 0,2 điểm phần trăm.

Tính chung chín tháng năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 914,1 nghìn người, giảm 8,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,28%, giảm 0,32 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,46%, tăng 0,18 điểm phần trăm.

4. Thu nhập bình quân của người lao động

Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 176 nghìn đồng so với quý trước và tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,6 triệu đồng/tháng.

Tính chung chín tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,6 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,2 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

5. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động[4]

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,29%; khu vực nông thôn là 2,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chín tháng năm 2024 là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,55%; khu vực nông thôn là 2,07%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý III/2024 là 7,75%, giảm 0,26 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,11 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 8,33%; khu vực nông thôn là 7,44%, tỷ lệ này thường cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung do thanh niên có mong muốn tìm được công việc đúng với trình độ và có thu nhập cao. Trong quý III/2024, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,7%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 12,5%, khu vực thành thị là 7,9%; nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 12,2%; nam là 9,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) chín tháng năm 2024 là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,57%, giảm 0,23 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 7,06%, tăng 0,55 điểm phần trăm.

6. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[5]

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý III/2024 là 4,2% (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người). Trong đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng khu vực thành thị là 3,4% và khu vực nông thôn là 4,7%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (chiếm 48%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Tính chung chín tháng năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 3,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 4,6%, tăng 0,2 điểm
phần trăm.

7. Lao động làm công việc tự sản, tự tiêu

Lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý III/2024 là 3,9 triệu người, giảm 37,2 nghìn người so với quý trước và tăng 163,9 nghìn người so với cùng kỳ
năm trước.

Tính chung chín tháng năm 2024, lao động làm công việc tự sản tự tiêu là gần 4 triệu người, tăng 31,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động nữ chiếm 63,8%; lao động ở khu vực nông thôn chiếm 86,9%.

[1] Điều tra thu nhập của người lao động được tính trễ 01 tháng. Thu nhập của người lao động là số tiền công/tiền lương hoặc lợi nhuận nhận được từ công việc (bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp nghề và tiền phúc lợi khác) trong tháng trước thời điểm điều tra. Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc là tổng thu nhập của tất cả lao động đang làm việc so với tổng số lao động đang làm việc.

[2] Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

[3] Người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gồm những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.

[4] Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.

[5] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.


Bộ Xây dựng cam kết bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết

(Chinhphu.vn) - Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 383/QĐ-BXD ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025. (14/04/2025)

Thời điểm vàng cho Việt Nam, EU hợp tác vượt qua thách thức kinh tế toàn cầu

(Chinhphu.vn) - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier gợi ý, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. (11/04/2025)

Giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng đạt trên 4%

(Chinhphu.vn) - Ngành Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm 2025, đồng thời hướng tới kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đạt 65 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 70 tỷ USD. (02/04/2025)

Tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi

Trước diễn biến gia tăng và kéo dài của bệnh sởi ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt số bệnh nhân sởi tăng cao trong quý I/2025, một số ca tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. (30/03/2025)

Hiện thực hóa những chính sách mới, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ

Các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã cùng thảo luận để tìm ra hướng đi hiệu quả nhằm hiện thực hóa những chính sách mới, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo bước đột phá cho thị trường khoa học và công nghệ. (29/03/2025)

Nguồn cung bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo nguồn cung bất động sản (BĐS) nhà ở năm 2025 dự kiến sẽ phục hồi trên diện rộng với mức tăng khoảng 10% so với năm 2024. 2 (28/03/2025)

Xem thêm