BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chiến sự Nga – U-crai-na kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023[1] tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,2 đến 1 điểm phần trăm[2]. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của một số quốc gia như sau: Phi-li-pin 6,0% và In-đô-nê-xi-a 4,8% không đổi so với dự báo tại thời điểm tháng 12/2022; Ma-lai-xi-a 4,7%, tăng 0,4 điểm phần trăm; Thái Lan 3,3%, giảm 0,7 điểm phần trăm; Xin-ga-po 2,0%, giảm 0,3 điểm phần trăm; Việt Nam 6,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm.
Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế-xã hội toàn cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhìn chung, kinh tế – xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Kết quả đạt được của cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong quý II và 6 tháng đầu năm 2023 như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023[3]. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023[4].
Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
a) Nông nghiệp
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2023 đạt 2.952,5 nghìn ha, bằng 98,7% vụ đông xuân năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1.067,7 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.884,8 nghìn ha, bằng 98,5%. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay tăng so với vụ đông xuân năm trước, ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn.
Tính đến trung tuần tháng 6/2023, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.788,9 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.418,2 nghìn ha, bằng 97,9%. Đến nay, có 200,6 nghìn ha diện tích lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, chiếm 14,1% diện tích xuống giống.
Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 560,8 nghìn ha ngô, bằng 98,4% cùng kỳ năm trước; 58,4 nghìn ha khoai lang, bằng 94,3%; 15 nghìn ha đậu tương, bằng 92,9%; 119,4 nghìn ha lạc, bằng 94,9%; 751,6 nghìn ha rau, đậu, bằng 100,9%.
Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè búp đạt 523,2 nghìn tấn, tăng 1,7%; cao su đạt 413,5 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 353,2 nghìn tấn, tăng 9,7%; hồ tiêu đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 1,7%. Sản lượng một số cây ăn quả: Xoài đạt 616 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; cam đạt 514,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; sầu riêng đạt 367,6 nghìn tấn, tăng 18,3%.
Chăn nuôi trâu, bò trong 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
b) Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 125,5 nghìn ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 45,9 triệu cây, tăng 5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.806,1 nghìn m3, tăng 3,7%.
Diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước 6 tháng đầu năm là 1.168 ha, tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 624,7 ha, tăng 7,4%; diện tích rừng bị cháy là 543,4 ha, gấp 22,5 lần.
c) Thủy sản
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 đạt 2.370,4 nghìn tấn, tăng 1,6%), bao gồm: Cá đạt 3.093,2 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 538,1 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khác đạt 639,2 nghìn tấn, tăng 1,1%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2.336,4 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 đạt 1.311,2 nghìn tấn, tăng 2,5%), bao gồm: Cá đạt 1.593,6 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 466,7 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 276,1 nghìn tấn, tăng 3,6%. Sản lượng cá tra đạt 789,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 315,2 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng tôm sú đạt 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%.
Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1.934,1 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 đạt 1.059,2 nghìn tấn, tăng 0,5%), bao gồm: Cá đạt 1.499,6 nghìn tấn, tăng 0,5%; tôm đạt 71,4 nghìn tấn, giảm 0,3%; thủy sản khác đạt 363,1 nghìn tấn, giảm 0,8%.
3. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước[5]. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 0,8%; quý II tăng 1,56%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%; ngành khai khoáng giảm 1,43%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2023 tăng 9,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 14,1%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%).
4. Hoạt động của doanh nghiệp
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[6]
Trong tháng Sáu, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 138,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 103,9 nghìn lao động, tăng 14,9% về số doanh nghiệp, tăng 33,7% về vốn đăng ký và tăng 39,2% về số lao động so với tháng 5/2023. So với cùng kỳ năm trước, tăng 4,8% về số doanh nghiệp, tăng 14,6% về số vốn đăng ký và tăng 34,7% về số lao động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509,9 nghìn lao động, giảm 0,5% về số doanh nghiệp, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 là 1.666,1 nghìn tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 113,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2023 cho thấy: Có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2023; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[7]. Dự kiến quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
c) Khoa học công nghệ
Tính đến ngày 21/6/2023, trên cổng Dịch vụ công quốc gia, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.426 thủ tục; 2.545 dịch vụ công cho công dân, 2.351 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng là 213,1 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng là gần 15,8 triệu hồ sơ.
Về sở hữu trí tuệ, tính đến hết tháng 3/2023, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên toàn quốc là 7.962 đơn; trong đó có 130 đơn xin cấp bảo hộ sáng chế, 62 đơn xin cấp bảo hộ giải pháp hữu ích, 344 đơn xin cấp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 7.426 đơn xin cấp bảo hộ nhãn hiệu.
5. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động, duy trì tốc độ tăng tích cực.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 1,8% và luân chuyển hành khách tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 10,9% và luân chuyển hàng hóa tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2023[8] đạt 975 nghìn lượt người, tăng 6,4% so với tháng trước và gấp 4,1 lần cùng kỳ năm trước; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt gần 447,4 nghìn lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022 (quý II/2023 ước đạt 1.520,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Trong 6 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,2%) và luân chuyển đạt 118,4 tỷ lượt khách.km, tăng 32,4% (cùng kỳ năm trước tăng 19,5%), trong đó quý II ước đạt 1.073,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 5,8% và luân chuyển đạt 58,5 tỷ lượt khách.km, tăng 14,5%. Vận tải hàng hóa ước đạt 1.109 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%) và luân chuyển 232,5 tỷ tấn.km, tăng 14,8% (cùng kỳ năm trước tăng 17,5%), trong đó quý II/2023 ước đạt 560,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 15,9% và luân chuyển 116,3 tỷ tấn.km, tăng 9,5%.
Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 174 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,5%). Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng số thuê bao điện thoại ước đạt gần 129,3 triệu thuê bao, tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 126,9 triệu thuê bao, tăng 1,6%; số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định ước đạt hơn 22 triệu thuê bao, tăng 7,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt gần 4,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 633,5 nghìn lượt người, chiếm 11,4% và gấp 8,1 lần; bằng đường biển đạt 55 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 443,9 lần.
Số lượt người Việt Nam xuất cảnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 2,4 triệu lượt người, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước và bằng 71,5% so với cùng kỳ năm 2019.
6. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, tuy nhiên ở trong nước tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất để doanh nghiệp và người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động bảo hiểm trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng đã lấy lại đà tăng trưởng; thị trường chứng khoán cũng có những tín hiệu tích cực trở lại.
Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,58%[9] (cùng thời điểm năm trước tăng 8,51%).
Doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,6%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/06/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.138,45 điểm, tăng 5,9% so với cuối tháng trước và tăng 13,04% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 15/06/2023) đạt 5.779 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trong tháng Sáu đạt 19.816 tỷ đồng/phiên, tăng 36,7% so với bình quân tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.118 tỷ đồng/phiên, giảm 35,7% so với bình quân năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 6/2023 đạt 5.462 tỷ đồng/phiên, giảm 17,6% so với bình quân tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.596 tỷ đồng/phiên, giảm 27,2% so với bình quân năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 6/2022 đạt 168.752 hợp đồng/phiên, tăng 7% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 243.037 hợp đồng/phiên, giảm 11% so với bình quân năm 2022.
7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 1.296,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%). Vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 ước đạt 774,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5%), bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 370,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng vốn và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 751,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,4% và tăng 2,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 235,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% và tăng 1,7%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: 1.293 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 632 lượt dự án (đã cấp phép từ các năm trước) đăng ký điều chỉnh vốn với số vốn đầu tư tăng thêm 2,93 tỷ USD, giảm 57,1%; 1.594 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,01 tỷ USD, tăng 76,8% (trong đó có 626 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,32 tỷ USD và 968 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,69 tỷ USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 có 60 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 147 triệu USD, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước; có 16 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 173,7 triệu USD, gấp 3,9 lần. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
8. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tăng 12,9%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 93,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 718,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% và giảm 4,7%; thu từ dầu thô đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% và giảm 15%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 126,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% và giảm 20,6%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6/2023 ước đạt 155,9 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 537,4 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% và tăng 5,5%; chi đầu tư phát triển 215,6 nghìn tỷ đồng, bằng 29,7% và tăng 43,3%; chi trả nợ lãi 51 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% và giảm 0,8%.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a) Xuất nhập khẩu hàng hóa[10]
Trong tháng Sáu, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[11] ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%[12]. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý I/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,41 tỷ USD, giảm 11,9%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 121,04 tỷ USD, giảm 12,2%, chiếm 73,6%. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Quý I/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý I/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%).
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Năm nhập siêu 2 tỷ USD[13]; 5 tháng đầu năm xuất siêu 9,66 tỷ USD; tháng Sáu ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.
b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022 (quý II ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 58,8%), trong đó: Dịch vụ du lịch đạt 4,3 tỷ USD (chiếm 48,4% tổng kim ngạch), gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 30,9%), tăng 29,5%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12,9 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 3,8 tỷ USD), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 3,1%), trong đó dịch vụ vận tải đạt 5,9 tỷ USD (chiếm 46% tổng kim ngạch), giảm 7,4%; dịch vụ du lịch đạt 3 tỷ USD (chiếm 22,9%), tăng 9,8%. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 là 4,1 tỷ USD.
10. Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Sáu tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Trong nước, nhu cầu về hàng hóa nông sản, nhu cầu du lịch tăng nên chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá dịch vụ tăng lần lượt là 3,83% và 5,42% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp và chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,24% và giảm 0,02%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa giảm 0,52% và giảm 3,85% theo xu hướng của thị trường thế giới.
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung[14] (tăng 3,29%).
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 6/2023 giảm 0,64% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12/2022; tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,67%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2023 tăng 0,14% so với tháng trước; giảm 2,23% so với tháng 12/2022; tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,61%.
c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2023 giảm 0,32% so với quý I/2023 và tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,49% và giảm 1,52%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,02% và tăng 4,79%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,24%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,42%.
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý II/2023 giảm 0,86% so với quý trước và giảm 1,54% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,85% và giảm 1,15%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,86% và giảm 1,55%; dùng cho xây dựng giảm 1,06% và giảm 0,55%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,75%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,11%; dùng cho xây dựng tăng 2,03%.
d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Quý II/2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,94% so với quý trước và giảm 0,69% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 1,43% và giảm 4,41%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 1,49% và tăng 3,89%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 3,85%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 3,47%[15].
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất. Lao động có việc làm quý II/2023 tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%, giảm 0,02 điểm phần trăm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm.
Quý II/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 52,3 triệu người, tăng 107,1 nghìn người so với quý trước và tăng 698,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không đổi so với quý trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,5 điểm phần trăm.
Lao động có việc làm quý II/2023 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2023 là 2,3%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[16] quý II/2023 của khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều là 4,3%. So với quý trước, tỷ lệ này ở khu vực thành thị tăng 0,1 điểm phần trăm và khu vực nông thôn giảm 0,4 điểm phần trăm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,4%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 4,2% giảm 1 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 4,5% giảm 0,9 điểm phần trăm.
2. Theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư, đời sống của hộ dân cư trong 6 tháng đầu năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 khi tỷ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập trong 6 tháng đầu năm nay không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kỳ năm 2022 là 94%, tăng 15 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo 6 tháng năm 2022. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Tính đến ngày 19/6/2023, lãnh đạo trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 đạt gần 1,79 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 2,8 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là hơn 3,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 65,4 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Tính từ đầu năm đến ngày 21/6/2023 tổng số gạo Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân là 18,3 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu.
Tính đến thời điểm ngày 30/5/2023 có 6.014/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 1.301 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 156 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 40% tổng số huyện cả nước. Có 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
3. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 được tổ chức vào cuối tháng 6/2023, sớm hơn so với năm 2022. Năm nay là năm đầu áp dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung so với năm trước. Có tổng số 1.025.168 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.
Tính đến 14/6/2023, cả nước có 14.308 trường mầm non, 23.559 trường phổ thông, bao gồm: 12.085 trường tiểu học; 7.640 trường trung học cơ sở; 1.526 trường trung học phổ thông và 2.308 trường phổ thông có nhiều cấp học. Số giáo viên mầm non là 332,6 nghìn người, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 721,8 nghìn người, bao gồm: 377,7 nghìn giáo viên tiểu học; 254,4 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 89,7 nghìn giáo viên trung học phổ thông. Trong năm học 2022-2023, cả nước có 4,77 triệu trẻ em đi học mầm non; 15,97 triệu học sinh phổ thông, bao gồm: 8,92 triệu học sinh tiểu học; 5,28 triệu học sinh trung học cơ sở và 1,77 triệu học sinh trung học phổ thông.
Về giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tính đến hết tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở GDNN gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm GDNN và trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên. Tổng số cơ sở GDNN công lập là 1.205 cơ sở, chiếm 63,8% tổng số cơ sở GDNN. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở GDNN tuyển sinh được 1.055 nghìn người (đạt 46% kế hoạch năm 2023). Cụ thể: Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được 220 nghìn người (đạt 41,5% kế hoạch năm 2023) và trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề khác là 835 nghìn người (đạt 47,3% kế hoạch 2023).
4. Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tác động tích cực đến tâm lý của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 119 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 02 trường hợp mắc bạch hầu; 08 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.
Về dịch bệnh Covid-19, kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/01/2020 đến ngày 22/6/2023, Việt Nam có hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, trong đó 10,6 triệu trường hợp đã được chữa khỏi và 43,2 nghìn trường hợp tử vong. Công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, từ ngày 08/3/2021 đến ngày 19/6/2023, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266,5 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,3 triệu liều; tiêm mũi 2 là 86 triệu liều; mũi bổ sung là 14,3 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 58 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,9 triệu liều.
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/6/2023 là 228,5 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 113,3 nghìn người.
Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Sáu xảy ra 17 vụ với 158 người bị ngộ độc (02 trường hợp tử vong). Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 51 vụ với 771 người bị ngộ độc (11 người tử vong).
5. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa luôn được quan tâm; thể thao phong trào được duy trì, thể thao thành tích cao có những thành tích đáng ghi nhận.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức khắp nơi trên cả nước, một số hoạt động đặc sắc như: Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam; Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Lần thứ Nhất – năm 2023… Có 25 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Về thể thao thành tích cao, Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 tại Cam-pu-chia xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn với 359 huy chương (136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc, 118 huy chương đồng). Việt Nam tham dự giải vô địch Muay thế giới tại Thái Lan, đạt 5 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 7 huy chương đồng; giải vô địch Cử tạ châu Á tại Hàn Quốc, đạt 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã giành vô địch khi lần đầu tiên tham dự giải AVC Challenge Cup 2023 tổ chức tại In-đô-nê-xi-a diễn ra từ ngày 18-25/6/2023 với sự tham gia của 11 đội châu Á.
6. Số vụ tai nạn giao thông[17] tháng Sáu tăng 17,7% so với tháng trước, số người chết tăng 16,5%. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước, số người chết giảm 13,5%.
Trong tháng Sáu (từ 15/5-14/6/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 979 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 699 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 280 vụ va chạm giao thông, làm 522 người chết, 390 người bị thương và 308 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 17,7% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 16,9% và số vụ va chạm giao thông tăng 19,7%); số người chết tăng 16,5%; số người bị thương tăng 6,3% và số người bị thương nhẹ tăng 22,2%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Sáu tăng 2,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 9,7% và số vụ va chạm giao thông giảm 10,8%); số người chết giảm 0,6%; số người bị thương tăng 27% và số người bị thương nhẹ giảm 1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 3.603 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.367 vụ va chạm giao thông, làm 2.865 người chết, 2.009 người bị thương và 1.462 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm nay giảm 12,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 9,8%; số vụ va chạm giao thông giảm 20,1%); số người chết giảm 13,5%; số người bị thương tăng 2,3% và số người bị thương nhẹ giảm 15,3%. Bình quân 1 ngày trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, gồm 20 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 7 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 11 người bị thương và 8 người bị thương nhẹ.
7. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương
Trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 29 người chết và 43 người bị thương; 10,7 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 8,9 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 28,5 nghìn ha lúa và 13,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 619,9 tỷ đồng, giảm 88,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 9.999 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 8.794 vụ với tổng số tiền phạt là 147,9 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; cả nước xảy ra 884 vụ cháy, nổ, làm 46 người chết và 52 người bị thương, thiệt hại ước tính 87,1 tỷ đồng, giảm 79,5% so với cùng kỳ năm trước./.
[1] Dự báo tại thời điểm tháng 6/2023.
[2] Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Liên hợp quốc (UNDESA) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,3% năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 2,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023, đạt 2,8%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2023.
[3] Tốc độ tăng GDP quý II so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2023 lần lượt là: 6,25%; 5,56%; 5,39%; 6,19%; 7,11%; 6,74%; 6,66%; 7,1%; 7,16%; 0,34%; 6,58%; 7,83%; 4,14%.
[4] Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2023 lần lượt là: 6,1%; 5,25%; 5,03%; 5,86%; 6,68%; 6,13%; 5,93%; 7,43%; 7,12%; 1,74%; 5,76%; 6,46%; 3,72%.
[5] Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp quý II so với cùng kỳ năm trước các năm 2019-2023 tăng lần lượt là 8,31%; 0,13%; 10,39%; 9,51% và 1,61%.
[6] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 23/6/2023.
[7] Chỉ số tương ứng của quý I/2023: Có 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn quý trước; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
[8] Kỳ báo cáo từ ngày 21/5/2023-20/6/2023.
[9] (Cập nhật theo thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi ngày 30/6/2023) Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, ngoài ra một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
[10] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu). Khi tính cán cân thương mại của nền kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu được tính theo giá F.O.B.
[11] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 27/6/2023. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 6/2023 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 25/6/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp.
[12] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 373,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 187,2 tỷ USD, tăng 18%; nhập khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 16%.
[13] Ước tính tháng Năm xuất siêu 2,24 tỷ USD.
[14] Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
[15] Tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.
[16] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.
[17] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngày 23/6/2023.
Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". (03/09/2024)
Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có đề xuất các hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (26/08/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch qua (19-25/8) đẩy chỉ số MXV-Index tăng 1,4% lên 2.135 điểm. (26/08/2024)
Ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất mục tiêu
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển. (24/08/2024)
Du lịch bứt tốc, kỳ vọng đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng
Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, các chuyên gia cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. (23/08/2024)
Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. (23/08/2024)