I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chín tháng năm 2011 ước tính tăng 5,76% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,62%, đóng góp 2,76 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 2,61 điểm phần trăm.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chín tháng năm 2011 theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp tăng 3,7%; lâm nghiệp tăng 4%; thuỷ sản tăng 5,2%.
a. Nông nghiệp
Tính đến trung tuần tháng 9/2011, cả nước đã gieo cấy được 1706 nghìn ha lúa mùa, bằng 103,8% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1192 nghìn ha, bằng 100,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 514 nghìn ha, bằng 113%. Theo báo cáo từ các địa phương, sản lượng lúa mùa năm nay ước tính đạt khoảng 9,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với vụ mùa năm trước, năng suất đạt 47,1 tạ/ha, tăng 1,7%.
Tính đến 15/9/2011, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1670 nghìn ha lúa hè thu, bằng 95,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1577,6 nghìn ha, bằng 106,8%. Do diện tích gieo cấy tăng 5,6% và năng suất tăng 3,8% nên sản lượng lúa hè thu năm nay của cả nước ước tính đạt gần 12,8 triệu tấn, tăng 9,7% so với vụ hè thu trước.
Cũng tính đến trung tuần tháng 9/2011, cả nước đã gieo trồng được 990,3 nghìn ha ngô, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2010; 133,1 nghìn ha khoai lang, tăng 7,8%; 215,1 nghìn ha lạc, giảm 0,4%; 176,6 nghìn ha đậu tương, giảm 1,7% và 778,5 nghìn ha rau, đậu, tăng 7,2%.
Sản lượng cao su năm 2011 ước tính 805,3 nghìn tấn, tăng 7,1% so với năm trước; cà phê 1174 nghìn tấn, tăng 5,6%; chè búp tươi đạt 873,5 nghìn tấn, tăng 4,7%; điều 322,3 nghìn tấn, tăng 3,8%; hồ tiêu 108,8 nghìn tấn, tăng 3,2%.
Chăn nuôi trong chín tháng qua phát triển tương đối ổn định. Tính đến giữa tháng 9/2011, đàn trâu cả nước có 2,9 triệu con, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; đàn bò 5,9 triệu con, tăng nhẹ so với cùng kỳ; đàn lợn 26,8 triệu con, giảm 2% do ảnh hưởng của dịch tai xanh; đàn gia cầm ước tính tăng 6-7%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng chín tháng ước tính tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi tăng 1,9%; sản lượng thịt gia cầm tăng 10-11%.
b. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước chín tháng ước tính đạt 151,5 nghìn ha, bằng 92,4% cùng kỳ năm 2010; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 163,6 triệu cây, tăng 0,3%; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh đạt 1192 nghìn ha, tăng 1,2%; diện tích rừng được chăm sóc 448,6 nghìn ha, tăng 1,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 3066 nghìn m3, tăng 11,9%; sản lượng củi khai thác 21,5 triệu ste, tăng 1,4%. Trong chín tháng năm 2011, cả nước có 1997 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy 983 ha; diện tích rừng bị chặt phá 1014 ha.
c. Thủy sản
Sản lượng thủy sản chín tháng năm 2011 ước tính đạt 4082,0 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3072,2 nghìn tấn, tăng 3,5%; tôm đạt 446,8 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác 563 nghìn tấn, tăng 6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng chín tháng ước tính đạt 2163,8 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó cá đạt 1661,0 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 338,2 nghìn tấn, tăng 4,6%.
Sản lượng thủy sản khai thác chín tháng năm 2011 ước tính đạt 1918,2 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1777,7 nghìn tấn, tăng 2%. Riêng sản lượng cá ngừ đại dương chín tháng ước tính đạt gần 10 nghìn tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
- Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2011 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số sản xuất công nghiệp chín tháng năm nay tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,8%; công nghiệp chế biến tăng 10,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,6%.
Một số ngành sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất chín tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 71,8%; sản xuất đường tăng 43,2%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 19,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 15,8%; sản xuất bia tăng 15,7%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 13,5%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 13,4%; sản xuất giày dép tăng 13,3%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 13,1%. Một số ngành sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng khá là: Sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 11,1%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 10,6%; sản xuất xi măng tăng 10,6%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 9,8%. Một số ngành sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất đồ uống không cồn tăng 7,6%; sản xuất thuốc lá tăng 7,5%; sản xuất khai thác, lọc và phân phối nước tăng 6,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,3%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm 0,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 1,4%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 23,1%; đóng và sửa chữa tàu giảm 26,7%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tám tháng đầu năm nay tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 53,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 48,8%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ xây dựng) tăng 45,2%; sản xuất đường tăng 44,6%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 37,4%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng chậm hoặc giảm là: Sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 15%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm bơ sữa tăng 11,1%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 11%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 10,8%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 7,1%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 6,9%; sản xuất giày dép tăng 6,3%; sản xuất xi măng tăng 6,2%; sản xuất bia tăng 5,9%; sản xuất sắt, thép tăng 1%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 0,6%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 14,3%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/9/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh là: Sản xuất thuốc lá, thuốc lào giảm 17%; sản xuất bơ sữa giảm 18,2%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 22%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 26,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 27,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược lỉệu giảm 30%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 59,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 50,4%; sản xuất bia và mạch nha tăng 43,7%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 39,6%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 35,4%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 30,9%.
- Hoạt động dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng năm 2011 ước tính tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 3,9%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng, kinh doanh thương nghiệp chiếm 79,1% và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2010; khách sạn, nhà hàng chiếm 10,9% và tăng 21,9%; dịch vụ chiếm 9,0% và tăng 22,2%; du lịch chiếm 1% và tăng 16,6%.
b. Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách chín tháng năm 2011 ước tính tăng 13,1% về số khách vận chuyển và tăng 11,7% về số khách luân chuyển so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vận tải trung ương tăng 9,6% và tăng 10,5%; vận tải địa phương tăng 13,6% và tăng 12,3%. Vận tải hành khách đường bộ chín tháng ước tính tăng 13,4% về số khách vận chuyển và tăng 12,3% về số khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; đường sông tăng 9,3% và tăng 14,0%; đường hàng không tăng 14,0% và tăng 11,2%; đường biển tăng 2,9% và tăng 4,1%; đường sắt tăng 2,1% và tăng 2,4%.
Vận tải hàng hóa chín tháng năm 2011 ước tính tăng 11,2% về lượng hàng vận chuyển và tăng 2,0% về lượng hàng luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước tăng 12,0% và tăng 8,1%; vận tải ngoài nước tăng 5,0% và giảm 1,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ tăng 12,1% về lượng hàng vận chuyển và tăng 11,0% về lượng hàng luân chuyển; đường sông tăng 10,2% và tăng 12,4%; đường biển tăng 6,0% và giảm 0,9%; đường sắt giảm 7,2% và tăng 2,4%.
c. Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới chín tháng năm 2011 đạt 7,9 triệu thuê bao, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm 43,9 nghìn thuê bao cố định, giảm 74,4% và 7,9 triệu thuê bao di động, giảm 15,8%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 9/2011 ước tính đạt 129,7 triệu thuê bao, tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,3% và 114,2 triệu thuê bao di động, tăng 5,1%. Số thuê bao internet cả nước tính đến cuối tháng 9/2011 ước tính đạt 4,1 triệu thuê bao, tăng 18% so với cùng thời điểm năm trước. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông chín tháng ước tính đạt 114,3 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2010.
d. Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta chín tháng năm 2011 ước tính đạt 4312,1 nghìn lượt người, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2603,8 nghìn lượt người, tăng 10,9%; đến vì công việc 717,8 nghìn lượt người, giảm 5,2%; thăm thân nhân đạt 722,2 nghìn lượt người, tăng 70,1%.
Trong chín tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 979,4 nghìn lượt người, tăng 44,9%; Hàn Quốc 380,9 nghìn lượt người, tăng 4,2%; Nhật Bản 343,8 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Hoa Kỳ 328,9 nghìn lượt người, tăng 1,2%; Cam-pu-chia 302,3 nghìn lượt người, tăng 59,2%; Đài Loan 266 nghìn lượt người, tăng 5,7%; Ôx-trây-li-a 210,6 nghìn lượt người, tăng 2,5%; Ma-lai-xi-a 168,2 nghìn lượt người, tăng 12,2%; Pháp 156,3 nghìn lượt người, tăng 6%.
II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT
- Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm nay theo giá thực tế ước tính đạt 679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước[1] và bằng 39,8% GDP, bao gồm vốn khu vực Nhà nước 243,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%; khu vực ngoài Nhà nước 264,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 171,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện chín tháng ước tính đạt 131,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn trung ương quản lý đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% kế hoạch năm và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 99,8 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2010.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 22/9/2011 đạt 9903,5 triệu USD, bằng 72,1% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 8237,8 triệu USD của 675 dự án được cấp phép mới (giảm 31,5% về vốn và giảm 29,6% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1665,7 triệu USD của 178 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm 2011 ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ngành kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài chín tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất với 4911,8 triệu USD, bao gồm 3847,6 triệu USD vốn đăng ký mới và 1064,2 triệu USD vốn tăng thêm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2525,3 triệu USD vốn đăng ký mới; ngành xây dựng đạt 689,3 triệu USD, bao gồm 547,5 triệu USD vốn đăng ký mới và 141,8 triệu USD vốn tăng thêm.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2011 ước tính đạt 467,1 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 284,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,5%; thu từ dầu thô 71,5 nghìn tỷ đồng, bằng 103,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 107,3 nghìn tỷ đồng, bằng 77,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 68,2% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 67,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 74,8%; thuế thu nhập cá nhân bằng 91,7%; thu phí xăng dầu bằng 64,6%; thu phí, lệ phí bằng 63%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15 tháng 9 năm 2011 ước tính đạt 511,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 108,2 nghìn tỷ đồng, bằng 71,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 101,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể 334,7 nghìn tỷ đồng, bằng 71,3%; chi trả nợ và viện trợ 68,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,9%.
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Chín ước tính đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2% so với tháng trước và tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung chín tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 32 tỷ USD, tăng 33,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 38 tỷ USD, tăng 37,5%. Nếu loại trừ tái xuất khẩu vàng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng tăng mạnh hơn với 37,5%.
Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu chín tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 một mặt do đơn giá xuất khẩu trên thị trưởng của nhiều mặt hàng tăng như: Giá hạt tiêu tăng 68,8%; giá cao su tăng 56%; giá cà phê tăng 53,1%; giá dầu thô tăng 46,5%; giá xăng dầu tăng 40,9%; giá sắn và các sản phẩm sắn tăng 23,5%. Mặt khác, lượng xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cũng là nhân tố làm tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng năm nay như: Lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng 52%; xăng dầu tăng 21%; hạt tiêu tăng 15%; gạo tăng 13%; cà phê tăng 7%; dầu thô tăng 4%; cao su tăng 2,4%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng năm nay tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Về cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng năm nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 33,7%; hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 39,9%; hàng nông lâm thủy sản chiếm 23,3%; vàng tái xuất chiếm 3,1%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa: Trong tám tháng năm nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với gần 11 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU với 10,2 tỷ USD, chiếm 16,6% và tăng 48,2%; ASEAN đạt 8,6 tỷ USD, chiếm 14% và tăng 26,2%; Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, chiếm 10,6% và tăng 62%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, chiếm 10,5% và tăng 33,3%.
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2011 ước tính đạt 9,3 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 76,9 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 42,6 tỷ USD, tăng 24,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,2 tỷ USD, tăng 30,2%.
Đơn giá nhập khẩu bình quân trên thị trường của đa số các mặt chủ yếu tăng là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng như: Giá xăng dầu tăng 48%; giá khí đốt hoá lỏng tăng 20%; giá phân bón tăng 25%; giá cao su tăng 27%; giá sợi dệt tăng 32%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chín tháng năm nay tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chín tháng năm 2011, máy móc thiết bị chiếm 27,3%; nhóm nguyên nhiên vật liệu chiếm 63,3%; nhập khẩu hàng tiêu dùng chiếm 7,7%; vàng chiếm 1,7%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường cung cấp hàng lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch tám tháng năm 2011 là 15,2 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2010; tiếp đến là ASEAN 13,7 tỷ USD, tăng 32,5%; Hàn Quốc 8,1 tỷ USD, tăng 38,4%; Nhật Bản 6,6 tỷ USD, tăng gần 18%; EU 4,7 tỷ USD, tăng 17,5%; Hoa Kỳ 2,9 tỷ USD tăng 22,8%.
Nhập siêu hàng hóa tháng 9/2011 ước tính đạt 1 tỷ USD, bằng 12% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu chín tháng năm 2011 ước tính 6,9 tỷ USD, bằng 9,8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nếu loại trừ yếu tố vàng thì nhập siêu hàng hóa chín tháng năm nay ước tính 7,7 tỷ USD, bằng 11,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
- Chỉ số giá
a. Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2011 tăng 0,82% so với tháng trước, mức tăng chỉ số giá đã có xu hướng giảm. Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu do tác động của nhóm giáo dục có chỉ số giá tăng cao với mức 8,62%. Chỉ số giá của các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng thấp ở mức dưới 1% hoặc giảm gồm: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,92%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,62%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,59%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,37%; hai nhóm thuốc và dịch vụ y tế; hàng ăn và dịch vụ ăn uống đều tăng 0,28% (trong đó, lương thực tăng 1,53%; thực phẩm giảm 0,28%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,9%); giao thông giảm 0,24%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2011 tăng 16,63% so với tháng 12/2010 và tăng 22,42% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm 2011 tăng 18,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
b. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản chín tháng năm nay tăng 31,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 6,95% so với quý trước và tăng 38,77% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp chín tháng năm 2011 tăng 18,26% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 4,11% so với quý trước và tăng 21,35% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất chín tháng năm 2011 tăng 20,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 4,78% so với quý trước và tăng 25,16% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá cước vận tải chín tháng năm 2011 tăng 17,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 2,92% so với quý trước và tăng 21,23% so với cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá chín tháng năm 2011 tăng 19,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 21,22% so với quý trước và tăng 36,20% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá chín tháng năm 2011 tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá quý III/2011 tăng 22,46% so với quý trước và tăng 30,87% so với cùng kỳ năm 2010.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
- Lao động, việc làm
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước chín tháng năm 2011 ước tính 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với lực lượng lao động trung bình năm 2010. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế của cả nước chín tháng năm nay ước tính 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với số lao động bình quân năm 2010, bao gồm: 24,8 triệu người làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; 10,6 triệu người làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng; 15,2 triệu người làm việc trong khu vực dịch vụ.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chín tháng năm 2011 ước tính 2,18%, trong đó khu vực thành thị 3,49%; khu vực nông thôn 1,63%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi chín tháng ước tính 3,15%, trong đó khu vực thành thị 1,72%; khu vực nông thôn 3,74%.
- Đời sống dân cư, bảo đảm an sinh xã hội
Trong chín tháng năm 2011, cả nước có 580 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 15,7%, tương ứng với 2432 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 16,9 nghìn tấn lương thực và 9,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp trợ cấp đột xuất cho đối tượng thu nhập thấp với tổng giá trị 763 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn cho 1,4 triệu người có công với nước và thực hiện chi trả theo chế độ cho 22 nghìn cán bộ hoạt động kháng chiến, thanh niên xung phong. Theo báo cáo sơ bộ của 56 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong chín tháng năm 2011 là 2780 tỷ đồng, bao gồm: 896 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chính sách; 927 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 957 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.
- Giáo dục, đào tạo
Tính đến tháng 9/2011, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Theo báo cáo sơ bộ, tại thời điểm đầu năm học 2011-2012, cả nước có trên 3,7 triệu trẻ em mầm non và hơn 15 triệu học sinh phổ thông nhập học.
Trong năm học 2010-2011, cả nước có 409 trường mầm non và 191 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia cả nước tính đến năm 2011 là 10999 trường, bao gồm: 2454 trường mầm non, chiếm 18,9% số trường mầm non; 5912 trường tiểu học, chiếm 38,9% số trường tiểu học; 2341 trường trung học cơ sở, chiếm 23,1% số trường trung học cơ sở và 292 trường trung học phổ thông, chiếm 12,8% số trường trung học phổ thông.
Tính đến tháng 6/2011, cả nước có 128 trường cao đẳng nghề; 308 trường trung cấp nghề; 908 trung tâm dạy nghề và trên 1 nghìn cơ sở khác mở các lớp dạy nghề. Số học sinh học nghề được tuyển mới tính đến hết tháng 6/2011 là 740,4 nghìn lượt người, đạt 39,8% kế hoạch năm, bao gồm: Cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 92,4 nghìn lượt người, đạt 22%; sơ cấp nghề 648 nghìn lượt người, đạt 45%. Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề năm 2011 đang được triển khai tích cực với tổng số vốn là 2894 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho đào tạo nghề đối với lao động nông thôn là 1 nghìn tỷ đồng với mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 400 nghìn lao động.
- Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Trong chín tháng năm 2011, cả nước có 41,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (32 trường hợp tử vong); 5,9 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan vi rút (2 trường hợp tử vong); 839 trường hợp viêm não vi rút (17 trường hợp tử vong); 475 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 679 trường hợp mắc cúm A (H1N1) với 14 trường hợp tử vong và 52,3 nghìn trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó 109 trường hợp đã tử vong.
Trong tháng Chín đã phát hiện thêm 1,8 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện tại các địa phương tính từ ca phát hiện đầu tiên đến giữa tháng 9/2011 là 243,9 nghìn trường hợp, trong đó 98,4 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 51,2 nghìn người đã tử vong do AIDS. Trong tháng Chín, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm làm 171 trường hợp bị ngộ độc, trong đó 3 người tử vong.
5. Tai nạn giao thông
Trong tháng 8/2011 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1082 vụ tai nạn giao thông, làm chết 930 người và làm bị thương 844 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 5,3%, số người chết giảm 2,2% và số người bị thương tăng 2,3%. Tính chung tám tháng năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8984 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7550 người và làm bị thương 6908 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông giảm 1,3%, số người chết tăng 0,6% và số người bị thương tăng 2,7%. Bình quân 1 ngày trong tám tháng năm 2011, cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 28 người.
6. Thiệt hại do thiên tai gây ra
Thiên tai xảy ra trong chín tháng năm 2011 làm 125 người chết và mất tích, 145 người bị thương; hơn 700 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; gần 20,3 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; gần 28 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng. Nghệ An là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 21 người chết và mất tích; 280 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 4,6 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong chín tháng ước tính gần 4,3 nghìn tỷ đồng, trong đó Nghệ An thiệt hại 2,6 nghìn tỷ đồng.
[1] Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2011 bằng 99,5% cùng kỳ năm 2010.