Bối cảnh kinh tế thế giới  năm 2020 rất phức tạp, không thuận lợi cho thương mại quốc tế. Đây là năm  thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán định từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, biến động về quan hệ kinh tế – chính trị giữa các nền kinh tế lớn và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của  dịch Covid-19 đến moi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Năm 2020 cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, nước ta đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đăt ra trong Kế hoạch. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã gây ra nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, trong đó xuất, nhập khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Những biến động, khó khăn đó đã khiến các nước có xu hướng sử dụng sản phẩm nội địa thay cho sản phẩm nhập khẩu khi thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới để phòng chống dịch bệnh. Do đó nhiều nước đã sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, các rào cản kỹ thuật để tăng cường bảo hộ sản phẩm nội địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, với sự điều hành khéo léo, tỉnh táo và rất kiên quyết của Chính phủ với mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đứng vững trong sự đứt gãy thương mại quốc tế trên toàn cầu, giữ được đà tăng trưởng và tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với  năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước).

Năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, 9 mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 50,9 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 1% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 44,7 tỷ USD, tăng 24,4%. Những năm gần đây nổi lên vai trò chi phối của nhóm hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện. Trị giá xuất khẩu của 2 nhóm hàng này đang tiến dần tới mốc 100 tỷ USD (năm 2019 đạt 87 tỷ USD, năm 2020 ước tính đạt gần 96 tỷ USD) với tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm tới 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, xuất khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 93,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng tăng mạnh tới 16,3%. Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang có sự phục hồi khá mạnh mẽ về sản xuất trong khi nhập khẩu cho tiêu dùng đã giảm đáng kể, tỷ trọng chỉ chiếm 6,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019.

Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, xuất siêu hàng hóa của nước ta đạt 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 6,5 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,9 tỷ USD và năm 2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng thành tích xuất siêu không những được giữ vững mà còn có thể lập nên kỷ lục mới. Tuy rằng mức xuất siêu kỷ lục năm 2020 có ảnh hưởng khá lớn bởi sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu, nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.