Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước.

I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ II NĂM 2021

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2021 là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. So với quý trước, lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng 354,8 nghìn người) và lực lượng lao động nam (tăng 36,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước lực lượng lao động tăng chủ yếu ở khu vực thành thị (tăng hơn 1 triệu người) và lực lượng lao động nữ (tăng hơn 1,3 triệu người).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2021 là 68,5%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,3%, thấp hơn 12,9 điểm phần trăm so với nam (75,2%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,6%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,7%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 15-24 tuổi (thành thị: 38,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 55 tuổi trở lên (thành thị: 34,4%; nông thôn: 47,7%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2021 là 26,1%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,1%, cao hơn 2,3 lần so với khu vực nông thôn (17,6%).

Trong tổng số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý II năm 2021, có 12,8 triệu người trong độ tuổi lao động và tập trung ở nhóm 15-19 tuổi. Hơn 40% trong số 12,8 triệu lao động trong độ tuổi không tham gia thị trường lao động này đang tham gia đào tạo.

2. Số người có việc làm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này cũng thấy được ở khu vực nông thôn và ở nữ giới. Lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, giảm 369,3 nghìn người so với quý trước và tăng 581,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nữ là gần 23,4 triệu người, giảm 110,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II năm 2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, giảm 2,25% so với quý trước và tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý trước và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,6 triệu người đang làm việc, tăng 3,19% so với quý trước, và tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2021 là 57,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 64,5%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.

3. Lao động thiếu việc làm

Thiếu việc làm trong độ tuổi[1] quý II năm 2021 là 1,1 triệu người, tăng 173,5 nghìn người so với quý trước và giảm 137,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2021 là 2,60%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,80% và 2,49%). Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy được qua các năm trước với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị[2] . Xét theo ba khu vực kinh tế, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2021 ở khu vực dịch vụ là cao nhất với 35,8%, tiếp theo là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 35,6%.

4. Thu nhập bình quân tháng của người lao động

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,44 lần (7,1 triệu đồng so với 4,9 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,41 lần (7,5 triệu đồng so với 5,3 triệu đồng). Diễn biến khó kiểm soát của dịch Covid-19 trong quý II năm 2021 đã làm gián đoạn đà phục hồi thu nhập bình quân của người lao động kể từ quý III năm 2020 đến quý I năm 2021. Quý II năm 2021 ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước.

Trong quý II năm 2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng bị ảnh hưởng về thu nhập nhiều nhất với mức thu nhập bình quân tháng đạt 6,7 triệu đồng, giảm 464 nghìn đồng, tương ứng giảm 6,5% so với quý trước; lao động trong khu vực dịch vụ với thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng, giảm 291 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,9%. Riêng thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,7 triệu đồng, tăng 80 nghìn đồng, tương ứng tăng 2,2%, đây là khu vực duy nhất có mức thu nhập bình quân tăng so với quý trước.

Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý II đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước và tăng 455 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,2 lần (tương ứng 7,3 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,3 lần so với thu nhập của lao động ở nông thôn (tương ứng 7,7 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước và giảm 82,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong quý II năm 2021 là 389,8 nghìn người, chiếm 31,8% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên quý II năm 2021 là 7,47%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,57%, cao hơn 3,11 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

6. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu

Số lao động sản xuất tự sản tự tiêu[3] quý II năm 2021 là 4,2 triệu người (tăng gần 0,6 triệu người so với quý trước và 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu tăng ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý II năm 2021 là nữ giới (chiếm 62,8%). Điều này cho thấy, dịch Covid-19 bùng phát mạnh bắt đầu từ tháng 4 đã làm nhiều lao động gặp khó khăn trong công việc và chuyển sang làm các công việc tự sản tự tiêu.

Trong tổng số 4,2 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến hơn 2,5 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 59,4%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2021 đạt 51 triệu người, tăng 737 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 18,4 triệu người, chiếm 36,1%; lực lượng lao động nữ đạt 23,9 triệu người, chiếm 47% lực lượng lao động của cả nước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2021 là 68,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2021 ước tính là 13,3 triệu người, chiếm 26,1%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

2. Lao động có việc làm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 là 49,9 triệu người, tăng 788,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,9 triệu người, tăng 743,9 nghìn người (chiếm 94,3% tổng số việc làm tăng của cả nước).

Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2021 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,9%), tăng 259,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,4 triệu người (chiếm 32,8%), tăng 77,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 39,3%), tăng 451 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 là 57,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 64,5%, tăng 2,4 điểm phần trăm; tỷ lệ này ở nữ là 52,7%, tăng 2,2 điểm phần trăm, mức tăng này cao gấp 1,4 lần so với nam giới (tăng chỉ 1,5%).

3. Lao động thiếu việc làm

Thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 48,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2021 là 2,58%, tăng 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị là 2,64%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

4. Thu nhập của người lao động

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021 là 6,2 triệu đồng, tăng 320 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,42 lần (tương ứng 7,2 triệu đồng và 5,1 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 7,7 triệu đồng trong khi thu nhập của lao động ở khu vực nông thôn là 5,3 triệu đồng.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 6 tháng đầu năm 2021 là 7,0 triệu đồng, tăng 282 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam làm công hưởng lương cao hơn lao động nữ 1,2 lần (tương ứng 7,5 triệu đồng và 6,4 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 8,0 triệu đồng cao hơn 1,3 lần thu nhập của lao động ở khu vực nông thôn (6,3 triệu đồng).

5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 1,1 triệu người, tăng 101,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 là khoảng 398,9 nghìn người, chiếm 34,0% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm 2021 là 7,45%, giảm 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,97%, giảm 0,28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

6. Lao động tự sản tự tiêu

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong 6 tháng đầu năm 2021 là gần 3,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và giảm 110 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 90,8%).

Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 63,1%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 40 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch Covid-19 trong quý II năm 2021. Trong tổng số gần 3,9 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có đến gần 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 59,2%).

(**) Số liệu ước tính

[1] Trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng (năm 2021 – theo Bộ luật Lao động 2019).

[2] Quý II năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 2,36%, ở khu vực nông thôn là 3,32%. Quý II năm 2019, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 0,9%, ở khu vực nông thôn là 1,54%.

[3] Lao động tự sản tự tiêu là lao động trong khu vực nông lâm nghiệp thủy sản sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng.