Kinh tế – xã hội tháng Mười của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống của nhân dân, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ được ban hành kịp thời đã đảm bảo việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”. Tình hình kinh tế – xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2021 của nước ta đã có nhiều khởi sắc với một số nét chính như sau:

(1) Thời tiết vụ hè thu năm nay cơ bản thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển nên năng suất nên năng suất lúa các vụ mùa đạt khá. Vụ hè thu diện tích gieo trồng đạt 1.954 nghìn ha, tăng 8,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020, năng suất đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha; sản lượng đạt 11,04 triệu tấn, tăng 282,8 nghìn tấn.

(2) Sản xuất công nghiệp trong tháng Mười khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

(3) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười tăng mạnh so với tháng trước do các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười tăng 18,1% so với tháng trước.

(4) Sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng khá cao so với tháng trước. Vận chuyển hành khách tháng 10/2021 ước tính tăng 47,2% so với tháng trước và luân chuyển tăng 41,6%; vận tải hàng hóa tăng 13,5% và luân chuyển tăng 10,7%.

(5) Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao[1], 10 tháng năm 2021 đạt 539 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 269,58 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2% chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,6% tổng kim ngạch (tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước).

Tháng 10/2021 xuất siêu tăng mạnh đạt 2,85 tỷ USD , do đó 10 tháng cán cân thương mại xuất siêu trở lại 160 triệu USD.

(6) So với tháng trước, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

 Trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 111,2% về số doanh nghiệp và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng 09/2021.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Mười đạt 4.304 doanh nghiệp, tăng 29,8% so với tháng 9/2020.

(7) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng mạnh so với tháng trước; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 18,6% so với tháng trước.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 có 1.375 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020;

– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1%; có 776 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

(8) Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

(9) Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19.

[1] Theo số liệu của Tổng cục Hải quan đến ngày 31/10/2021.