Sáng ngày 29/6/2021, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng năm 2021. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo Bà Nguyễn Thị Hương, đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng năm 2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng Tư với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.
Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu 6 tháng năm 2021 như sau:
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 5,64%
– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 9,3%
– Số doanh nghiệp thành lập mới: 67.081 doanh nghiệp
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 4,9%
– Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 7,2%
– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 28,4%
– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 36,1%
– Xuất siêu: 1,47 tỷ USD
– Khách quốc tế đến Việt Nam: -97,6%
– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 1,47%
– Lạm phát cơ bản: + 0,87%
– Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 51 triệu người
– Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc: 49,9 triệu người
– Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,52%
– Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi: 2,58%
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các cơ quan, cả Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân nhằm quyết tâm đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 cao nhất có thể. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng 5,64%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao. Lao động việc làm trong 6 tháng đầu năm được duy trì so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động và thu nhập bình quân của người làm công hưởng lương giữ được ổn định; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc-xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế. Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vắc-xin; có cơ chế, chính sách để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vắc-xin; cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vắc-xin bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phấn đấu tối đa tỷ lệ người dân Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ vacxin; đặc biệt ưu tiên cho những đối tượng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tại các hệ thống bán lẻ của siêu thị/hệ thống phân phối nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hai là, chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Ba là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thép xây dựng; không làm đình trệ và khó khăn cho các hoạt động đặc biệt là hoạt động xây dựng, thực hiện các Dự án đầu tư lớn, trọng điểm trong ngắn hạn. Có các chính sách phù hợp để giảm giá các loại vật liệu tăng giá thời gian vừa qua, đặc biệt là giá sắt, thép; sử dụng chính sách thuế phù hợp theo hướng có lợi cho nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm.
Bốn là, tăng cường đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực cần tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nắm bắt tình hình điều chỉnh các giải pháp thu hút FDI phù hợp. Chú trọng đào tạo lao động có tay nghề cao, thuộc các lĩnh vực đang có xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Năm là, chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương. Hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng trực tuyến quốc gia…; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.