BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga-U-crai-na kéo dài… Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023[1] nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra tại thời điểm tháng 10/2022. Fitch Ratings (FR) điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 12/2022, đạt mức 2% trong năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 2,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022. Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) đưa ra dự báo bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023. WB nhận định tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 1,7%[2], thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. UNDESA nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,9%[3], giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Tại khu vực Đông Nam Á, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan đạt 4,8%, 4,0% và 3,6% năm 2023, lần lượt giảm 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022; Phi-li-pin và Việt Nam lần lượt đạt 5,4% và 6,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Kinh tế – xã hội quý I năm 2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả. Kết quả đạt được của cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong quý I năm 2023 như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023[4]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%[5], làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi[6] nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ[7] quý I năm 2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

Về sử dụng GDP quý I năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

2. Sản xuất nông nghiệp quý I năm 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.

a) Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.922,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó: Các địa phương phía Bắc đạt 1.042,9 nghìn ha, bằng 99,1%; các địa phương phía Nam đạt 1.879,4 nghìn ha, bằng 98,4%, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.478,7 nghìn ha, bằng 98,1%. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 145,4 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm 28,1 nghìn ha.

Đến giữa tháng Ba, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2022-2023. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng đạt 177,9 nghìn ha, tăng 6,7 nghìn ha so với vụ mùa năm trước. Năng suất lúa mùa toàn vùng đạt 51,4 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha so với vụ mùa trước; sản lượng đạt 914 nghìn tấn, tăng 32,8 nghìn tấn do diện tích gieo cấy tăng.

Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 303,7 nghìn ha ngô, bằng 101,1% cùng kỳ năm trước; 44 nghìn ha khoai lang, bằng 95,5%; 9,9 nghìn ha đậu tương, bằng 93,4%; 97,4 nghìn ha lạc, bằng 94,9%; 501,6 nghìn ha rau đậu, bằng 101,2%.

Trong quý I năm 2023, sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt 172,3 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 146,2 nghìn tấn, tăng 1,5%; cao su đạt 130,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; điều đạt 226,3 nghìn tấn, tăng 7,4%. Hầu hết sản lượng cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Sầu riêng đạt 108,3 nghìn tấn, tăng 27,8%; mít đạt 142,9 nghìn tấn, tăng 20,7%; cam đạt 310,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; quýt đạt 44,3 nghìn tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 671,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; xoài đạt 184,4 nghìn tấn, tăng 1,9%. Riêng sản lượng thanh long đạt 340 nghìn tấn, giảm 2,8%.

Chăn nuôi bò trong quý phát triển ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.

b) Lâm nghiệp

Ước tính quý I năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 27,4 triệu cây, tăng 6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 251,6 ha rừng bị thiệt hại, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 180,2 ha, giảm 14,7%; diện tích rừng bị cháy là 71,4 ha, gấp 7,7 lần.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 519 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 63 nghìn tấn, tăng 5,9%; thủy sản khác đạt 121,8 nghìn tấn, tăng 0,6%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 353,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 350,3 nghìn tấn, giảm 0,8%. Tính chung quý I năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.404,6 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 184,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 300,1 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do Trung Quốc đã mở cửa thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cùng với đó giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao[8]. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 128,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Do thời tiết thuận lợi, độ mặn phù hợp để thả nuôi cùng với việc áp dụng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đang phát triển tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp tăng sản lượng. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong tháng ước đạt 32,3 nghìn tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 16,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.

3. Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%; ngành khai khoáng giảm 5,6%.

Tính chung quý I năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2023 là 81,1% (bình quân quý I năm 2022 là 79,9%).

4. Hoạt động của doanh nghiệp

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[9]

Trong tháng Ba, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 145,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 92,6 nghìn lao động, tăng 60,9% về số doanh nghiệp, tăng 122,2% về vốn đăng ký và tăng 81,4% về số lao động so với tháng 02/2023. So với cùng kỳ năm trước, giảm 0,6% về số doanh nghiệp, giảm 24,8% về số vốn đăng ký và giảm 1,2% về số lao động.

Tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 446,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 10,6 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong ba tháng đầu năm 2023 là 756,7 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2023 lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động[10].

Cũng trong ba tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường[11].

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2023 cho thấy: Có 24,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV năm 2022; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[12]. Dự kiến quý II năm 2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I năm 2023; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

5. Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động trong quý I năm 2023. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch Covid-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%).

Vận tải hành khách quý I năm 2023 đạt 1.114,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 giảm 10,7%) và luân chuyển đạt 63,7 tỷ lượt khách.km, tăng 66,5% (cùng kỳ năm trước giảm 7,2%). Vận tải hàng hóa quý I đạt 549,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 2%) và luân chuyển 117,4 tỷ tấn.km, tăng 21,9% (cùng kỳ năm trước tăng 11,1%).

Doanh thu hoạt động viễn thông quý I năm 2023 ước đạt 86,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 0,3%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối tháng 3/2023 ước đạt 130,5 triệu thuê bao, tăng 2,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 128,1 triệu thuê bao, tăng 3,1%. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định ước đạt gần 21,6 triệu thuê bao, tăng 9,2%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Ba ước đạt 895,4 nghìn lượt người, giảm 4% so với tháng trước và gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2.699,5 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 2.423,9 nghìn lượt người, chiếm 89,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,4 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 241,9 nghìn lượt người, chiếm 9% và gấp 28 lần; bằng đường biển đạt 33,7 nghìn lượt người, chiếm 1,2% và gấp 936,3 lần.

6. Quý I năm 2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu.

Tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).

Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I năm 2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 39.588 tỷ đồng, tăng 3,1%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.870 tỷ đồng, tăng 15,2%.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/3/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.050,24 điểm, tăng 2,49% so với cuối tháng trước và tăng 4,28% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 28/02/2023) đạt 5.310 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2022. Tính chung quý I năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường cổ phiếu hiện có 758 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.981 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cuối năm 2022.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 4.870 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với tháng trước; bình quân quý I năm 2023 đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường trái phiếu hiện có 453 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.807 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến 16/03/2023, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 304,965 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm 2022; chứng quyền có bảo đảm đạt 20,87 triệu chứng quyền/phiên, giảm 36%.

7. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2023 theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 328,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,4%, tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 101,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,4% và giảm 1,1%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[13] tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 298 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 777,5 triệu USD và 405 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 438,1 triệu USD.


Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong ba tháng đầu năm 2023 có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 113,3 triệu USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước; có 07 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 6,2 triệu USD, giảm 80,1%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 119,5 triệu USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước.

8. Thu ngân sách Nhà nước quý I năm 2023 ước tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I năm 2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thu nội địa đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% và tăng 5,4%; thu từ dầu thô đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% và giảm 11,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% và giảm 16,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước quý I năm 2023 ước đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi thường xuyên đạt 262,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 5,4%; chi đầu tư phát triển đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% và tăng 18,9%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% và giảm 3,4%.

9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ[14]

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%[15]. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.

a) Xuất nhập khẩu hàng hóa[16]

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%. Trong quý I năm 2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%. Trong quý I năm 2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).

 Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Hai xuất siêu 2,8 tỷ USD[17]; hai tháng xuất siêu 3,42 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.

b) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 49,6% tổng kim ngạch), tăng gần 28 lần; dịch vụ vận tải đạt 1,85 tỷ USD (chiếm 34%), tăng 164,3%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I năm 2023 ước đạt 5,66 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 1,87 tỷ USD), giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,69 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch), giảm 10,9%; dịch vụ du lịch đạt 1,25 tỷ USD (chiếm 22,1%), tăng 4,2%.

Nhập siêu dịch vụ quý I năm 2023 là 216 triệu USD.

10. Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý và điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngày 03/02/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023; giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ. Nhờ đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Ba tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2023 so với tháng trước có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.

Trong quý I năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do: Bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng Ba giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%.

  Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Ba tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.

c) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2023 tăng 0,47% so với quý IV/2022 và tăng 4,97% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,66% và tăng 1,05%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,15% và tăng 6,18%.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2023 tăng 0,44% so với quý trước và tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,69% và tăng 4,86%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,47% và tăng 4,05%; dùng cho xây dựng tăng 1,08% và tăng 3,77%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2023 giảm 1,32% so với quý trước và giảm 0,34% so với cùng kỳ năm 2022; tương tự, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 2,62% và giảm 3,29%. Tỷ giá thương mại hàng hóa[18] quý I năm 2023 tăng 1,33% so với quý trước và tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước.

II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI

1. Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2023 ước tính là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2023 ước đạt 68,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 51,1 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2023 ước tính là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm và giảm 1,07 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[19] quý I/2023 là 54%, trong đó khu vực thành thị là 45,7% và trong khu vực nông thôn là 60,8% (quý I năm 2022 tương ứng là 56,2%; 48,1%; 62,9%).

2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.

Tính đến ngày 20/3/2023, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa gần 1,24 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,34 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là hơn 2,56 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 55,5 tỷ đồng, trong đó dịp Tết Nguyên đán là 54,6 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số gạo Chính phủ đã hỗ trợ cho người dân là 18,3 nghìn tấn gạo cho 204,7 nghìn hộ với 1,2 triệu nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ cho người dân dịp Tết Nguyên đán năm 2023 là 16,9 nghìn tấn gạo cho 182,8 nghìn hộ với gần 1.128 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 là 1.338,9 tấn gạo cho 21,9 nghìn hộ với 89,3 nghìn nhân khẩu.

Tính đến tháng 2/2023, có 6.001/8.211 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 73,08%); có 991 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 121 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/ đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước). Có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

3. Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát dịch, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, nhất là các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong quý I năm 2023, cả nước có hơn 20,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 04 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút; 2.796 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 33 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Từ ngày 08/3/2021 đến ngày 20/3/2023, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 265,9 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là 90,2 triệu liều; tiêm mũi 2 là 85,4 triệu liều; mũi bổ sung là 14,4 triệu liều; mũi nhắc lại lần 1 là 57,7 triệu liều; mũi nhắc lại lần 2 là 17,6 triệu liều.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2023 là 224,7 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 112,8 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong quý I năm 2023, cả nước xảy ra 17 vụ với 227 người bị ngộ độc (7 người tử vong).

4. Trong quý I năm 2023, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức khắp nơi, tạo nên bức tranh đặc sắc, ấn tượng trên cả nước. Có 25 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các phong trào tập luyện thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp, nhiều phong trào thể thao quần chúng được phát động.

Về thể thao thành tích cao, trong tháng Ba diễn ra một số sự kiện và thành tích nổi bật như: Thể dục dụng cụ Việt Nam nỗ lực tập luyện hướng đến những mục tiêu lớn; SABECO và hành trình thúc đẩy lối sống lành mạnh, chung tay phát triển thể thao Việt Nam; hơn 300 VĐV tham dự Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hanoi 2023; khởi tranh các trận đấu tại bảng B vòng I giải bóng chuyền VĐQG 2023; giải vô địch các Câu lạc bộ Jujitsu quốc gia 2023; giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 năn 2023.

5. Tai nạn giao thông[20] tháng 3/2023 giảm về số vụ, số người chết so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Ba (từ 15/02-14/3/2023), trên địa bàn cả nước xảy ra 717 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 492 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 225 vụ va chạm giao thông, làm 389 người chết, 275 người bị thương và 233 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,8% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 21,5% và số vụ va chạm giao thông tăng 9,8%); số người chết giảm 27,8%; số người bị thương giảm 18,2% và số người bị thương nhẹ tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Ba giảm 9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 11,5% và số vụ va chạm giao thông giảm 3%); số người chết giảm 20,8%; số người bị thương tăng 9,1% và số người bị thương nhẹ tăng 1,7%.

Tính chung quý I năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.722 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 624 vụ va chạm giao thông, làm 1.436 người chết, 917 người bị thương và 661 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong quý I năm nay giảm 15,1% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 21,6%); số người chết giảm 14,3%; số người bị thương giảm 3,2% và số người bị thương nhẹ giảm 16,8%. Bình quân 1 ngày trong quý I năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, gồm 19 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 7 vụ va chạm giao thông, làm 16 người chết, 10 người bị thương và 7 người bị thương nhẹ.

6. Thiên tai, ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.

Trong quý I, thiên tai làm 8 người bị thương;158 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 2,6 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 9 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 70,5 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong quý I năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 5.387 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 4.741 vụ với tổng số tiền phạt là 71,5 tỷ đồng; cả nước xảy ra 405 vụ cháy, nổ, làm 16 người chết và 11 người bị thương, thiệt hại ước tính 22,4 tỷ đồng./.

[1] Dự báo tại thời điểm tháng 3/2023.

[2] Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 01/2023.

[3] Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới tháng 02/2023.

[4] Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 5,96%; 4,94%; 4,68%; 5,54%; 6,25%; 5,49%; 5,17%; 7,78%; 7,09%; 3,21%; 4,92%; 5,05%; 3,32%.

[5] Nguyên nhân do một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%.

[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đạt 4,52%.

[7] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của một số ngành dịch vụ quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm trước là: Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,5%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 3,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,82%; ngành vận tải kho bãi tăng 6,84%; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,95%.

[8] http://agromonitor.vn/group/48/280/giam-sat-gia: Giá cá tra nguyên liệu Trung tuần tháng 3/2023 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang dao động từ 29.500-30.000 đồng/kg, với mức giá bán này người nuôi đạt lợi nhuận từ 5.000-7.000 đồng/kg.

[9] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24/3/2023.

[10] Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bình quân một tháng trong quý I các năm 2018- 2022 lần lượt là: 11,7 nghìn doanh nghiệp; 14,5 nghìn doanh nghiệp; 14,8 nghìn doanh nghiệp; 14,7 nghìn doanh nghiệp; 20 nghìn doanh nghiệp.

[11] Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bình quân một tháng trong quý I các năm 2018- 2022 lần lượt là: 7,9 nghìn doanh nghiệp; 11,4 nghìn doanh nghiệp; 11,6 nghìn doanh nghiệp; 13,4 nghìn doanh nghiệp; 17,1 nghìn doanh nghiệp.

[12] Chỉ số tương ứng của quý IV năm 2022: Có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022;
33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

[13] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 22/3/2023.

[14] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu). Khi tính cán cân thương mại của nền kinh tế thì kinh ngạch xuất, nhập khẩu được tính theo giá F.O.B.

[15] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2022 đạt 177,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 89,9 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu đạt 88 tỷ USD, tăng 15,6%.

[16] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 3/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/3/2023.
Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 3/2023 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 27/3/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp.

[17] Ước tính tháng Hai xuất siêu 2,3 tỷ USD.

[18] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

[19] Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.

[20] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngày 23/3/2023.


Chuyển đổi số - Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". (03/09/2024)

Đề xuất 7 hành vi bị cấm trong quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có đề xuất các hành vi bị cấm trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (26/08/2024)

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt tăng mạnh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch qua (19-25/8) đẩy chỉ số MXV-Index tăng 1,4% lên 2.135 điểm. (26/08/2024)

Ngành giáo dục tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhất mục tiêu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển. (24/08/2024)

Du lịch bứt tốc, kỳ vọng đà phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng

Trong bối cảnh du lịch đang phục hồi mạnh mẽ, các chuyên gia cho biết bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới. (23/08/2024)

Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. (23/08/2024)

Xem thêm