1. Khái niệm, phương pháp tính

Cân đối sản phẩm nông nghiệp là hệ thống chỉ tiêu biểu hiện mối quan hệ giữa nguồn cung và sử dụng của từng loại sản phẩm nông nghiệp của quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm). Đối với mỗi sản phẩm nông nghiệp tổng nguồn cung cấp bằng tổng mức sử dụng sản phẩm đó trong từng thời kỳ.

Để lập bảng cân đối cho một loại nông sản thường phải xác định các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

– Tổng nguồn cung của một loại nông sản trong thời kỳ nhất định.

Công thức tính:

Tổng nguồn cung của một loại nông sản trong kỳ = Thay đổi tồn kho + Sản lượng
sản xuất
+ Số lượng
nhập khẩu

+ Thay đổi tồn kho là biến động đối với hàng tồn kho trong một năm nhất định từ sản xuất đến bán lẻ. Thay đổi tồn kho gồm sự tăng, giảm về lượng của nông sản đó trong kho của Nhà nước, cũng như kho của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ, doanh nghiệp vận tải, bến bãi và tại các hộ, trang trại. Thay đổi tồn kho được tính bằng chênh lệch giữa số lượng cuối kỳ và số lượng đầu kỳ.

+ Sản lượng sản xuất là tổng lượng nông sản đó sản xuất trong kỳ (không gồm hao hụt trong quá trình thu hoạch).

+ Số lượng nhập khẩu là toàn bộ sản lượng sản phẩm được đưa từ bên ngoài biên giới vào một quốc gia trong kỳ.

Tổng sử dụng của một loại nông sản trong thời kỳ nhất định.

Công thức tính:

Tổng sử dụng của một loại nông sản trong kỳ = Số lượng làm thức ăn chăn nuôi + Số lượng làm giống + Số lượng dùng để chế biến + Sử dụng khác + Hao hụt + Xuất khẩu + Để ăn

+ Số lượng làm thức ăn chăn nuôi là lượng nông sản đem cho gia súc, gia cầm và vật nuôi khác ăn và những sản phẩm đã qua chế biến có thể dùng làm thức ăn cho vật nuôi nhưng không được tách riêng trong bảng cân đối lương thực.

+ Số lượng làm giống là lượng nông sản sử dụng cho mục đích tái sản xuất, như hạt đem trồng và trứng để ấp.

+ Số lượng dùng để chế biến là lượng nông sản được sử dụng cho mục đích để sản xuất ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm như làm bún, làm bánh, kẹo, giò, chả,…

+ Sử dụng khác là lượng nông sản được sử dụng để sản xuất các sản phẩm phi lương thực, thực phẩm khác, ví dụ như dừa để sản xuất xà phòng, sắn sản xuất xăng,…; sử dụng cho khách du lịch nước ngoài,…

+ Hao hụt là lượng nông sản bị hao hụt trong quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng, lưu kho và vận chuyển. Tuy nhiên, loại trừ hao hụt xảy ra vào thời kỳ trước thu hoạch và trong khi thu hoạch. Cũng loại trừ cả hao hụt trong tiêu dùng tại hộ gia đình, ví dụ như trong bảo quản, trong chế biến, nấu nướng và lượng thức ăn thừa cho các vật nuôi trong nhà hay phần vứt bỏ đi.

+ Xuất khẩu là toàn bộ số lượng nông sản dịch chuyển ra khỏi quốc gia trong kỳ, gồm cả tạm nhập và tái xuất.

+ Để ăn là lượng nông sản sẵn có cho tiêu dùng của con người trong kỳ được thể hiện dưới dạng trọng lượng. Sản lượng để ăn được tính cho toàn bộ dân số trung bình cư trú lâu dài của quốc gia trong kỳ, không gồm người nước ngoài.

Công thức tính tổng lượng cung cấp cho tiêu dùng:

Tổng lượng cung cấp cho tiêu dùng = Sản lượng sản xuất trong kỳ + (Nhập khẩu – Xuất khẩu) +/- Thay đổi
tồn
kho
(Giống + Thức ăn chăn nuôi + Hao hụt + Chế biến + Sử dụng khác)

2. Phân tổ chủ yếu: Loại nông sản.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

– Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

– Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

– Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

– Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).