Thị trường lao động quý I năm 2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121 nghìn người; trong khi đó khu vực nông thôn giảm 32,3 nghìn người, lực lượng lao động nam và nữ đều tăng, tương ứng tăng 60,3 nghìn người và 28,4 nghìn người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động ở cả khu vực thành thị, nông thôn và nam nữ đều tăng (tăng tương ứng là 355,4 nghìn người; 680,4 nghìn người; 597,9 nghìn người và 438,0 nghìn người).
Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020 – 2023
Đơn vị tính: Triệu người
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và của tỷ lệ này của nam giới là 75,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 30,9%; nông thôn: 48,3%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 39,0%; nông thôn: 48,8%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I năm 2023 là 26,4%, không thay đổi so với quý trước và cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý I năm 2023, có 12,2 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,2 triệu người).
2. Số người có việc làm
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý I năm 2023 là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người (chiếm 37,0%), tăng 120,9 nghìn người so với quý trước và tăng 386,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn đạt 32,2 triệu người, giảm 7,3 nghìn người so với quý trước và tăng 726,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 51,1 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,0%, tương đương gần 20,0 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,9%, tương đương 17,3 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,1%, tương đương 13,8 triệu người. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, qui mô lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đều giảm lần lượt là 285,6 nghìn người và 53,6 nghìn người; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 360,9 nghìn người so với quý trước và tăng 566,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động trong ngành dịch vụ tăng 38,1 nghìn người so với quý trước và tăng 599,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp)[1] trong quý I năm 2023 là 33,0 triệu người, giảm 327,1 nghìn người so với quý trước và giảm 322,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung quý I năm 2023 là 64,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,2 triệu người, giảm 15,6 nghìn người so với quý trước và giảm 119,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm cùng với số lao động chính thức tăng mạnh (tăng 1,4 triệu người) đã làm cho tỷ lệ lao động phi chính thức phi nông nghiệp giảm mạnh, giảm 2,1 điểm phần trăm.
3. Lao động thiếu việc làm
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi[2] quý I năm 2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,31% và 2,34%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2023
4. Thu nhập bình quân tháng của người lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Tính chung quý I năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế, trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.
Trong ba khu vực kinh tế, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766 nghìn đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng, tăng 9,2%, tương ứng tăng khoảng 345 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thấp nhấp trong ba khu vực kinh tế, tăng 9,0%, tương ứng tăng khoảng 655 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành kinh tế, một số ngành kinh tế ghi nhận tốc độ tăng so với quý trước như: lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 10,3 triệu đồng, tăng 6,7%, tương ứng tăng 640 nghìn đồng so với quý trước; thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy là 8,2 triệu đồng, tăng 3,8%, tương ứng tăng 300 nghìn đồng so với quý trước; ngành vận tải, kho bãi lao động có thu nhập bình quân tháng là 9,6 triệu đồng, tăng 2,7%, tương ứng tăng 255 nghìn đồng so với quý.
Đáng chú ý, so với quý trước, quý I năm nay chứng kiến sự sụt giảm về thu nhập bình quân tháng của người lao động trong một số ngành kinh tế như: thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275 nghìn đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125 nghìn đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6%, tương ứng tăng 204 nghìn đồng so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2023 tăng 7,9%, tương ứng tăng 578 nghìn đồng. Lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,3 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động làm công hương lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,25 lần lao động làm việc ở khu vực nông thôn (8,9 triệu đồng so với 7,1 triệu đồng).
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Ngày 10/01/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại nhằm phục hồi nhanh kinh tế – xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian trước và sau tết Nguyên đán, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tình hình thị trường lao động quý I năm 2023 khá ổn định. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2023
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý I năm 2023 là 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,46%, cao hơn 2,81 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
6. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Trong giai đoạn từ quý I năm 2010 đến quý I năm 2023, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý. Con số này của quý I năm 2023 là 4,0 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với quý trước và giảm 0,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2023 là nữ giới (chiếm 62,9%).
Trong tổng số 4,0 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 54,2%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoát và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.
[1] Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.
[2] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 9 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi (năm 2023).
Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024; Kế hoạch số 182-KH/ĐUK ngày 29/7/2024 và Kế hoạch số 273-KH/ĐUBKHĐT ngày 16/9/2024, BCH Đảng bộ TCTK ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng cục Thống kê lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025-2030. (08/11/2024)
Saigon Co.op xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ
Ngày 23/10, Công ty TNHH MTV phân phối Saigon Co.op (SCD) và Công ty STC Natural Vina tiến hành bàn giao hàng hoá sản xuất tại Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (24/10/2024)
Thái Nguyên hướng đến chuyển đổi xanh
Để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, chủ động nắm bắt cơ hội của quá trình chuyển đổi carbon thấp, UBND tỉnh Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh để thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu tăng trưởng xanh. (23/10/2024)
De Heus góp phần vào phát triển chăn nuôi bền vững để hướng tới Net Zero
Phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp không chỉ ở việc cải thiện các yếu tố môi trường, mà còn là việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi để tối ưu hóa tài nguyên, cũng như xây dựng năng lực và lợi nhuận bền vững cho toàn bộ chuỗi giá trị. Hiểu được nhu cầu của mỗi phân khúc chăn nuôi, Tập đoàn De Heus luôn linh hoạt xây dựng các giải pháp để mỗi khách hàng đều có thể phát triển trang trại của mình trên toàn cầu một cách bền vững. (22/10/2024)
PV GAS tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp
Tại Hội nghị kinh doanh và phát triển thị trường khí được tổ chức tuần qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong khẳng định nhanh chóng tăng tốc, đẩy mạnh mô hình kinh doanh tích hợp phù hợp với Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh các sản phẩm khí mới ban hành, với mục tiêu cao nhất là đưa PV GAS tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững. (21/10/2024)
Diễn đàn Đa phương MSF 2024: Lần đầu tiên vinh danh sáng kiến công nghệ số vì nhóm yếu thế
Ngày 18/10, tại Hà Nội, Samsung Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024. (19/10/2024)