Trong 8 tháng năm 2023, các Bộ, ngành và địa phương đang rất nỗ lực tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án, công trình, đặc biệt đến thời điểm quý 3 thì nhiều dự án khởi công mới trong năm đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào triển khai thực hiện, nên nhìn chung khối lượng thực hiện cao hơn nhiều các tháng đầu năm. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 8 năm 2023 ước đạt 61.326,4 tỷ đồng, bằng 8,6% kế hoạch năm và tăng 29,1% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 352.054,8 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn kế hoạch cần thực hiện và giải ngân trong các tháng còn lại của năm 2023 là rất lớn (khoảng 50%), nhiều bộ, cơ quan, địa phương khả năng không thực hiện được hết số vốn được giao từ đầu năm nhằm hướng đến đạt mục tiêu thực hiện và giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Vì vậy, ngày 18/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 749/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.
Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước của một số địa phương
8 tháng năm 2023 (Nghìn tỷ đồng)
Thành phố Hồ Chí Minh có vốn đầu tư thực hiện 8 tháng đạt 25.252 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ hai cả nước. Để đạt được kết quả đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tháo gỡ đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân để dòng vốn chảy vào nền kinh tế. Thành phố đã công khai, minh bạch mọi vấn đề để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Song song, với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, động viên khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 8 năm 2023 đạt 5.009,6 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 90,2% so với cùng kỳ; 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 25.252,6 tỷ đồng, tăng 52,1% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 17 tháng 8 năm 2023, tổng số vốn đầu tư đã được giải ngân là 18.646,2 tỷ đồng, đạt 27,2% so với kế hoạch vốn năm 2023 được UBND Thành phố giao (đạt 26,4% so với kế hoạch vốn Thủ Tướng Chính phủ giao). Ước thực hiện đến hết 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân đạt 21.768,7 tỷ đồng, đạt 31,8% so với kế hoạch vốn được UBND Thành phố giao (đạt 30,9% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
– Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên): Ngày 15/7/2023, đoàn công tác của Trung ương đã khảo sát, tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ ga Phước Long đến ga bến xe Suối Tiên.
– Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương): Ban quản lý Đường sắt đô thị tổ chức Lễ khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông làm tiền đề cho việc chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025.
– Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành – Tân Kiên): Đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị cùng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có chuyến khảo sát thực địa toàn tuyến đường sắt đô thị số 3A và chuẩn bị công tác cập nhật hoàn chỉnh đề xuất dự án. Tuyến đường sắt đô thị số 3A với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67.125 tỷ đồng (tương đương 2,88 tỷ USD) có chiều dài khoảng 19,58 km gồm 17 nhà ga và 01 Depot tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; đi qua quận 1, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh còn một số vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ:
– Giai đoạn 2021 – 2025, đã nhìn nhận công tác triển khai đầu tư công trên địa bàn rất chậm, thậm chí có một số dự án còn chưa giải ngân. Nguyên nhân chính do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công…
-Tình hình kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh phải đương đầu với khó khăn nhiều hơn thuận lợi do triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đang bị đe doạ bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu, việc thắt chắt chính sách tài chính, tiền tệ; những ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, tài chính trong nước, cùng với giải ngân đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến đà phục hồi của nhiều lĩnh vực kinh tế.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể để giải ngân đầu tư công trong thời gian tới:
– Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
– Trong giai đoạn 2023 – 2025, thành phố đa dạng các hình thức trong hợp tác công tư; trong đó có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản gắn với 2 đề án quan trọng là đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn và đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 – 2030. Cùng với đó, thành phố hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4, tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh)…
– Để có nguồn lực tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố giai đoạn 2023 – 2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên từ 23- 25%, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư… và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.
– Nâng cao hiệu quả Tổ công tác đầu tư trong việc phối hợp các sở, ban, ngành giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn; đề xuất các giải pháp thực hiện đa dạng các hình thức trong hợp tác công tư; trong đó, có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản; đầu tư hạ tầng thành phố.
– Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược kết hợp với việc rà soát lại toàn bộ nguồn lực tiềm năng trong huy động nguồn vốn cho đầu tư công.
– Cần tăng cường khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách thành phố; huy động các nguồn lực đầu tư từ quỹ đất công và tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo đột phá trong xã hội hóa đầu tư và thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định
– Thành phố Hồ Chí Minh cần phân công các lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Kết quả thực hiện và giải ngân của các dự án sẽ là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của lãnh đạo được phân công theo dõi, chủ đầu tư dự án và cá nhân liên quan.
Hội Thống kê Việt Nam hướng tới nâng cao chất lượng và trình độ chuyên môn
Hội Thống kê Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV (2024-2029) hướng tới nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn và đạo đức, góp phần xây dựng ngành thống kê Việt Nam phát triển và hiện đại... (07/11/2023)
Hội viên hội thống kê Việt Nam – Thực trạng và hướng hoàn thiện
Hội Thống kê Việt Nam (viết tắt là HTK) ra đời và phát triển trên cơ sở ý chí tự nguyện của những người làm nghề thống kê và luôn mong muốn sự nghiệp thống kê Việt Nam ngày càng phát triển. (06/11/2023)
Nền kinh tế hai tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động
Từ số liệu thống kê kinh tế tháng 10 và 10 tháng của năm 2023, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế 2 tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động theo chu kỳ, bởi đây là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế... (01/11/2023)
Báo cáo công khai thực hiện dự toán thu – chi ngân sách nhà nước quý III năm 2023
Tổng cục Thống kê đăng tải Báo cáo công khai tình hình thực hiện dự toán thu – chi ngân sách nhà nước quý III năm 2023 như sau: (06/10/2023)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được vinh danh Giải thưởng Cống hiến
Sáng ngày 01/10/2023, Công đoàn Viên chức Việt Nam Việt Nam chính thức trao “Giải thưởng Cống hiến” cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Sự kiện diễn ra tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn viên chức Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028. (01/10/2023)
Nghị quyết 105 tạo niềm tin và tiếp thêm động lực gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh
Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương được ban hành cấp thiết, đúng thời điểm, được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. (02/08/2023)