1. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới năm 2020. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức -4,2% trong năm 2020, điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trước đó vào tháng 9.

Theo báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương 2020 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây nên là mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. Tổn thất về thời giờ làm việc cũng bị ảnh hưởng bởi hàng triệu người rời bỏ lực lượng lao động hay rơi vào tình trạng thất nghiệp khi các quốc gia trong khu vực không tạo được việc làm mới; tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% – 5,7% trong năm 2020.

 Số liệu về tình hình lao động việc làm cho thấy, tình trạng thất nghiệp quý IV đã có dấu hiệu giảm đáng kể so với quý III tại một số quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 năm 2020 tương ứng là 8,5%; 6,7%; 5,2%[1].

Ở trong nước, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ có các biện pháp đối phó chủ động, sáng tạo ở các cấp, những chính sách quyết đoán nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu và phục hồi đáng kể, từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020; GDP năm 2020 tăng 2,91%. Trong quý IV, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. So với quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,4%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,4%. Tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2020 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý IV và cả năm 2020 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm

Cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

Tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Lực lượng lao động[2] tiếp tục tăng theo đà hồi phục của quý III năm 2020 nhưng vẫn chưa thể trở về trạng thái ban đầu khi chưa có dịch

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người, tăng 563,8 nghìn người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 860,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi của thị trường lao động sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020.

Đại dịch Covid đã tác động làm thay đổi xu hướng biến động mang tính mùa vụ của lực lượng lao động giữa các quý trong năm. Ở các năm trước, giai đoạn 2016-2019, lực lượng lao động của quý đầu tiên trong năm luôn thấp nhất sau đó tăng dần ở các quý sau và đạt mức cao nhất vào quý IV. Năm 2020, lực lượng lao động bắt đầu giảm ở quý I, sau đó tiếp tục giảm mạnh và chạm đáy ở quý II và dần có sự phục hồi vào quý III và quý IV. Mặc dù có phục hồi nhưng lực lượng lao động đến quý IV năm 2020 vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch. Số người thuộc lực lượng lao động trong quý này vẫn thấp hơn quý I gần 200 nghìn người.

So với quý III năm 2020, lao động quý IV ở khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn lao động ở khu vực thành thị, trong khi đó tốc độ phục hồi của lao động nam đã đuổi kịp tốc độ hồi phục của lao động nữ. So với quý trước, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 1,4%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với mức tăng của khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ và lực lượng lao động nam cùng tăng 1,0%.

Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.

Dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm đồng thời khiến cho nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức

Trong quý IV năm 2020, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là gần 54,0 triệu người, giảm 945 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 17,6 triệu người, giảm 90,2 nghìn người; ở khu vực nông thôn là 35,9 triệu người, giảm 854,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số lao động có việc làm quý IV năm 2020 tăng mạnh so với 2 quý trước nhưng do sự giảm sâu của lực lượng này trong quý II đã khiến số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế tính chung cả năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019 (tương ứng giảm 2,36%). Biến động này hoàn toàn trái ngược với xu hướng tăng việc làm hàng năm giai đoạn 2010-2019. Trong giai đoạn này, số lao động có việc làm liên tục tăng qua các năm, bình quân mỗi năm tăng hơn 600 nghìn người. Mức giảm lao động có việc làm trong năm 2020 là điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỷ qua. Trong số 1,3 triệu người bị đẩy vào tình trạng không có việc làm nói trên, có 51,6% người là phụ nữ và đa phần họ đang ở trong độ tuổi lao động (76,2%).

Quý IV năm 2020 có 20,9 triệu lao động có việc làm phi chính thức[3], tăng 233 nghìn người so với quý trước và tăng 338,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV năm 2020 là 56,2%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2020, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người, tăng 119,1 nghìn người, số lao động có việc làm chính thức là 15,8 triệu người giảm 21,1 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2020 là 56,2%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2016-2019 trước khi dịch Covid-19, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức kéo theo tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.

Rõ ràng, đại dịch Covid đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức của nhiều người lao động mà còn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tuy nhiên tình trạng này đã được cải thiện trong quý IV năm 2020

Tính riêng quý IV năm 2020, cả nước có 902,2 nghìn lao động trong độ tuổi thiếu việc làm, cao hơn nhiều so với các quý năm 2019. Tuy nhiên, so với các quý đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV. Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.

Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93% (năm 2019 tương ứng là 1,50%; 0,76%; 1,87%).

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2020 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,50%; khu vực dịch vụ là 1,74% (năm 2019 tương ứng là 3,45%; 0,43%; 0,87%). Mặc dù khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản vẫn có tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2020 cao nhất nhưng so với các năm trước, tỷ trọng lao động thiếu việc làm trong khu vực này đã giảm đi đáng kể (năm 2020: 53,7%, các năm trước khoảng 70%). Rõ ràng, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chứ không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như trước đây.

Đa số những người thiếu việc làm không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%.

So với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, nếu không có cú sốc   Covid-19, thu nhập của người lao động quý IV tăng khá cao so với các quý khác. Quý IV năm 2019, thu nhập của người lao động là 5,8 triệu đồng, cao hơn quý III năm 2019 hơn 200 nghìn đồng và cao nhất so với các quý trong năm. Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý I và cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng). Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215 nghìn đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156 nghìn đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất, giảm 100 nghìn đồng/người/tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60,1 nghìn người so với quý trước và tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý IV năm 2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm. Dù tăng cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 đã không vượt quá 4,0%, đạt muc tiêu như Quốc Hội đề ra tại Nghị quyết số 85/2019/QH-14 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Chỉ tiêu này cùng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP và các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác có thể được xem là bằng chứng quan trọng về thành công của Chính phủ trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[4] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2018-2019 dao động ở mức 4,0%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, chiếm 4,6% vào quý I và tăng lên mức 5,8% vào quý II.  Khi các hoạt động kinh tế – xã hội dần được khôi phục vào 6 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 5,3% vào quý III và còn 4,3 % vào quý IV. Tính chung năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,02%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 614 nghìn người.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng năm 2020 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (5,5% so với 4,8%), của lao động nữ cao hơn lao động nam (5,5% so với 4,6%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (56,5%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36,6%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc tận dụng nhóm lao động này càng trở nên hạn chế.

3. Kết luận và khuyến nghị

Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng gắng sức của nhân dân, tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2020 đã được cải thiện đáng kể. Kết quả này góp phần vừa thực hiện mục tiêu phòng chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước.

Kết quả Điều tra lao động việc làm các quý năm 2020 cho thấy dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến người lao động trong việc tham gia thị trường lao động và tạo thu nhập từ việc làm. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến thể mới của vi rút gây mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, dự báo ảnh hưởng của dịch tới đời sống và sản xuất sẽ rất khó lường trong thời gian tới. Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó:

Một là, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

 Hai là, tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ba là, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.


[1] Nguồn: Trading Economics, cập nhật ngày 30/11/2020.

[2] Lực lượng lao động bao gồm những người có việc làm và thất nghiệp.

[3] Lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh,thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

[4] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng lực lượng lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.