Trong thời gian qua, ngành lâm nghiệp nước ta vẫn giữ vững phát triển ổn định, từ năm 2010-2020[1], trồng mới được 27,4 nghìn ha rừng tập trung (năm 2020 đạt 2.904,5 nghìn ha, tăng 0,5% so với năm 2019), trung bình mỗi năm tăng 2,49 nghìn ha rừng trồng mới tập trung, tăng bình quân 0,98%/năm. Giai đoạn này, sản lượng gỗ khai thác liên tục tăng và tăng khá, bình quân mỗi năm cả nước khai thác được 11.494,8 nghìn m3 gỗ, hàng năm tăng khoảng 1.218,5 nghìn m3, bình quân tốc độ tăng 14,79%/năm.

Năm 2020, năm đầu tiên nước ta bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản lượng gỗ khai thác cả nước đạt 17.169,7 nghìn m3, tăng 5,2% so với năm 2019 (tuy có tăng nhưng là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2010-2020). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2020 toàn quốc có 74 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, trong đó có 17 doanh nghiệp xuất khẩu quy mô lớn (xuất khẩu khối lượng trên 50.000 tấn/doanh nghiệp), chiếm hơn 23% tổng số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ; 10 doanh nghiệp vừa (lượng xuất khẩu từ ​​20.000 – 49.000 tấn/doanh nghiệp), chiếm 13,5%; còn lại là các doanh nghiệp nhỏ (lượng xuất khẩu dưới 20.000 tấn/doanh nghiệp). Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tình hình sản xuất và xuất khẩu gỗ nước ta những tháng đầu năm 2021 vẫn luôn có chiều hướng tích cực. Ước tính tháng 8/2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 19,9 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.589,6 nghìn m3, tăng 2,9%. Sản lượng gỗ khai thác hiện tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung do hai vùng này ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 hơn các vùng khác. Hoạt động khai thác rừng trồng đến tuổi thu hoạch vẫn được thực hiện tương đối ổn định theo kế hoạch sản xuất.

Trong 8 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 143,4 nghìn ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.085,2 nghìn m3, tăng 5,1%; sản lượng củi khai thác đạt 12,9 triệu ste, giảm 0,5%. Ước tính 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,2%. Ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp ngành Gỗ nước ta đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác. Có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021 đã tạo nhiều hứng khởi, yên tâm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng năm 2021 ước tính đạt 10.426 triệu USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2020; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1.062,5 triệu USD, tăng 14,2%. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu và Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại những thị trường này chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành Gỗ, nhất là tại các địa phương khu vực phía Nam. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tình hình dịch bệnh tăng cao khiến cho khoảng 60-65% các nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh phải dừng sản xuất. Các nhà máy còn lại chỉ hoạt động xấp xỉ 30-40% cả về lao động và công suất. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng Tám ước tính đạt 850 triệu USD, giảm 34,6% so với tháng 7/2021 và giảm 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, kim ngạch xuất khẩu gỗ nửa cuối tháng Chín và sau đó có thể còn giảm sâu hơn nữa. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy cả về nguồn gỗ nguyên liệu, vật tư đầu vào cho ngành cũng như sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ngành chế biến gỗ nước ta hiện đang sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước và nhập khẩu, không chỉ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng giá mà nguồn trong nước cũng tăng mạnh. Chất lượng gỗ từ rừng trồng trong nước vẫn còn thấp, do đó hoạt động chế biến sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Tình trạng chậm giao hàng, hủy đơn hàng, không dám nhận đơn hàng mới đã và đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ. Ngành Gỗ Việt Nam đối mặt với áp lực duy trì xuất khẩu bởi quý III/2021 là thời điểm mấu chốt để doanh nghiệp chuẩn bị đơn hàng cho thị trường Mỹ và Châu Âu, phục vụ dịp Nô-en và cuối năm.

Để duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng và nguy cơ mất đơn hàng, VIFOREST đã kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành Gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi trong công văn số 68/HHG-VP ngày 7/9/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Theo đó, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp ngành Gỗ chính là được sớm tiêm vắc-xin cho người lao động, đây là giải pháp bền vững giúp ngành Gỗ trở lại nhịp độ sản xuất bình thường, thực hiện mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025. Bên cạnh đó, các địa phương cần linh hoạt cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn phương thức sản xuất 2T hay 3T[2] tùy theo tình hình thực tế, không hình sự hóa đối với chủ doanh nghiệp trong trường hợp phát sinh các F0,  hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp và kịp thời đưa các ca F0 được phát hiện ra khỏi nhà máy đến các cơ sở y tế để điều trị sớm nhất. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về thời gian mà người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất, được miễn đóng phí công đoàn cho tới ngày 30/6/2022 và cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Cần giảm lãi suất xuống còn từ 4,0-4,5%/năm đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới. Bổ sung đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nằm trong vùng áp dụng Chỉ thị số 16-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tiếp theo để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. Cần có lộ trình giảm cước phí vận tải biển; có giải pháp khuyến khích phát triển các đội tầu trong nước và khuyến khích các hình thức vận tải khác như đường sắt liên vận. Tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất/nhập khẩu gặp khó khăn.

[1] 2T: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ ; 3T: sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ ngơi tại chỗ

[2] Niên giám thống kê, Tổng cục Thống kê