Dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực. Bên cạnh đó, sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam vừa qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch sôi động hơn, tạo cú hích cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Tình hình kinh tế – xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện[1] như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Một số điểm sáng của kinh tế – xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta như sau:

 (1) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do dịch Covid-19 được kiểm soát, tiến độ gieo trồng lúa hè thu đạt khá; chăn nuôi phát triển ổn định; sản lượng cá tra và tôm thẻ chân trắng tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tính đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam gieo trồng được 1.154,3 nghìn ha lúa hè thu, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước do vụ lúa đông xuân gieo trồng và thu hoạch theo khung thời vụ sớm hơn vụ đông xuân năm 2021. Chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, tổng số lợn đến thời điểm cuối tháng 5/2022 ước tính tăng 5,7%; gia cầm tăng 1,9%; tổng số bò tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân sản phẩm cá tra phi lê sang các thị trường tăng mạnh, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc… khả quan là nhân tố tích cực trong nuôi trồng cá tra. Tôm thẻ chân trắng đang bước vào vụ thu hoạch, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh hai giai đoạn, ứng dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng cá tra tháng 5/2022 ước đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 15,9%.

(2) Dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2022 tăng khá cao 10,4%, cao hơn tốc độ tăng 8,7% và 10,2% của cùng kỳ các năm 2018, 2019 (năm dịch Covid-19 chưa xuất hiện).

Chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tháng 5/2022 tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục tăng trưởng cao[2].

(3) Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, sôi động do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh và sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng lần lượt là 69,3% và 324,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% (cùng kỳ các năm 2020 giảm 1,6% và năm  2021 tăng 6,1%).

Hình 2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng các năm 2018-2022

Vận tải hành khách tháng Năm khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7% do hiệu quả chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và một số địa phương. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách giảm nhẹ 0,3%[3] so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 4,2%.

Vận tải hàng hóa tháng Năm duy trì đà tăng trưởng cao, ước tính tăng 22,8% về vận chuyển và tăng 22,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hàng hóa tăng 11,3% và luân chuyển hàng hóa tăng 16,4%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm 2017-2022[4].

(4) Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Năm năm 2022 đạt 173 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước.

(5) Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Năm ước đạt 62,69 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%[5].

Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 516 triệu USD.

(6) Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới… đã thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 đạt 13.370 doanh nghiệp, là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước của các năm 2016-2021[6]. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 63 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tổng số lao động đăng ký 437,7 nghìn lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 6,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

 Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 5 tháng đầu năm 2022 đạt 98,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%.

Nếu tính cả 1.684,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 22,1 nghìn doanh nghiệp  đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445,3 nghìn tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

(7) Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh nên trong 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 7,71 tỷ USD, là giá trị cao nhất của 5 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm 2022 đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 26,9% và tăng 15,6%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022[7].

Hình 5. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022 (Tỷ USD)

(8) Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của bình quân 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 5 tháng đầu năm 2017-2020[8]. Lạm phát cơ bản[9] 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1%.

Hình 6. Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 5 và 5 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%)

(9) Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả.[10] Tính đến ngày 20/5/2022, thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người với số tiền 1,7 tỷ đồng. Để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực trong kỳ giáp hạt, xuất cấp không thu tiền 1.396,08 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang (310,8 tấn gạo) và Quảng Trị (1085,2 tấn gạo).

(10) Về thể thao thành tích cao trong tháng Năm đạt được một số kết quả ấn tượng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31): Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với 446 huy chương, trong đó có 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Với thành tích này, Việt Nam vượt xa kỷ lục của In-đô-nê-xi-a lập tại SEA Games 19 với 410 huy chương, trong đó 194 huy chương vàng, 101 huy chương bạc và 115 huy chương đồng.


[1] Tốc độ tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2019 và năm 2022 lần lượt là: 11,6% và 12,1%; 10,9% và 9,7%; 9,4% và 29,8%.
[2] Sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 38,3%; sản xuất trang phục tăng 26,8%; khai thác than cứng và than non tăng 20,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 17,9%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 16,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 14,8%; sản xuất đồ uống tăng 13,8%;…
[3] Do hai tháng đầu năm nay dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước nên người dân hạn chế di chuyển.
[4] Tốc độ tăng vận chuyển hàng hóa và luân chuyển hàng hóa 5 tháng đầu năm các năm 2017-2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 8,9% và 5,6%; 9,7% và 6,4%; 8,9% và 6,8%; -5,9% và -6,7%; 10,5% và 11,2%; 11,3% và 16,4%.
[5] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 264 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 131,4 tỷ USD, tăng 31,1%; nhập khẩu đạt 132,6 tỷ USD, tăng 37,7%.
[6] Số doanh nghiệp thành lập mới tháng Năm các năm 2016-2022 lần lượt là: 10.019 doanh nghiệp; 10.954 doanh nghiệp; 11027 doanh nghiệp; 10693 doanh nghiệp; 10728 doanh nghiệp; 11601 doanh nghiệp; 13.370 doanh nghiệp.
[7] Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022 lần lượt là 6,77 tỷ USD; 7,3 tỷ USD; 6,7 tỷ USD; 7,15 tỷ USD; 7,71 tỷ USD.
[8] Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2017-2020 lần lượt là: Tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; tăng 4,39%.
[9] Lạm phát cơ bản được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
[10] Các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ được thực hiện hiệu quả.