I – Tình hình kinh tế
Tình hình kinh tế quý I/2000 diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tuy còn nhiều yếu tố chưa thật vững chắc nhưng xu hướng giảm sút tốc độ tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt cũng như của toàn bộ nền kinh tế bước đầu đã được khắc phục. Theo số liệu ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước quý này tăng 5,6% so với quý I/1999, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%; khu vực dịch vụ tăng 4,6%.
Sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực tiếp tục phát triển. Đến trung tuần tháng 3, mặc dù thời vụ gieo cấy ở một số địa phương thuộc vùng núi và trung du Bắc Bộ chưa kết thúc, nhưng cả nước đã gieo cấy được 2940,3 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% cùng kỳ năm trước và bằng 101,8% diện tích gieo cấy của vụ đông xuân năm 1999. Trên diện tích đã gieo cấy nhìn chung lúa phát triển thuận lợi, đủ nước và phân bón, sâu bệnh ít.
ở phía nam đã thu hoạch trà lúa đông xuân sớm. Tính đến ngày 15/3 riêng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 607,3 nghìn ha, chiếm trên 1/3 diện tích gieo cấy. Theo ước tính ban đầu, năng suất bình quân của 1843,0 nghìn ha lúa đông xuân của các địa phương phía nam có thể đạt 49,9 tạ/ha với sản lượng thóc đạt trên dưới 9,2 triệu tấn, tăng 60,0 vạn tấn so với vụ đông xuân 1999 (Đồng bằng sông Cửu Long tăng 65,4 vạn tấn; Đông Nam Bộ giảm 1,6 vạn tấn; Duyên hải Nam Trung Bộ giảm 4,5 vạn tấn; Tây Nguyên tăng 0,7 vạn tấn).
Giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2000 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,8% (Trung ương quản lý tăng 11,5%; địa phương quản lý tăng 12,3%); khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% (Dầu mỏ và khí đốt giảm 8,3%, các doanh nghiệp khác tăng 23,4%). Tuy chưa đạt tốc độ tăng trưởng của các quý I những năm 1997 trở về trước, nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của quý I/1998 và quý I/1999.
Trong quý này hầu hết các tỉnh và thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn đã đạt tốc độ tăng trên 10% so với quý I/1999: Hà Nội tăng 11,6%; Hải Phòng tăng 18,0%; Phú Thọ tăng 16,4%; Quảng Ninh tăng 13,7%; Đà Nẵng tăng 15,1%; Khánh Hoà tăng 17,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,7%; Đồng Nai tăng 18,3%; Cần Thơ tăng 20,2%.
Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất và đời sống mức sản xuất quý này đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước: Xi măng tăng 26,6%; động cơ điện tăng 22,4%; máy biến thế tăng 36,7%; thép cán tăng 14,0%; giấy bìa tăng 16,8%; phân hoá học tăng 13,1%; sứ vệ sinh tăng 31,3%; vải lụa tăng 11,2%; quần áo may sẵn tăng 18,6%; đường mật tăng 32,5%; thuỷ
sản chế biến tăng 12,9%; xe đạp tăng 32,5%; lắp ráp xe máy tăng 42,2%; lắp ráp ô tô tăng 53,1%; lắp ráp ti vi tăng 18,4%. Bên cạnh đó vẫn còn một số sản phẩm quan trọng khác, mức sản xuất quý này bị giảm sút nhiều so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô giảm 8,3%; than giảm 12,7%; máy công cụ giảm 8,7%; quạt điện dân dụng giảm 50,9%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ quý I ước tính đạt 52,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với quý I/1999, trong đó hàng lương thực, thực phẩm 11,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, tăng 8,7%; hàng không phải là lương thực, thực phẩm 26,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8%, tăng 7,7%; dịch vụ khách sạn, nhà hàng 6,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7%, tăng 10,5%. Do có khối lượng hàng hoá lớn và đẩy mạnh bán ra nên mặc dù trong quý I vừa qua, Nhà nước đã chi thêm 1200 tỷ đồng tăng lương cho công chức Nhà nước và cán bộ hưu trí nhưng giá cả không biến động. Chỉ số giá tiêu dùng cả quý I/2000 chỉ tăng 0,8% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn mức tăng 2,9% của quý I/1999.
Hoạt động ngoại thương có chuyển biến rõ rệt. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý này ước tính đạt 2939,0 triệu USD, tăng 33,8% so với quý I/1999, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu 1521,0 triệu USD, tăng 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1418,0 triệu USD, tăng 78,1%. Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng như trên, một phần do giá dầu thô xuất khẩu quý I năm nay ở mức cao và liên tục tăng, nhưng mặt khác, giá trị của nhiều mặt hàng xuất khẩu không phải là dầu thô cũng tăng với tốc độ khá cao so với quý I/1999: Hạt tiêu gấp 2,9 lần; rau quả gấp 1,9 lần; hàng thủ công mỹ nghệ gấp 1,7 lần; hạt điều gấp 1,6 lần; cao su, than đá, hàng dệt may, chè và hàng hải sản gấp 1,2 lần.
Kim ngạch nhập khẩu cả quý ước tính đạt 3155,0 triệu USD, tăng 29,6% so với quý I/1999, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 2245,0 triệu USD, tăng 26,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 910,0 triệu USD, tăng 39,6%. Do xuất khẩu đạt tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu nên nhập siêu cả quý I/2000 chỉ có 216,0 triệu USD, bằng 90,8% mức nhập siêu quý I/1999.
II. Một số vấn đề xã hội
Giáo dục: Kết thúc học kỳ I và bước vào học kỳ II năm học 1999-2000 cả nước có 18,4 triệu học sinh phổ thông theo học tại các trường công lập, bán
công và dân lập, tăng 5,7 % so với cùng kỳ năm trước , trong đó trên 10,0 triệu học sinh tiểu học, giảm 1,6 %; 6,4 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 16,3 % và gần 2,0 triệu học sinh phổ thông trung học , tăng 18,0 %. Công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay đã có 58/61 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tăng 13 tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm trước.
Y tế: Những tháng vừa qua nhìn chung cả nước không xảy ra dịch bệnh lớn. Tuy nhiên sốt rét vẫn xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong tháng 1 và 20 ngày đầu tháng 2/2000 số người bị sốt rét ở 49/61 địa phương là 15 nghìn lượt người. Đáng chú ý là an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm. Kết quả kiểm tra 3445 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm ở 13 tỉnh, thành phố cho thấy có 768 cơ sở, chiếm 22,3% tổng số cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Riêng tháng 2 đã có 12 tỉnh, thành phố xảy ra ngộ độc thực phẩm với 467 người bị ngộ độc, trong đó 6 người bị chết.Tình trạng nhiễm HIV tiếp tục gia tăng. Đến ngày 20/2/2000 cả nước đã phát hiện được 17611 người nhiễm HIV, trong đó 3142 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS (Đã có 1594 người chết).
An toàn giao thông: Theo số liệu của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia thì tai nạn giao thông tiếp tục tăng nhanh, nhất là tai nạn giao thông đường bộ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm ở 45 tỉnh và thành phố đã xảy ra 3065 vụ tai nạn giao thông, làm 2945 người bị thương và 907 người bị chết.
Thiếu đói giáp hạt: Tại thời điểm trung tuần tháng 3, cả nước có 11 tỉnh xảy ra thiếu đói giáp hạt với tổng số 129,4 nghìn hộ và 579,8 nghìn nhân khẩu, trong đó đói gay gắt là 27,3 nghìn hộ với 121,9 nghìn nhân khẩu. Những địa phương có số hộ và số nhân khẩu thiếu đói trong tháng 3/2000 tương đối lớn là:
Thanh Hoá 27,5 nghìn hộ với 120,4 nghìn nhân khẩu; Hà Tĩnh 25,2 nghìn hộ với 102,9 nghìn nhân khẩu; Phú Thọ 14,4 nghìn hộ với 62,1 nghìn nhân khẩu; Bắc Giang 19,0 nghìn hộ với 82,3 nghìn nhân khẩu; Quảng Bình 16,0 nghìn hộ với 78,8 nghìn nhân khẩu./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ