Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thách thức vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi cần bám sát diễn biến thị trường và có giải pháp linh hoạt…
Trong quý I/2024, cùng với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có những khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%). Nhập khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13,1%)
Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Hình 1. Xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2024
Xuất khẩu tăng mạnh
Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,21 tỷ USD, tăng 26,2%, chiếm 27,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 67,85 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,9%. Một tín hiệu đáng mừng đối với nền sản xuất trong nước là mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô).
Cũng trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).
Đặc biệt, trong quý I/2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Cà phê tăng 54,2%; gạo tăng 40%; chè tăng 27,2%; rau quả tăng 25,8%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 21,1%; hạt điều tăng 20,5%; gỗ và sản phầm gỗ tăng 18,9%.
Hình 2. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2024
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như: Sản phẩm chất dẻo tăng 131,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 69,5%; sản phẩm hóa chất tăng 41,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 38,9%; sắt thép tăng 32,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 30,3%; hóa chất tăng 25,2%; dầu thô tăng 24,5%.
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản quý I/2024 ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh sự tăng trưởng của các nhóm hàng, ngay trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%); tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,7 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%; ASEAN ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 9,5%; Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%.
Nhập khẩu tiếp tục hồi phục
Tính chung quý I/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 15,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,28 tỷ USD, tăng 13,6%.
Trong quý I/2024 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,9 tỷ USD, tăng 23,6%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,3 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 12,1%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I/2024, đáng lưu ý là nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng cao hơn nhiều so với nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp đang tập trung cho phục hồi sản xuất hơn là cho tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 94%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,7%. Nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng cao như: Nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 211,8%; phân bón tăng 54,4%; than đá tăng 36,9%; sắt thép tăng 31,9%; bông tăng 27,4%; dây điện và cáp điện tăng 26%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,6%; điện thoại và linh kiện tăng 23,3%; hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 22,7%; dầu thô tăng 21,3%.
Hình 3. Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I năm 2024
Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 5,08 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó một trong những mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm hàng tiêu dùng là ô tô nguyên chiếc chỉ đạt 632 triệu USD, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước (về lượng đạt 31,5 nghìn chiếc, giảm 25,1%).
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đều tăng trong quý I/2024. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 34,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 4,3%; thị trường ASEAN ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 9,8%; Nhật Bản ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,8%; EU ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 17,3%; Hoa Kỳ ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8%.
Nhiều thách thức tiềm ẩn, cần bám sát thị trường
Mặc dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.
Thuận lợi là thị trường các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Cùng với đó, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED – 2%). Hơn nữa, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Nhưng khó khăn, đó là kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu – châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Ngoài ra, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…
Mặc dù các kết quả trong quý I/2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hiện nay, ngoài 16 FTA, còn có 3 FTA Việt Nam đang đàm phán, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia khuôn khổ đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; FTA giữa Việt Nam và UAE hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. Vì vậy, cần khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024; Kế hoạch số 182-KH/ĐUK ngày 29/7/2024 và Kế hoạch số 273-KH/ĐUBKHĐT ngày 16/9/2024, BCH Đảng bộ TCTK ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030. (08/11/2024)
Saigon Co.op xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ
Ngày 23/10, Công ty TNHH MTV phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina tiến hành bàn giao hàng hoá sản xuất tại Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (24/10/2024)
Thái Nguyên hướng đến chuyển đổi xanh
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. (23/10/2024)
De Heus góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững để hướng tới Net Zero
Phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp không chỉ ở việc cải thiện các yếu tố môi trường, mà còn là việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tối ưu hóa tài nguyên, cũng như xây dựng năng lực và lợi nhuận bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị. Hiểu được nhu cầu của mỗi phân khúc chăn nuôi, Tập đoàn De Heus luôn linh hoạt xây dựng các giải pháp để mỗi khách hàng đều có thể phát triển trang trại của mình trên toàn cầu một cách bền vững. (22/10/2024)
PV GAS tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp
Tại Hội nghị kinh doanh và phát triển thị trường khí được tổ chức tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong khẳng định nhanh chóng tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí mới ban hành, với mục tiêu cao nhất là đưa PV GAS tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. (21/10/2024)
Diễn đàn Đa phương MSF 2024: Lần đầu tiên vinh danh sáng kiến công nghệ số vì nhóm yếu thế
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024. (19/10/2024)