Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh trên vật nuôi, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu, song chăn nuôi cơ bản đã đạt các mục tiêu đề ra, duy trì mức tăng trưởng cao, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và duy trì xuất khẩu, có bước phát triển cả về lượng và chất, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho hàng triệu hộ nông dân. Đặc biệt là chăn nuôi lợn sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi đang dần hồi phục.

Trong năm 2019 do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, tính từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 22/7/2019, chỉ sau 6 tháng phát hiện, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 6016 xã thuộc 558 huyện của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với số lợn tiêu hủy là 3,7 triệu con, với trọng lượng tiêu hủy là 211,5 nghìn tấn. Tính đến ngày 19/12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của tất cả các địa phương trên cả nước với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn. Tổng đàn lợn của cả nước tháng Mười Hai năm 2019 giảm khoảng 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018.

Đến năm 2020, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát khá tốt, tổng số lợn bị tiêu hủy trong năm chỉ bằng 1,5% của năm 2019. Đây là nền tảng quan trọng để người chăn nuôi tái đàn, khôi phục đàn lợn như trước đây. Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 12 năm 2020 tăng 17% so với cùng thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, việc tái đàn tại các địa phương trên cả nước nhìn chung vẫn còn chậm, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020. Sau thời gian dài bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn ngay do phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn vốn hạn hẹp, giá con giống luôn ở mức cao từ 2,5 – 3,0 triệu đồng/con. Nhiều cơ sở chăn nuôi thận trọng tái đàn vì chi phí đầu tư lớn và vẫn còn tâm lý lo ngại dịch quay trở lại trong khi chưa có văc-xin phòng bệnh. Việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi lớn, trong các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, chủ động được con giống. Đây là nguyên nhân chính khiến việc tái đàn của người dân không thể nhanh như kỳ vọng.

Trong những tháng đầu năm 2021, dịch tả lợn châu Phi về cơ bản đã được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ, tổng đàn lợn đã hồi phục nhanh, số lượng lợn tiêu hủy lũy kế 3 tháng đầu năm 2021 (tính đến 19/3) khoảng hơn 3,2 nghìn con, giảm 87,9 % so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 01/2021, tổng số lợn tăng 16,2% so với cùng thời điểm năm trước, tháng 02/2021 tổng số lợn tăng 15,5%. Sang đến tháng 3/2021, số lượng lợn tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020.

Sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, đàn lợn dần hồi phục, sản lượng thịt hơi xuất chuồng về cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nếu năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 3.328,8 nghìn tấn, giảm 14,1% so với năm 2018 (năm không bị dịch tả lợn châu Phi) thì đến năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019 (quý IV ước đạt 991,8 nghìn tấn, tăng 30%); tuy nhiên so với năm 2018 (năm không bị dịch tả lợn châu Phi), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 giảm 10% và sản lượng quý IV năm 2020 tương đương với cùng kỳ năm 2018. Quý I năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng đầu năm 2020, khi đàn lợn bị sụt giảm mạnh do số lượng lợn tiêu hủy cuối năm 2019 lớn và chưa kịp tái đàn trở lại, giá thịt lợn diễn biến phức tạp, tăng cao trên cả nước, có thời điểm giá thịt lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg tại một số tỉnh miền Bắc. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc: Đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam; trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy những tháng cuối năm 2020, đàn lợn đã khôi phục nhanh, nguồn cung bắt đầu ổn định, sản lượng xuất chuồng tăng dần khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm dần và đi vào ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi lợn quý IV/2020 giảm 6,1% so với quý trước. Bình quân giá thịt lợn hơi quý IV năm 2020 tại các tỉnh miền Bắc dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg (giảm khoảng 12.500 đồng/kg); miền Trung và Tây Nguyên từ 66.000-71.000 đồng/kg (giảm khoảng 13.000 đồng/kg); miền Nam từ 69.000-72.000 đồng/kg (giảm khoảng 12.000 đồng/kg). Tính đến ngày 22/01, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 83.000 – 86.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 81.000 – 84.000 đồng/kg; tại miền Nam khoảng 80.000 – 83.000 đồng/kg, so với cùng thời điểm của 12/2020, giá thịt lợn hơi đã tăng hơn 10.000 đồng/kg. Sang đến tháng 2 (tính đến ngày 22/02), giá thịt lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 76.000 – 79.000 đồng/kg, giá thịt lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên 74.000 – 77.000 đồng/kg, miền Nam từ 76.000 – 79.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm của tháng trước, giá thịt lợn hơi tháng 2/2021 đã giảm từ  4.000 – 7.000 đồng/kg. Tính chung trong quý I năm 2021, giá thịt lợn hơi bình quân tại miền Bắc dao động từ 74.000-85.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên từ 72.000-80.000 đồng/kg; miền Nam từ 78.000-82.000 đồng/kg.

Năm 2021 ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng đạt khoảng 5,5%- 6%. Sản lượng thịt các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, trong đó: Thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 547,3 nghìn tấn (tăng 7,9%). Để đạt được mục tiêu trên và tiếp tục duy trì phát triển tốt hoạt động chăn nuôi, ngành chăn nuôi cần tiếp tục triển khai tốt các nội dung, mục tiêu đã được Chính phủ nêu tại Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1520/QÐ-TTg- tháng 10/2020). Theo đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tái đàn lợn; phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết phù hợp thực tiễn sản xuất của từng vùng, từng phân khúc thị trường. Nâng cao năng lực giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp các sản phẩm từ thịt lợn; sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.