1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi là số đầu con có tại thời điểm quan sát, trong đó:

a) Số lượng gia súc

– Số lượng trâu, gồm: Các loại trâu giống nội, giống lai, giống ngoại nuôi với mục đích giết thịt, cày kéo, lấy sữa và sinh sản có tại thời điểm quan sát (tính cả trâu mới sinh).

– Số lượng bò, gồm: Các loại bò giống nội, giống lai, giống ngoại nuôi với mục đích giết thịt, cày kéo, lấy sữa và sinh sản có tại thời điểm quan sát (tính cả bò mới sinh).

+ Số lượng bò sữa, gồm: Các loại bò có nguồn gốc từ các giống bò sữa được nuôi với mục đích để chuyên lấy sữa.

+ Số lượng bò cái sữa, gồm: Số bò cái sữa đã đẻ từ 1 lứa trở lên.

– Số lượng lợn/heo, gồm: Các loại lợn/heo giống nội, giống lai, giống ngoại nuôi với mục đích giết thịt và sinh sản (không bao gồm lợn/heo con chưa tách mẹ).

+ Số lượng lợn/heo nái, gồm: Số lợn/heo cái được chọn lọc để nuôi với mục đích sinh sản và những con nái đã đẻ từ 1 lứa trở lên.

+ Số lượng lợn/heo nái đẻ, gồm: Số con lợn/heo nái đã đẻ từ một lứa trở lên.

+ Số lượng lợn/heo đực giống, gồm: Số lợn/heo đực được chọn lọc để nuôi với mục đích phối giống và những con đực đã sử dụng để phối giống hoặc khai thác tinh.

– Số lượng gia súc khác, gồm: Ngựa, dê, cừu, hươu, nai,…

b) Số lượng gia cầm

– Số lượng gà, gồm: Các loại gà giống nội, giống lai, giống ngoại nuôi với mục đích lấy thịt, đẻ trứng (không bao gồm gà dưới 7 ngày tuổi).

+ Gà công nghiệp, gồm: Các loại gà có nguồn gốc từ các giống nhập ngoại được nuôi với mục đích để chuyên lấy thịt (gà chuyên thịt) hoặc để chuyên lấy trứng (gà chuyên trứng) và được nuôi theo một quy trình khép kín, sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

+ Gà đẻ trứng, gồm: Số gà mái nuôi đã đẻ trứng.

– Số lượng vịt, ngan, ngỗng, gồm: Các loại nuôi với mục đích lấy thịt và đẻ trứng (không bao gồm những con dưới 7 ngày tuổi).

– Số lượng gia cầm khác, gồm: Chim cút, bồ câu, đà điểu,…

c) Số lượng vật nuôi khác, gồm: Thỏ, chó, trăn, rắn, nhím, ong (đàn),…

2. Phân tổ chủ yếu

a) Kỳ 6 tháng:

– Loại vật nuôi chủ yếu: Lợn/heo, gà, vịt, ngan;

– Huyện/quận/thị xã/thành phố.

b) Kỳ năm:

– Loại vật nuôi chủ yếu;

– Loại hình kinh tế;

– Huyện/quận/thị xã/thành phố.

3. Kỳ công bố: 6 tháng, năm.

4. Nguồn số liệu

– Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

– Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

Điều tra chăn nuôi;

– Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

– Chủ trì: Cục Thống kê;

– Phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.