Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Sáng ngày 21 tháng 7 năm 2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức “Tọa đàm đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam”. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK và bà Era Dabla Norris, Trưởng nhóm phụ trách về Việt Nam, IMF tại Hoa Kỳ đồng chủ trì buổi Tọa đàm. Tham dự cuộc họp trực tiếp tại TCTK có ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện đến từ Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu trụ sở của IMF tại Washington DC, Hoa Kỳ và 63 Cục Thống kê Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau phần khai mạc, các đại biểu tham dự được nghe các chuyên gia của IMF trình bày Báo cáo “Việt Nam: Tính dễ tổn thương của doanh nghiệp và hệ lụy của cú sốc do Covid-19”. Báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Tình hình tài chính của DN trước Covid-19; (2) Tính dễ bị tổn thương của DN do Covid-19 và tác động của các biện pháp tài chính và tài khóa hỗ trợ DN; (3) Các chính sách cần thiết để giải quyết tính dễ bị tổn thương của DN trong giai đoạn tới.

Tiếp theo chương trình, đại diện phía TCTK trình bày Báo cáo “Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam”. Cuộc khảo sát được thực hiện từ 10/4/2020-20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, có 126.565 DN tham gia trả lời, chiếm gần 20% tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm hiện nay. Tại thời điểm điều tra, có tới 85,7% số DN trên phạm vi cả nước bị tác động bởi dịch Covid-19. Số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh chiếm 57,7%. Có 22,1% DN bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Có tới 45,5% số DN khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với DN thời điểm hiện nay. Để ứng phó với dịch Covid-19, 66,8% số DN phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động; 44,7% DN áp dụng giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động; 3,9% DN đẩy mạnh thương điện tử; 5,4% DN chuyển đổi sản phẩm chủ lực; 7,7% DN tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào; 17,0% DN tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số các DN chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số DN đang phải tạm ngừng hoạt động. Tính đến hết quý I/2020, có tới 21,6% lao động bị mất việc làm; 7,5% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 9,0% lao động bị giảm lương và 22,8% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên.

Về quá trình triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chỉ thị số 11/CT-TTg, mới chỉ có 2,9% số DN chính thức nhận được hỗ trợ từ Chỉ thị; có 21,2% DN đã biết tới Chỉ thị số 11/CT-TTg và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; có 64,6% DN đã biết tới Chỉ thị số 11/CT-TTg nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách; có 11,4% DN chưa biết tới Chỉ thị số 11/CT-TTg.

Trong phần Tọa đàm, các đại biểu tham dự đưa ra hơn 15 lượt ý kiến, trao đổi, bình luận, góp ý đối với 2 bản Báo cáo trên. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK kết luận: Cuộc Tọa đàm sẽ mở ra mối quan hệ hợp tác linh hoạt, kịp thời trong thời gian tới. Các bên cùng xây dựng những kế hoạch mang tính dài hạn không chỉ của năm nay mà các năm tiếp theo, đặc biệt trong việc khai thác và sử dụng nguồn lực sẵn có của mỗi bên. TCTK đề xuất đầu mối cụ thể phía IMF nhằm giúp TCTK nhận được tư vấn kịp thời của các chuyên gia về việc chọn thời điểm, cách thức tiến hành cuộc Điều tra đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với tình hình kinh tế-xã hội để có góc nhìn đa chiều từ cả phía cung và phía cầu. Đồng thời, TCTK cũng mong muốn nhận được thông tin từ các tổ chức quốc tế, đánh giá trên toàn cầu về tác động của dịch Covid-19 trong bối cảnh nói chung để so sánh, biết được Việt Nam đã phản ứng tốt đến đâu, như thế nào. Đặc biệt trong thời gian tới, Việt Nam cần ra quyết định sao cho phù hợp với từng đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh cũng như ổn định đời sống của mỗi người dân.