1. Khái niệm, phương pháp tính
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát, hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3 héc ta trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.
Độ tàn che là mức độ che kín của tán cây rừng theo phương thẳng đứng trên một đơn vị diện tích rừng được biểu thị bằng tỷ lệ phần mười.
Căn cứ theo nguồn gốc hình thành, rừng bao gồm: Rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó:
– Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung, bao gồm:
+ Rừng nguyên sinh là rừng tự nhiên chưa hoặc ít bị tác động bởi con người, chưa làm thay đổi cấu trúc của rừng;
+ Rừng thứ sinh là rừng tự nhiên đã bị tác động bởi con người tới mức làm cấu trúc rừng bị thay đổi, gồm: rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên sau nương rẫy, cháy rừng hoặc các hoạt động làm mất rừng khác; rừng thứ sinh sau khai thác chọn cây gỗ và các loại lâm sản khác;
– Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng.
Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, rừng được phân thành 3 loại: Rừng đặc dụng; rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
– Rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bao gồm:
+ Vườn quốc gia;
+ Khu dự trữ thiên nhiên;
+ Khu bảo tồn loài – sinh cảnh;
+ Khu bảo vệ cảnh quan gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
+ Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
– Rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng; được phân theo mức độ xung yếu bao gồm:
+ Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
+ Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
– Rừng sản xuất là rừng được sử dụng chủ yếu để cung cấp lâm sản; sản xuất, kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Phân chia rừng theo loài cây:
– Rừng gỗ, chủ yếu có các loài cây thân gỗ, bao gồm:
+ Rừng cây lá rộng là rừng có các loài cây gỗ lá rộng chiếm trên 75% số cây, bao gồm: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng rụng lá và rừng lá rộng nửa rụng lá;
+ Rừng cây lá kim là rừng có các loài cây lá kim chiếm trên 75% số cây;
+ Rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim là rừng có các loài cây gỗ lá rộng và cây lá kim với tỷ lệ hỗn giao theo số cây mỗi loại từ 25% đến 75%.
– Rừng tre nứa là rừng có thành phần chính là các loài cây thuộc phân họ tre nứa chiếm 75% số cây trở lên.
– Rừng hỗn giao gỗ – tre nứa là rừng có độ tàn che của các loài cây gỗ chiếm từ 50% độ tàn che của rừng trở lên.
– Rừng hỗn giao tre nứa – gỗ là rừng có độ tàn che của các loài tre, nứa chiếm trên 50% độ tàn che của rừng;
– Rừng cau dừa là rừng có thành phần chính là các loài họ cau chiếm trên 75% số cây.
Diện tích rừng hiện có là diện tích đất tại thời điểm quan sát có rừng (không bao gồm diện tích đang hình thành rừng (chưa đủ tiêu chuẩn là rừng)).
Diện tích đang hình thành rừng, gồm:
– Diện tích có cây gỗ tái sinh đang trong giai đoạn khoanh nuôi, phục hồi để thành rừng.
– Diện tích đã trồng cây rừng nhưng chưa đạt các tiêu chí thành rừng.
– Diện tích khác đang được sử dụng để bảo vệ và phát triển rừng.
2. Phân tổ chủ yếu
– Mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất;
– Nguồn gốc hình thành: Rừng tự nhiên và rừng trồng.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu
– Điều tra kiểm kê rừng;
– Chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.
5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.