I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2013 ước tính tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I/2012. Tăng trưởng quý I của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 2,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung và thấp hơn mức tăng 2,81% của quý I/2012 (Nông nghiệp tăng 2,03%, thấp hơn mức 2,37% cùng kỳ năm 2012; Lâm nghiệp tăng 5,38%, cao hơn mức 4,97% của cùng kỳ năm 2012; Thủy sản tăng 2,28%, thấp hơn mức 4,05% cùng kỳ năm 2012). Tăng trưởng quý I của khu vực công nghiệp và xây dựng là 4,93%, đóng góp 1,98 điểm phần trăm và thấp hơn mức tăng 5,15% cùng kỳ năm 2012 (Công nghiệp tăng 4,95%, thấp hơn mức tăng 5,80% cùng kỳ năm 2012 và xây dựng tăng 4,79%, cao hơn mức tăng 0,77% cùng kỳ năm 2012) và khu vực dịch vụ tăng 5,65%, đóng góp 2,60 điểm phần trăm và cao hơn mức tăng 4,99% cùng kỳ.

  1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2012 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp tăng 2,5%; lâm nghiệp tăng 5,8%; thủy sản tăng 2,5%.

a. Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1123,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 134,4% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1090,7 nghìn ha, chiếm 68% diện tích xuống giống và bằng 135,5%. Theo ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân toàn vùng đạt 68,4 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha. Sản lượng lúa toàn vùng ước tăng 100 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2012

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong ba tháng đầu năm gặp một số khó khăn trong việc đầu tư tái đàn và khôi phục sản xuất sau dịp Tết Nguyên đán. Theo báo cáo sơ bộ, đàn trâu, bò cả nước giảm khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn ước tính giảm khoảng 1-2% (ước tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I đạt chỉ xấp xỉ mức quý I năm 2012); số gia cầm giảm khoảng 2-3% (sản lượng thịt gia cầm tăng nhẹ so với cùng kỳ).

b. Lâm nghiệp

Trong ba tháng đầu năm, tổng diện tích rừng trồng tập trung ước tính giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 3,2%; sản lượng gỗ khai thác tăng 8,2%; sản lượng củi khai thác tăng 3,1%. Mặc dù diện tích rừng trồng mới tập trung giảm nhưng sản lượng gỗ khai thác tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước nên giá trị sản xuất lâm nghiệp vẫn tăng khá.

c. Thủy sản

Tổng sản lượng thủy quý I/2013 ước tính tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2012; sản lượng thủy sản khai thác tăng 3,9%.

Nuôi trồng thủy sản ba tháng đầu năm gặp khó khăn do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài. Dự báo sản lượng cá tra còn tiếp tục giảm trong các tháng tới. Sản lượng cá tra ba tháng đầu năm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính giảm 15% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó Vĩnh Long giảm 66%; Bến Tre giảm 31%; An Giang giảm 15%; Cần Thơ giảm 5,8%.

Khai thác thuỷ sản trong kỳ nhìn chung ổn định do thời tiết khá thuận lợi. Khai thác cá lớn và cá ngừ đại dương tiếp tục phát triển mạnh tại một số tỉnh. Sản lượng cá ngừ đại dương của Bình Định tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên tăng 16,3%.

  1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Ba (tính theo năm gốc so sánh 2010) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 10,9%.

Tính chung quý I năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm 2012), trong đó ngành công nghiệp khai khoáng (chiếm 21,3% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp) tăng 2,1% (cùng kỳ năm trước tăng 3,6%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 70,9% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 5,4% (cùng kỳ năm trước tăng 5,9%); sản xuất và phân phối điện (chiếm 6,7% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 8,5% (cùng kỳ năm trước tăng 12,5%); cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải (chiếm 1,1% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 9,5% (cùng kỳ năm trước tăng 8,4%).

Trong 4,9% mức tăng chung của quý I, ngành khai thác đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 3,8 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong ngành khai khoáng, khai thác dầu thô chiếm tỷ trọng lớn nhưng chỉ số sản xuất tăng ở mức thấp là 3,8% do sản lượng dầu thô chỉ tăng 3,7%, thấp hơn mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2012. Một số ngành khai thác khác có chỉ số sản xuất giảm mạnh như: Khai thác than cứng và than non giảm 5,9%; khai khoáng khác giảm 8,7%.

Trong ngành chế biến, chế tạo, nhiều ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 4,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 3,8%; sản xuất kim loại giảm 3,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 3,3%; sản xuất thuốc lá giảm 2,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,1%; sản xuất, chế biến thực phẩm là ngành lớn nhất của công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 12,8% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 3,1% (cùng kỳ năm trước tăng 11,8%).

Các sản phẩm công nghiệp có mức tăng thấp hoặc giảm là: Ti vi giảm 18,3%; ô tô giảm 12,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 11,3%; khí hóa lỏng giảm 9,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 9%; bột ngọt giảm 6,5%; than khai thác giảm 5,9%; thuốc lá giảm 2,6%; thủy hải sản chế biến tăng 3,6% (cùng kỳ năm trước tăng 13,6%)….

Tuy nhiên vẫn có những ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 như: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19%; sản xuất da và các sản phẩm da tăng 18,3%; sản xuất đồ uống tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 8,2%. Một số ngành có mức tăng khá như: Sản xuất thiết bị điện tăng 6,8%; sản xuất trang phục tăng 5,8%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 4,7%.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng cao hơn các ngành khác nhưng vẫn thấp hơn mức tăng năm trước do sản suất suy giảm nên nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất thấp.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hai tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,1%, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao gồm: Sản xuất đồ uống  tăng 22,8%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác (trừ xe có động cơ) tăng 12,7%; sản xuất hóa dược và dược liệu tăng 10,4%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 8,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ hai tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm gồm: Sản xuất trang phục tăng 6,9%; dệt tăng 4,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 3,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 0,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 0,2%; sản xuất kim loại giảm 7,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 7,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,6%.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/3/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức tăng 19,9% của cùng kỳ năm 2012. Những ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 37,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 28,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 27,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 16%; sản xuất kim loại tăng 15,6%; sản xuất trang phục tăng 15,4%. Một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hoặc giảm là: Dệt tăng 11,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 2%; sản xuất đồ uống giảm 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học giảm 31,5%.

  1. Hoạt động dịch vụ

a. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm ước tính tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,5%, thấp hơn mức tăng 4,7% cùng kỳ năm trước. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm của các ngành như sau: Kinh doanh thương nghiệp tăng 10,8%; khách sạn nhà hàng tăng 15,4%; dịch vụ tăng 15,3%; du lịch tăng 4%.

b. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách ba tháng đầu năm nay ước tính tăng 6,8% về khối lượng vận chuyển và tăng 5,9% về khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải đường bộ tăng 7% về vận chuyển và tăng  6,7% về luân chuyển; đường sông tăng 5,3% và tăng 10,7%; đường hàng không giảm 2,2% và tăng 3,4%; đường biển tăng 1,7% và tăng 1,4%; đường sắt giảm 4,4% và giảm 4,7%.

Vận tải hàng hóa ba tháng đầu năm ước tính tăng 4,9% về khối lượng vận chuyển và giảm 6,1% về khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước tăng 5,8% về vận chuyển và tăng 4,2% về luân chuyển; vận tải ngoài nước giảm 8,4% và giảm 9,3%. Vận tải hàng hóa đường bộ tăng 7,1% về vận chuyển và tăng 5,5% về luân chuyển; đường sông giảm 0,4% và giảm 2,8%; đường biển giảm 9,8% và giảm 10,4%; đường sắt giảm 5,1% và giảm 7,4%.

c. Khách quốc tế đến Việt Nam

Trong ba tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 1,8 triệu lượt người, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến đến với mục đích du lịch chiếm tỷ trọng lớn (61,3%) nhưng giảm 4,7%; khách đến vì công việc giảm 4,8%. Một số nước thường có lượng khách đến nước ta nhiều nhưng mức tăng quý I năm nay không cao và thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước hoặc giảm như: Khách đến từ Trung Quốc tăng 0,7%; Hàn Quốc tăng 8,7%; Nhật Bản giảm 1,8%; Mỹ giảm 5,3%; Đài Loan giảm 18,5% (Các mức tăng cùng kỳ năm trước của các nước tương ứng là: Trung Quốc tăng 36%; Hàn Quốc tăng 43,3%; Nhật Bản tăng 16,9%; Mỹ tăng 0,9%; Đài Loan tăng 33,7%).

 II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

  1. Xây dựng, đầu tư phát triển

a. Hoạt động xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng quý I năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực Nhà nước tăng 9,8%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,7%.

b. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 29,6% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% (Vốn từ ngân sách Nhà nước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, giảm 4,9%); khu vực ngoài Nhà nước 74,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 53 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9%.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/3/2013 đạt 6034,2 triệu USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vốn đăng ký của 191 dự án được cấp phép mới đạt 2927 triệu USD (giảm 26,3% số dự án và tăng 2,2% số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 71 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 3107,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I năm 2013 ước tính đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong ba tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5539,3 triệu USD, chiếm 91,8% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 249,8 triệu USD, chiếm 4,1%; các ngành còn lại đạt 245,1 triệu USD, chiếm 4,1%.

  1. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2013 ước tính đạt 136,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 93,1 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1%; thu từ dầu thô 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 21,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 20,1 nghìn tỷ đồng, bằng 18,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 20,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,4%; thu thuế thu nhập cá nhân 10 nghìn tỷ đồng, bằng 18,2%; thu thuế bảo vệ môi trường 2,3 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8%; thu phí, lệ phí 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/3/2013 ước tính đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 26,9 nghìn tỷ đồng, bằng 15,4% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 26 nghìn tỷ đồng, bằng 15,3%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ước tính đạt 124,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,9%; chi trả nợ và viện trợ 20,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6%.

  1. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

a. Xuất khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba ước tính đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 31 tỷ USD, tăng 25,1%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,3 tỷ USD, tiếp tục tăng mạnh ở mức 25,6%, chủ yếu do đóng góp của một số mặt hàng gia công lắp ráp như: Điện thoại các loại và linh kiện; điện tử máy tính và linh kiện; đá quý kim loại quý và sản phẩm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 15,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung, khu vực trong nước chiếm 35% và đóng góp 3,9 điểm phần trăm.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý I đạt mức kim ngạch tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 89,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 49,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,3%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 23,4%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 287,3%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù tăng 23,3%. Riêng kim ngạch xuất khẩu gạo và cà phê giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó cà phê giảm 1,5%; gạo giảm 1,4%.

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu quý I, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính chiếm 45,5% (cao hơn so với mức 42,7% của quý I/2012); nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 35,5% (thấp hơn so với mức 37% của quý I/2012);  nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 13,5% (thấp hơn mức 15,1% của quý I/2012); nhóm hàng thủy sản chiếm 4,2% (thấp hơn mức 5,2% của quý I/2012). Xuất khẩu vàng ước tính chiếm 1,3% (quý I/2012 không có mặt hàng này).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I năm 2013, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2012. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 29,4%; Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 8,2%.

b. Nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56,1% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 4,2 tỷ USD (Nếu loại trừ yếu tố giá, nhập khẩu quý I ước đạt 30 tỷ USD, tăng 20,4%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 13,1 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 7,9%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 55,3%, tăng 25,5%, tương đương 3,3 tỷ USD và đóng góp 13,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng cao do sự đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu. Trong ba tháng đầu năm, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 51,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 86,7%; chất dẻo tăng 17,7%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu tăng 64,9%; kim loại thường tăng 22%; sản phẩm chất dẻo tăng 20,8%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng tăng 126,3%; bông tăng 34,6%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu quý I giảm so với cùng kỳ năm 2012 là: Xăng dầu giảm 27,8%; hóa chất giảm 4,9%; lúa mỳ giảm 46,5%; xe máy giảm 24,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu trong quý I, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải chiếm 38,3%; nhóm nguyên nhiên vật liệu chiếm 53,2%. Hàng tiêu dùng chiếm 7,1% và vàng chiếm 1,4%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,6 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2012. Tiếp theo là ASEAN đạt 5,1 tỷ USD, tăng 4,6%; Hàn Quốc đạt 4,9 tỷ USD, tăng 47%; EU đạt 2,2 tỷ USD tăng 20%; Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 3,3%.

Tháng Ba nhập siêu 300 triệu USD, nhưng do hai tháng đầu năm xuất siêu 781 triệu USD nên tính chung quý I/2013 xuất siêu 481 triệu USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,1 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD.

  1. Chỉ số giá

a. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ, hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với 0,53% (Lương thực giảm 0,59%; thực phẩm giảm 0,95%); đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; giao thông giảm 0,25%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại tăng nhẹ, trong đó nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; giáo dục tăng 0,04%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2013 tăng 2,39% so với tháng 12/2012 và tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 6,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

b. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2013 tăng 2,06% so với quý trước và giảm 5,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp tăng 2,19% và giảm 6,92%; hàng lâm nghiệp tăng 1,58% và tăng 7,41%; hàng thủy sản tăng 1,64% và giảm 1,74%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp quý I năm 2013 tăng 0,98% so với quý trước và tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 0,24% và tăng 2,04%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,69% và tăng 3,04%; điện và phân phối điện tăng 3,79% và tăng 8,73%; nước sạch, nước thải tăng 1,88% và tăng 9,16%.

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm 2013 tăng 1,34% so với quý trước và tăng 3,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá một số ngành là: Khai khoáng tăng 5,7% và tăng 8,49%; thiết bị điện tăng 2,65% và tăng 2,56%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 2,42% và tăng 5,39%; chế biến, sửa chữa và lắp đặt máy móc thiết bị tăng 2,17% và giảm 0,29%.

Chỉ số giá cước vận tải kho bãi quý I năm 2013 tăng 3,32% so với quý trước và tăng 8,58% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá cước vận tải hành khách tăng 3,55% và tăng 9,71%; giá cước vận tải hàng hóa tăng 2,11% và tăng 5,91%; giá cước dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tăng 6,57% và tăng 14,85%.

c. Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I năm 2013 giảm 0,12% so với quý trước và giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của một số mặt hàng là: Chất dẻo giảm 5,53% và giảm 15,59%; sản phẩm bằng sắt thép giảm 4,79% và giảm 5,43%; sắt thép giảm 4,04% và giảm 3,62%; gạo giảm 2,61% và giảm 17,96%. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I năm 2013 giảm 0,13% so với quý trước và giảm 2,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của một số mặt hàng là: Cao su giảm 6,84% và giảm 12,09%; thuốc trừ sâu giảm 4,72% và giảm 11,27%; sản phẩm từ hóa chất giảm 4,05% và giảm 8,28%; sắt thép giảm 3,21% và giảm 13,09%.

 

III.  MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

  1. Lao động, việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đến 01/4/2013 là 53,04 triệu người, tăng 251,8 nghìn người so với thời điểm 01/01/2013, trong đó lao động nam chiếm 51,5%; lao động nữ chiếm 48,5%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính đến 01/4/2013 là 47,27 triệu người, tăng 183,6 nghìn người so với thời điểm 01/01/2013, trong đó lao động nam chiếm 53,5%; nữ chiếm 46,5%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đến 01/4/2013 ước tính 52,04 triệu người, tăng 337,7 nghìn người so với bình quân năm 2012 và tăng 76,1 nghìn người so với quý IV năm 2012. Về cơ cấu, lao động trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm 47,0%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2012; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,8%, giảm 0,4 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 32,2%, tăng 0,8 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I năm 2013 là 2,1%, trong đó khu vực thành thị là 3,4%, khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2013 là 3,58%, trong đó khu vực thành thị là 2,54%, khu vực nông thôn là 4%. Tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của quý I năm 2013 tăng so với năm 2012 ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn.

  1. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong ba tháng đầu năm 2013 là 2540 tỷ đồng, bao gồm: 1211 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1085 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và hơn 244 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.

Tình trạng thiếu đói trong nông dân tuy vẫn xảy ra nhưng đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3/2013, cả nước có 45,9 nghìn hộ thiếu đói, giảm 42,7% so với tháng 3/2012, tương ứng với 194,0 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,4%. Tính chung ba tháng đầu năm, cả nước có 178,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 737,3 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 10,9%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 12,2 nghìn tấn lương thực và 8,2 tỷ đồng.

  1. Giáo dục

Theo báo cáo từ các địa phương, tại thời điểm đầu năm học 2012-2013, cả nước có 13546 trường mẫu giáo, tăng 402 trường so với năm học trước; 15496 trường tiểu học, tăng 159 trường; 10334 trường trung học cơ sở, tăng 101 trường và 2392 trường trung học phổ thông, tăng 42 trường. Trong năm học này, cả nước có 241,3 nghìn giáo viên mẫu giáo, tăng 38,7% so với năm học 2011-2012; giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 834,8 nghìn người, tăng 0,8%, bao gồm: 373,5 nghìn giáo viên tiểu học, tăng 2%; 312,1 nghìn giáo viên trung học cơ sở, tương đương năm học trước và 149,2 nghìn giáo viên trung học phổ thông, giảm 0,6%. Tính đến hết tháng Ba năm 2013, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (trong đó 04 tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

  1. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong ba tháng đầu năm, cả nước có gần 9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (9 trường hợp tử vong); 90 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (2 trường hợp tử vong); 31 trường hợp mắc thương hàn; 11,3 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (4 trường hợp tử vong) và 16 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Trong tháng đã phát hiện thêm 516 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến giữa tháng Ba năm 2013 lên 264,9 nghìn người, trong đó 108,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 54,5 nghìn người đã tử vong do AIDS.

Trong tháng Ba đã xảy ra 6 vụ ngộ độc, làm 245 người bị ngộ độc. Tính chung ba tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 487 người bị ngộ độc, trong đó 4 trường hợp tử vong.

  1. Hoạt động thể thao

Trong thể thao thành tích cao, đoàn thể thao Việt Nam giành được 03 huy chương vàng tại: Giải Thể dục dụng cụ quốc tế Toyota, Giải vô địch Súng hơi châu Á (Trung Quốc) và Giải vô địch Đấu kiếm trẻ Châu Á (Thái Lan) cùng 02 huy chương bạc tại: Giải vô địch Đi bộ Châu Á (Nhật Bản) và World Cup Thể dục Dụng cụ (Pháp).

  1. Tai nạn giao thông

Trong tháng 03/2013, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 732 vụ tai nạn giao thông, làm chết 653 người và làm bị thương 510 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,2%; số người chết giảm 13,5%; số người bị thương giảm 7,3%. Tính chung ba tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 2822 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2578 người và làm bị thương 1811 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 2,8%; số người chết tăng 6,3%; số người bị thương giảm 10,7%. Bình quân một ngày trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người và làm bị thương 20 người.

  1. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong quý I năm nay các cơ quan chức năng đã phát hiện 1719 vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường, trong đó 797 vụ đã bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng, riêng trong tháng Ba đã phát hiện 805 vụ vi phạm, trong đó 421 vụ đã bị xử lý.

Tình hình cháy, nổ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong tháng Ba, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 217 vụ cháy, nổ, làm 23 người chết, 22 người bị thương, thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 635 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 82 người chết và bị thương, thiệt hại ước tính 93 tỷ đồng.

TỔNG CỤC THỐNG KÊ