Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy thoái sâu trong năm 2020. Dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu giảm 4,5% năm 2020; Fitch Ratings và Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2020 đều ở mức giảm 4,4%. Đối với một số nền kinh tế lớn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 1,8%; Hoa Kỳ giảm 5,3%; khu vực đồng Euro giảm 8,0%; Nhật Bản giảm 5,4%%; In-đô-nê-xi-a giảm 1,0%; Ma-lai-xi-a giảm 5,0%; Thái Lan giảm 8,0%; Phi-li-pin giảm 7,3% và Xin-ga-po giảm 6,2%.

Đối lập với bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới, nền kinh tế nước ta tiếp tục đạt tăng trưởng dương khi GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%, trong đó quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39% và quý III tăng 2,62%. Điều này cho thấy nền kinh tế nước ta đã đi qua điểm đáy của đồ thị phục hồi kinh tế trong quý II. Tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN và thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương; đồng thời là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế thế giới 9 tháng năm 2020. Kết quả này đã khẳng định tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

                           

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 1,65%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,02% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,44%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm. Điểm sáng trong khu vực này là lúa hè thu và lúa đông xuân được mùa; sản lượng cây lâu năm tăng trưởng khá; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; xuất khẩu tôm bước đầu khởi sắc. Đây chính là những nhân tố đưa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trở thành bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, là cơ sở để an sinh, an dân trong đại dịch.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,02 điểm phần trăm và là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 9 tháng năm nay. Ngành khai khoáng giảm 5,35%, làm giảm 0,32 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 5,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 9 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 4%, làm giảm 0,14 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 17,03%, làm giảm 0,76 điểm phần trăm. Đối với khu vực này, mặc dù trong tháng 9/2020 hoạt động thương mại dịch vụ có dấu hiệu tăng trở lại nhưng 9 tháng năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Điểm sáng trong khu vực dịch vụ là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn giữ nhịp tăng trưởng cao, hỗ trợ tích cực cho xuất siêu 9 tháng năm 2020. Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa của nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì xuất khẩu 9 tháng năm 2020 tăng 4,2% và cán cân thương mại thặng dư là một nỗ lực rất lớn của nước ta.

Những tháng cuối năm 2020, nước ta cần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, đảm bảo nền kinh tế hoạt động hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Để đạt tốc độ tăng GDP năm 2020 khoảng 2%-3% cần tiếp tục thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vì đó là cơ sở quan trọng để tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn. Đồng thời, thực hiện các giải pháp như kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ ổn định…