1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển khá nhưng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp của tại nhiều địa phương. Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu.
a) Nông nghiệp
Tính đến trung tuần tháng Mười Một, cả nước thu hoạch được 1.424,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 89,9% diện tích gieo cấy và bằng 98,1% cùng kỳ năm trước. Ước tính năng suất lúa mùa năm nay của cả nước đạt 51 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ mùa năm trước; sản lượng đạt 8,08 triệu tấn, giảm 20,7 nghìn tấn.
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2020 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 724 nghìn ha, giảm 0,2 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch được 382,9 nghìn ha lúa, chiếm 52,9% diện tích gieo cấy và bằng 103,9% cùng kỳ năm trước. Ước tính năng suất toàn vụ đạt 55,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng đạt 3,99 triệu tấn, tương đương năm trước.
Tính đến ngày 15/11/2020, các địa phương phía Nam đã gieo cấy được 237,9 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 68,1% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến thời điểm trên, cả nước gieo trồng được 78,9 nghìn ha ngô, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước; 16,9 nghìn ha khoai lang, bằng 91,4%; 3,3 nghìn ha đậu tương, bằng 66%; 4,6 nghìn ha lạc, bằng 85,2%; 137,3 nghìn ha rau các loại, bằng 100,1%.
Đàn lợn tiếp tục đà hồi phục, giá lợn giống có xu hướng giảm nhẹ thuận lợi cho việc tái đàn. Ước tính tổng số lợn trong tháng tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,5%; đàn gia cầm tăng 4,1%; đàn trâu giảm 2%. Tính đến ngày 25/11/2020, một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương: Dịch tai xanh còn ở Hà Nam; dịch cúm gia cầm còn ở Khánh Hòa; dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 318 xã của 29 địa phương.
b) Lâm nghiệp
Trong tháng Mười Một, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước tính đạt 25,7 nghìn ha, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 223,8 nghìn ha, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 83,7 triệu cây, giảm 1,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 15,3 triệu m3, tăng 3%; sản lượng củi khai thác đạt 17,3 triệu ste, giảm 0,6%.
Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Mười Một là 61,4 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 18 ha, gấp 3 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 43,4 ha, giảm 25,4%. Tính chung 11 tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.418,5 ha, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 629 ha, giảm 67,9%; diện tích rừng bị chặt, phá là 789,5 ha, tăng 22,3%.
c) Thủy sản
Sản lượng thủy sản cả nước tháng 11/2020 ước tính đạt 733,8 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 457 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra nguyên liệu duy trì mức giá tốt và giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu; sản lượng thủy sản khai thác đạt 276,8 nghìn tấn, giảm 1,1%. Tính chung 11 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.673,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.158,3 nghìn tấn, tăng 1,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.515 nghìn tấn, tăng 1,8% (sản lượng khai thác biển đạt 3.342,5 nghìn tấn, tăng 2%).
2. Sản xuất công nghiệp
Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng cao 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2020 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 6,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,1%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% và tăng 59,8%. Đặc biệt, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 72% so với tháng trước và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.
Trong tháng 11/2020, cả nước có gần 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 284,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 119,7 nghìn lao động, tăng 7,3% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và tăng 65,3% về số lao động so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 60,3% so với tháng trước và tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 5.315 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2019; có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 15,9% và tăng 30,8%; có 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,9% và tăng 5,7%; có 1.941 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,4% và tăng 30,6%.
Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.878,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970 nghìn lao động, giảm 1,9% về số doanh nghiệp, tăng 19,3% về vốn đăng ký và giảm 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 3.086,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 36,2 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 4.965,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 40,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với 11 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên gần 165,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 44,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
4. Đầu tư
Các Bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười Một và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%. Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%), cụ thể: Vốn Trung ương quản lý đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 28,7%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%; có 5.812 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,7 tỷ USD và 4.277 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm 2020 có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 316,4 triệu USD; có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 174 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Thu ngân sách 15 ngày đầu tháng 11/2020 ước tính đạt 29 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 10/2020 do một số khoản thu phát sinh theo quý đã nộp vào tháng trước. Chi ngân sách đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ kịp thời cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2020 ước tính đạt 1.186,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.001,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2%; thu từ dầu thô 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 153,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2020 ước tính đạt 1.323,2 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 884,3 nghìn tỷ đồng, bằng 83,7%; chi đầu tư phát triển 338,3 nghìn tỷ đồng, bằng 71,9%; chi trả nợ lãi 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4%.
6. Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch[1]
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong tháng 11/2020, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%. Vận tải tăng 2,3% về lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% về lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước; khách quốc tế đến nước ta tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10/2020 đạt 27.259 triệu USD, cao hơn 559 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 11/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 71,3%. Trong 11 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 43,1 tỷ USD, tăng 16%. Thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10/2020 đạt 24.320 triệu USD, thấp hơn 180 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 11/2020 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,07 tỷ USD, tăng 9,2%. Trong 11 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 49,3%).
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10/2020 xuất siêu 2,9 tỷ USD[2]; 10 tháng xuất siêu 19,5 tỷ USD; tháng Mười Một ước tính xuất siêu 600 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD[3] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD), trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,4 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,5 tỷ USD.
Vận tải hành khách tháng Mười Một ước tính đạt 294,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,3% so với tháng trước và luân chuyển 13,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4,5%. Tính chung 11 tháng năm 2020, vận tải hành khách đạt 3.215,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%) và luân chuyển 146 tỷ lượt khách.km, giảm 35,1% (cùng kỳ năm trước tăng 10,7%). Vận tải hàng hóa tháng 11/2020 ước tính đạt 174,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 5,3% so với tháng trước và luân chuyển 30,6 tỷ tấn.km, tăng 2%. Tính chung 11 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.606,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%) và luân chuyển 304,2 tỷ tấn.km, giảm 7,9% (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%).
Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11/2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước và giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.821 nghìn lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước.
7. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới; giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao trong mùa mưa là những yếu tố làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2020 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 2,43% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục bởi ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và trước các thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng dược Pfizer và Moderna. Chỉ số giá vàng tháng 11/2020 tăng 0,87% so với tháng trước; tăng 32,04% so với tháng 12/2019 và tăng 31,57% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; tăng 0,14% so với tháng 12/2019 và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước.
8. Một số tình hình xã hội
Trong 11 tháng năm nay, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,9% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 76,1% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia[4], 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ, Bra-xin, Nga và Pháp. Tại Việt Nam, tính đến 18h00 ngày 27/11/2020 có 1.339 trường hợp mắc Covid-19, 1.170 trường hợp đã được chữa khỏi (35 trường hợp tử vong) và đã 86 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Trong 11 tháng năm 2020, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 7.495 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 5.490 vụ va chạm giao thông, làm 6.048 người chết, 3.948 người bị thương và 5.704 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 11 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 12 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.
Thiên tai xảy ra trong tháng Mười Một chủ yếu là mưa bão, lũ lụt và sạt lở tại một số địa phương làm 104 người chết và mất tích, 388 người bị thương; 2,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 249,8 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 5,6 nghìn con gia súc và 1,5 triệu con gia cầm bị chết; 66,7 nghìn ha lúa và 35,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 18,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung 11 tháng năm 2020, thiên tai làm 372 người chết và mất tích, 1.144 người bị thương; 4.132 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 613,3 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 267 nghìn ha lúa và 132,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 38,4 nghìn tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31,7 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng, cả nước xảy ra 225 vụ cháy, nổ, làm 12 người chết và 18 người bị thương, thiệt hại ước tính 96,3 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.643 vụ cháy, nổ, làm 99 người chết và 159 người bị thương, thiệt hại ước tính 558,4 tỷ đồng./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Số liệu tháng 11/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê họp ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến ngày 27/11/2020 của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng. Tổng cục Thống kê nhận được và cập nhật báo cáo vào ngày 28/11/2020.
Số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa phân theo khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh theo thông báo của Tổng cục Hải quan.
(https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1875&Category=Th%C3%B4ng%20b%C3%A1o%20c%C3%B4ng%20b%E1%BB%91&Group=C%C3%B4ng%20b%E1%BB%91%20th%C3%B4ng%20tin&fbclid=IwAR1QQIRucm085hPkMNMx4x7cj9-gFQ0XJp9hYiSXxVqNRAH_lKoccNXv2bs)
[2] Ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD.
[3] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 19 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 30,8 tỷ USD, giảm 1,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 24,3 tỷ USD, giảm 3,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,4 tỷ USD, tăng 7,5%.
[4] Tính đến 18h00 ngày 27/11/2020, trên thế giới có 61.398,5 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (1.439,6 nghìn trường hợp tử vong).