Kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025 đề ra, ngày 08/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; ngày 30/01/2022 ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Triển khai thực hiện các Nghị quyết trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Một số nét chính về tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta như sau:
(1) Hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2022 đang trên đà phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 6,42% (Trong đó, GDP quý II tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay[1]), tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%. Khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%, trong đó một số ngành dịch vụ thị trường đã thể hiện dấu hiệu phục hồi tích cực như bán buôn, bán lẻ tăng 5,82%; vận tải kho bãi tăng 8,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%.
(2) Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng một số cây lâu năm tăng khá, chăn nuôi ổn định, khai thác gỗ và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao.
Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2022 của một số cây lâu năm tăng khá, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi nên người dân tích cực chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng. Trong đó, sản lượng xoài tăng 1,3%; cam tăng 15,1%; bưởi tăng 6,2%; vải tăng 7,4%; dừa tăng 4,5%; hồ tiêu tăng 3,4%…
Chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Ước tính cuối tháng 6 năm 2022, tổng số lợn tăng 3,8%; tổng số gia cầm tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Hoạt động khai thác gỗ 6 tháng đầu năm 2022 tăng chủ yếu do nhu cầu sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tăng cao; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.488,2 nghìn m3, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm có mức tăng trưởng ấn tượng bởi nguồn cung toàn cầu ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ của các thị trường tăng trở lại. Sản lượng tôm nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2022 đạt 448,4 nghìn tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đạt 772,5 nghìn tấn, tăng 11,2%. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng Sáu năm 2022 ước đạt 300,4 triệu USD, tăng 120,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm đạt 538,5 triệu USD, tăng 28,1%; tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 95,4%; tôm đạt 2,39 tỷ USD, tăng 37,7%[2].
(3) Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,8%; quý II tăng 10,8%). Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cùng tăng 11,2%.
Hình 2: Tốc độ tăng IIP 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước
của một số ngành công nghiệp trọng điểm (%)
(4) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt quy mô (2.717 nghìn tỷ đồng) và tốc độ (11,7%) tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây; tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19[3].
Hình 3. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
6 tháng đầu năm các năm 2018-2022
(5) Vận tải hành khách và hàng hóa trong tháng 6/2022 phục hồi mạnh mẽ do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại và đi du lịch của người dân tăng cao. Vận chuyển hành khách tháng 6/2022 tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách tăng 15,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 8,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 16%.
(6) Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Sáu tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
(7) Trong tháng Sáu, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng khá so với cùng kỳ năm trước với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%[4].
Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
(8) Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%.
Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 6 tháng đầu năm 2022 đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước; 83,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2022 cho thấy, có 49,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022 (quý II/2022 có 42,1%); trong đó có 48,1% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất sẽ tăng (quý II có 43,7%).
(9) Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua[5].
Hình 6. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện
6 tháng đầu năm các năm 2018-2022
(10) Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Hình 7. Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6, quý II và 6 tháng
các năm giai đoạn 2018-2022 (%)
(11) Số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước; gói hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính đạt 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 416,9 nghìn đồng.
Tính đến ngày 15/6/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 đã triển khai được hơn 43,5 nghìn tỷ đồng, cho 36,7 triệu lượt người lao động và gần 381,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 với tổng mức hỗ trợ gần 38,4 nghìn tỷ đồng cho gần 13 triệu lượt lao động và gần 346,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 với mức hỗ trợ đạt 14,1 tỷ đồng cho 25.660 lao động của 487 đơn vị sử dụng lao động.
[1] Tốc độ tăng GDP quý II so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2022 lần lượt là: 6,29%; 5,57%; 5,39%; 6,18%; 7,1%; 6,79%; 6,71%; 7,18%; 7,1%; 0,52%; 6,73%; 7,72%.
[2] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[3] Tốc độ tăng/giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm các năm 2018-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 11,1%; 10,8%; -0,8%; 3,2%; 11,7%.
[4] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 đạt 319 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 131,4 tỷ USD, tăng 31,1%; nhập khẩu đạt 132,6 tỷ USD, tăng 37,7%.
[5] Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm các năm 2018-2022 lần lượt là 8,42 tỷ USD; 9,1 tỷ USD; 8,65 tỷ USD; 9,24 tỷ USD; 10,06 tỷ USD